Điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên: Vượt ra khỏi ranh giới của tâm linh

Nhà mồ người Gia Rai

Người Tây Nguyên với quan niệm sinh ra từ rừng và mất đi cũng trở về với rừng, có một lòng tôn kính với rừng sâu. Và nghệ thuật điêu khắc gỗ chính là phương thức để lưu giữ, gửi gắm mong muốn, tình cảm của người Tây Nguyên vào những cây gỗ được lấy từ rừng và nó gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của họ. Những ngôi nhà rông, nhà dài với các motip hoa văn trang trí đa dạng chủ đề. Cùng với đó là các tượng gỗ, tượng nhà mồ giống như hình tượng của người, của thú, của vạn vật cây cỏ mà người thân của người đã khuất để lại bầu bạn với người dưới mộ. Tuy nghệ thuật điêu khắc gỗ có giá trị lớn trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Tây Nguyên là thế nhưng dưới sự thay đổi lớn cả trực tiếp và gián tiếp đã khiến cho nghệ thuật này mai một dần theo thời gian. Đứng trước nguy cơ biến mất của một giá trị văn hóa lâu đời, những nghệ nhân trẻ tại Tây Nguyên đã tìm ra hướng đi mới cho các sản phẩm điêu khắc gỗ, đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian vượt ra khỏi thế giới tâm linh để có thể tiếp cận gần hơn với mọi người.

Điêu khắc gỗ của các dân tộc Tây Nguyên

Đời sống của người dân Tây Nguyên gắn bó với những cánh rừng đại ngàn. Trong văn hóa cộng đồng người dân tại mảnh đất này nói chung, rừng không chỉ là nơi họ săn bắt, tìm kiếm rau quả mà còn là cội nguồn, tâm linh. Và gỗ chính là một loại vật liệu quan trọng trong đời sống của họ. Nghệ thuật điêu khắc gỗ xuất hiện chủ yếu trong các hoa văn, họa tiết trong nhà ở của người Tây Nguyên và các tượng gỗ. Với người Tây Nguyên, việc làm tượng gỗ là việc nghĩa tình, không ai để ý phán xét những bức tượng gỗ đẹp xấu, vô hồn hay biểu cảm, cũng rất ít bàn soạn các quan điểm về chúng. Bởi đó là việc gắn với đời sống tâm linh của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Như vậy, tượng nhà mồ giống như hình tượng của người, của thú, của vạn vật cây cỏ mà người thân của người đã khuất để lại bầu bạn với người dưới mộ. Khi tạc tượng, nghệ nhân thường dùng dao, rìu và thường tạc theo mảng, khối, không trau chuốt tỉ mỉ, vì vậy tượng mang sức gợi hơn là tả thực và tuân thủ những nguyên tắc nguyên khối chứ không lắp ghép thêm các khối gỗ khác. Theo các nghệ nhân Ba Na, Gia Rai có thể đặt những bức tượng ở nhà mồ và cũng có thể đặt ở nhà rông, nhà sàn như vật trang trí tùy theo hình thù của các bức tượng. Tại Đắk Lắk, người Xơ Đăng cũng có nhóm tộc người như Ca Nôn, Ha Lăng đặt tượng gỗ ở nhà mồ, còn người Xơ Đăng gốc thì đặt ở nhà rông mỗi khi có lễ hội lớn của buôn làng. 

