Diễn Phong đi lên từ xây dựng đời sống văn hóa

Mô hình trồng dưa thu nhập cao ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An
 

Từ một làng văn hóa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận năm 1998, đến mùa xuân năm 2020, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã có 4/4 làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, đạt tỷ lệ 100%. Các tiêu chí về một làng văn hóa đã trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống của người dân Diễn Phong hiện nay. Với bản chất cần cù, chăm chỉ, người dân Diễn Phong đã thâm canh tốt 244 ha đất canh tác, tăng hệ số sử dụng đất lên 3 lần cùng với sự năng động, nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Kết quả 100% diện tích đất canh tác ở xã này đã cho thu nhập từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (từ năm 2011 - 2021), các câu lạc bộ (CLB) “Người nông dân sản xuất trên cánh đồng cho thu nhập cao” đã được thành lập trong toàn xã, với mô hình trồng dưa hấu, bí xanh, khoai tây, rau ngô ngọt, ớt cay, xúp lơ, bí đỏ… cho thu nhập từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng ha/năm. Diễn Phong trở thành mô hình của tỉnh Nghệ An về trồng rau củ quả sạch được sản xuất theo hướng Việt GAP trong nhà lưới trên đất màu. Ngoài CLB này, xã còn phát triển CLB nuôi ong, làm vườn, nuôi bò nhốt chuồng, trồng rau sạch trong nhà lưới, nuôi gà thả vườn dưới tán cây ăn quả, nuôi lợn đàn, lợn nái sinh sản, đem lại thu nhập cao cho người dân trong xã.

Gương mẫu đi đầu trong sản xuất rau, củ, quả sạch ở xã Diễn Phong, phải kể đến lực lượng Cựu chiến binh (CCB). Trong số 328 hội viên CCB toàn xã, có tới 250 hội viên trực tiếp tham gia sản xuất, làm thương mại, dịch vụ. Anh Trần Văn Hạnh CCB, Giám đốc HTX cổ phần dịch vụ nông nghiệp THQ xã Diễn Phong cho biết:  HTX có 50 thành viên góp vốn, góp đất chuyển sản xuất rau củ quả sạch trên diện tích 20ha đất, được quay vòng gieo trồng mỗi năm 3 - 4 vụ bằng các loại cây trồng 75 - 85 ngày là cho thu hoạch như khoai tây, rau ngô ngọt, ớt cay, củ cải ngọt, dưa hấu, dưa lê. 3 năm qua, HTX ký hợp đồng với Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình để tiêu thụ rau ngô ngọt. Tính ra, trồng rau ngô ngọt làm mặt hàng xuất khẩu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ. Mức thu nhập của lao động trồng rau củ quả sạch đạt từ 50 triệu đồng đến 55 triệu đồng người/năm.