Ngoài tượng gỗ, người Tây Nguyên còn điêu khắc trong nhà ở. Kỹ thuật trang trí thường thấy là khắc, vạch, gọt, đẽo để tạo nên những hình tượng khác nhau. Trong nhà của người Bana, Gia Rai phổ biến là motip nồi đồng, con khỉ… Nhà dài của người Ê đê thì có những hoa văn trang trí phản ánh đậm nét về chế độ mẫu hệ, ngoài ra còn có các con vật vật như rùa, kỳ đà, rồng, cua, cá... Trong nhà ở của người M’Nông được chạm khắc và trang trí hoa văn đa dạng: con rết, lá cây, con mèo rừng... Ở kiến trúc nhà trệt, nhất là trên tấm che gầm sạp giường, nghệ nhân thường sử dụng loại hoa văn hình nổi tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trong nhà rông người Xơ Đăng thường có những pho tượng gỗ và các tấm phù điêu có hoa văn, hoạt tiết hình hoa pơ lang, chim, bông lúa…Nhìn chung, các motip điêu khắc trong trang trí nhà ở người Tây Nguyên đều là những hình ảnh của các loại động vật, thực vật gần gũi với đời sống sinh hoạt của mỗi dân tộc mà họ nghĩ là sẽ mang đến bình an, hạnh phúc phước lành cho gia đình, dòng tộc. Điều này chứng tỏ sự tôn kính của người Tây Nguyên với thiên nhiên và tín ngưỡng đa thần của họ.

Tác phẩm điêu khắc gỗ kết hợp nhiều hoa văn, hoạ tiết của các dân tộc Tây Nguyên

Khó khăn trong duy trì và phát triển nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên

Tuy điêu khác gỗ gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhưng hiện nay lại đứng trước nhiều khó khăn lớn. 

Đầu tiên, là sự thu hẹp của các cánh rừng tự nhiên ( Giảm từ 2,83 triệu ha xuống 2,18 triệu ha từ 2005-2020, theo Báo Công an Nhân dân điện tử ngày 4/6/2022). Rừng bao hàm cả một đời sống, tập tục văn hóa của người Tây Nguyên. Và đương nhiên, khi diện tích rừng bị thu hẹp lại thì văn hóa đặc sắc bao đời nay của người nơi đây cứ thế mà mai một dần đi, không còn vẹn nguyên như trước nữa. Rừng mất đi, người dân không còn gỗ để làm nhà, không còn gỗ để tạc tượng kéo theo sự mai một của nghề điêu khắc gỗ, không còn nguyên liệu đồng nghĩa những người nghệ nhân cũng không còn việc làm.

Hoa văn trang trí trên cột nhà người Ê đê

Thứ 2 là sự thu hẹp về diện tích đất sử dụng. Nếu ngày xưa, người Tây Nguyên canh tác nương rẫy kiểu luân canh đòi hỏi không gian sinh tồn rộng, hình thành nên thói quen chuyển dịch thường xuyên.Thì hiện nay, Nhà nước đã quản lý chặt chẽ vấn đề đất đai của từng buôn làng, từng hộ gia đình nên người Tây Nguyên đã chọn những cách thức đơn giản, phù hợp với tình hình hiện tại.

Thứ 3 là sự du nhập văn hóa của các dân tộc khác, đặc biệt là người Kinh. Việc xuất hiện các dân tộc khác, sinh sống đan xen với người Tây Nguyên đã làm cho văn hóa của họ có nhiều sự biến đổi. Một phần lớn người Tây Nguyên không còn giữ trọn vẹn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, họ học người Kinh xây nhà mái bằng, đi xe honda, xây mộ đá,… Các nghi lễ, lễ hội cũng được tổ chức ngắn gọn, giản lược đi rất nhiều. 

Thứ 4 là sự mai một của các nghệ nhân điêu khắc gỗ. Trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, nhu cầu đời sống con người cao hơn đòi hỏi các công việc làm phải tạo ra thu nhập. Hơn nữa, nghề điêu khắc gỗ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt là đam mê mà những điều trên thì ít có người trẻ nào có được. Người già không muốn truyền lại nghề cho con vì không muốn con cái vất vả, muốn con có đời sống tốt hơn còn người trẻ không muốn học dẫn đến sự mai một của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian tại Tây Nguyên.

Cuối cùng, là vẫn thiếu đi sự quan tâm kịp thời và phối hợp của chính quyền địa phương, những người đứng đầu các buôn làng và người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Cũng như rất nhiều các nghệ thuật truyền thống khác, theo sự biến đổi của thời gian, không gian, sự du nhập của nhiều nền văn hóa, các tác nhân trực tiếp, gián tiếp đã làm cho nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên biến mất theo năm tháng. 

Đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các dân tộc Tây Nguyên vượt ra khỏi ranh giới tâm linh

Ngày này, thế hệ trẻ có khả năng tiếp nối cha anh, nhưng có các quan niệm khác biệt so với thế hệ trước. Họ cho ra các tác phẩm điêu khắc mang tính trưng bày hơn là phục vụ cho tín ngưỡng và tâm linh. Sự thay đổi lớn nhất giữa các sản phẩm được tạo ra từ nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của các nghệ nhân trẻ so với trước đây chính là mục đích sử dụng, vị trí đặt sản phẩm và sự đa dạng đề tài điêu khắc. Nếu trước đây, các sản phẩm này chỉ xuất hiện trong nhà hay xuất hiện tại nhà mồ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của các tộc người thì ngày nay, các sản phẩm từ nghệ thuật điêu khắc gỗ được xuất hiện nhiều tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quán cafe. Các bức tượng gỗ đa dạng chủ đề, kích thước từ con người đến thiên nhiên cây cối, động vật được trưng bày ở cổng vào, lối lên xuống cầu thang, sảnh chờ, khu hoạt động ngoài trời… Những bức tượng nhỏ hơn thì được đặt tại các kệ như là đồ vật trang trí, làm chân đèn để bàn, đồ decor trong nhà…. Các hoa văn, motip trang trí đều được đưa vào nhiều dạng bố cục, nhiều kích thước, ứng dụng trong nhiều không gian với mục đích chính là trang trí. Nghệ nhân có thể tạo ra những bức tranh khắc gỗ lớn kết hợp nhiều hình ảnh, hoa văn, họa tiết của một hoặc nhiều dân tộc với nhau để tạo ra một tác phẩm hoàn toàn mới có tính ứng dụng cao hơn. Đặc biệt, nếu ngày xưa gỗ để điêu khắc, để tạc tượng đều phải được lấy trong rừng sâu với nhiều nghi lễ thì ngày nay, những nghệ nhân trẻ sử dụng đa dạng các loại gỗ, thậm chí nhiều nghệ nhân còn chuyên thể hiện các tác phẩm của mình trên những cây gỗ, thanh gỗ chết với thông điệp hồi sinh những cây gỗ đã chết để tạo ra những tác phẩm còn sống mãi. 

Nghệ thuật điêu khắc gỗ gắn bó lâu đời và mật thiết đến văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, do sự du nhập của các nền văn hóa khác cộng với diện tích rừng tự nhiên, diện tích đất sử dụng giảm dần dẫn đên sự mai một của các tác phẩm điêu khắc gỗ. Đứng trước nguy cơ biến mất của một giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc thì sự thay đổi để phù hợp với tình hình nhu cầu xã hội là cần thiết. Đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Tây Nguyên vượt ra khỏi thế giới tâm linh, giúp các sản phẩm điêu khắc gỗ đến gần hơn với moi người, chúng ta vẫn có thể duy trì được nét đặc trưng văn hóa dân tộc vừa tạo ra gía trị kinh tế. Người trẻ với tư duy đổi mới, vẫn sử dụng ngôn ngữ thể hiện, chất liệu cũ nhưng đưa vào những dạng đề tài, bố cục trang trí mới, đa dạng không gian trưng bày sản phẩm. Không còn chỉ bó hẹp trong không gian nhà ở, khu vực nhà mồ để thực hiện vai trò về mặt tâm linh mà được đưa vào trưng bày tại các không gian nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn... Việc thay đổi mục đích, công năng sử dụng các sản phẩm điêu khắc gỗ xét về những khó khăn và tình hình thực tế tại Tây Nguyên là một việc cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể kết hợp song song giữa hướng đi mới cho nghệ thuật điêu khắc gỗ mà vẫn giữ gìn, bảo tồn được các giá trị truyền thống dân tộc. Làm sao để người xem vẫn có thể phân biệt được họa tiết, hoa văn, motip trang trí của từng dân tộc, phân biệt được đâu là sản phẩm điêu khắc phục vụ tâm linh, đâu là sản phẩm điêu khắc phục vụ trưng bày, triển lãm.

NGUYỄN THỊ TÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;