Sản xuất rau củ quả sạch một năm từ 3 - 4 lứa, trên diện tích 180 ha đất màu, trồng mỗi năm 2 vụ lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên diện tích 60 ha đất thấp trũng, cùng với làm thương mại, dịch vụ đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế xã đạt từ 22%-25%, bình quân 10 năm xây dựng nông thôn mới đạt 18%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm. Năm 2016, Diễn Phong được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 19/19 tiêu chí. Đời sống của bà con nông dân Diễn Phong đã có “của ăn của để”, làm được nhà cửa khang trang. Nhiều hộ làm được nhà cao tầng, mua ô tô, các loại máy nông cụ để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động. Hằng năm, có từ 85 - 90% số gia đình trong xã đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân nâng cao, Diễn Phong đã dẫn đầu huyện về nhựa hóa đường làng, ngõ xóm, đường giao thông liên xóm, đường từ làng ra đồng. Tất cả các tuyến đường nội xóm được bê tông hóa từ năm 2006 và có hệ thống đèn chiếu sáng. Xóm nào cũng có con đường trồng hoa, cây xanh hai bên đường mang tên các đoàn thể quần chúng như đường CCB, đường hội Nông dân, hội Phụ nữ, đường Thanh niên và có hệ thống chiếu sáng. Các thiết chế VHTT-TT từ xóm đến xã được đầu tư xây dựng khang trang. 4/4 xóm có Nhà văn hóa, sân thể thao với diện tích 3000 m2 /xóm, có đủ trang thiết bị đèn chiếu sáng, sân bóng chuyền, sân cầu lông để tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao. Xã có Nhà văn hóa cộng đồng đạt chuẩn. Năm 2008, xã đã nâng cấp sân vận động đa chức năng rộng hơn 11.000 m2, có sân khấu rộng hơn 100 m2  đầy đủ trang thiết bị, đèn chiếu sáng để tổ chức các hội diễn văn nghệ toàn xã. Vào dịp Xuân về Tết đến, các ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, mừng Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng 3/2, ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các đoàn thể quần chúng phối hợp với các trường học, Ban Chỉ huy 4 xóm tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, thi đấu bóng chuyền, cầu lông... thu hút hàng nghìn người tham gia, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong nông thôn. Hai năm một lần, UBND xã tổ chức hội diễn VNQC, ba năm một lần tổ chức mừng thọ cho các bậc cao niên. Hội văn nghệ xã dù là “cây nhà lá vườn” nhưng bao giờ cũng đông người xem. Các giải thể thao bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co được tổ chức vào các ngày lễ. Không chỉ làm kinh tế giỏi, cả 4 làng văn hóa của xã còn làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Diễn Phong từng đạt giải Nhất bóng chuyền bãi biển giải Nhất cầu lông đôi nam, nữ, giải Nhì bóng đá nam, giải Ba văn nghệ quần chúng tại Hội diễn văn nghệ thể thao do huyện tổ chức. Sự học của con em cũng được người dân quan tâm chăm lo hơn. Ngoài Quỹ Khuyến học xã có số dư mỗi năm hơn 120 triệu đồng, 4/4 xóm và 6 dòng họ đều lập được Quỹ Khuyến học khuyến tài, động viên con em thi đua học tập, đạt thành tích cao. Sáu năm gần đây, số con em Diễn Phong thi đậu vào các trường đại học ngày càng nhiều, có em đậu cả 2 trường đại học. Xã cũng được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, luôn là lá cờ đầu của huyện về làm tốt công tác dân số KHHGĐ. Việc cưới, việc tang ở Diễn Phong đều thực hiện theo nếp sống văn hóa. Xã luôn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước và tập thể, lập được các loại quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Quốc phòng an ninh”, “Phòng chống thiên tai”... có số dư hàng năm từ 50 triệu đồng đến 120 triệu đồng/quỹ. Đặc biệt, Diễn Phong sớm thành lập câu lạc bộ (CLB) pháp lý, tổ hòa giải, hoạt động có hiệu quả nên trong những năm qua, xã không có người vi phạm pháp luật, là địa bàn sạch về ma túy. Các vụ việc nhỏ đều được công an xã, tổ hòa giải, tổ tự quản xóm giải quyết kịp thời nên không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt. Các nguồn vốn đầu tư từ sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, được nhân dân bàn bạc quyết định một cách dân chủ, công khai. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể được đổi mới và có hiệu quả rõ rệt. Đảng bộ xã Diễn Phong 10 năm liên tục được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh; chính quyền và các đoàn thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng. Diễn Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới.

Đi lên từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, Diễn Phong đã trở thành vùng quê trù phú, yên vui. Người dân Diễn Phong dù học tập, làm ăn trong nước hay ngoài nước, xa quê lâu ngày về lại, ai cũng ngỡ ngàng về sự đổi mới của quê hương. Cả 4 làng văn hóa vẫn xanh bóng dừa, nhưng nhà ở thì được xây dựng khang trang, kiến trúc hiện đại. Mạng lưới internet được kết nối đến từng cơ quan, trường học, đoàn thể, từng hộ dân để cập nhật thông tin. Đã có hơn 85% số hộ mở tài khoản tại ngân hàng, có số dư hàng chục tỷ đồng/năm. Bên cạnh nhà máy may xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 200 lao động nữ, là nhà cao tầng, mái bằng, mái lệch mọc lên san sát dọc các trục đường chính đi qua xã. Các làng văn hóa với hàng nghìn hộ dân ngày càng thay da đổi thịt, giàu đẹp, tiến bộ, văn minh. Và người Diễn Phong ai cũng hiểu rằng: Đó là kết quả của việc xây dựng  thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;