Phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người ở Mai Châu (Hòa Bình)

Tóm tắt: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào chuỗi cung ứng và quản lý. Mô hình này hình thành, phát triển dựa trên tiềm năng về giá trị văn hóa vốn có và được khai thác, tổ chức bởi những người dân địa phương. Bài viết đi vào nhận diện nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng, phân tích thực trạng hoạt động du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của du lịch cộng đồng ở đây trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch cộng đồng, bản sắc văn hóa, tộc người.

Abstract: Community tourism, involving local community participation in the supply chain and management, is developed based on inherent cultural values. This study identifies resources for developing community tourism and analyzes the current status of community tourism activities in Mai Chau district, Hoa Binh province, focusing on the preservation of ethnic cultural identities. Using surveys and interviews with local residents and tourists, the research proposes solutions focused on sustainable management and capacity building to enhance the economic benefits and cultural preservation achieved through community tourism.

Keywords: community tourism, cultural identity, ethnicity.

Du khách trải nghiệm hoạt động nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) - Ảnh: sovanhoa.hoabinh.gov.vn

1. Các nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng

Các nguồn lực tự nhiên

Mai Châu là huyện vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ. Nơi đây có khí hậu trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, hiền hòa. Mai Châu là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa thích trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Mai Châu có nguồn tài nguyên rừng khá phong phú, chủ yếu là các kiểu rừng tự nhiên với nhiều loài cây nhiệt đới, gồm các loại gỗ quý (lát hoa, sến...), các loại cây đặc sản có giá trị (sa nhân, song...), các loại tre, nứa, luồng... Những bản làng ở thung lũng Mai Châu với những nếp nhà sàn giao hòa với khung cảnh thiên nhiên rừng cây, núi đá... hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.

Mai Châu có hệ thống sông, suối khá dày đặc, là nguồn cung cấp nước phong phú phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngoài 2 con sông lớn chảy qua là sông Đà và sông Mã, ở Mai Châu còn có 4 con suối lớn là suối Xia dài 40km, suối Mùn dài 25km, suối Bãi Sang dài 10km và suối Cò Nào dài 14km, cùng với nhiều khe, lạch, mạch nước, hệ thống các ao, hồ tự nhiên và nhân tạo.

Mai Châu từ lâu đã nổi tiếng với những di tích, danh thắng là điểm thu hút đông đảo khách du lịch như: hang Khoài, hang Láng, hang Chiều, hang Bộ Đội, bản Lác, bản Bước, xóm Hang Kia... Trong đó, hang Khoài nằm ở núi Khoài, thuộc địa phận xóm Sun, xã Xăm Khòe là một di tích khảo cổ học, di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình là địa điểm du lịch độc đáo. Ngoài các di vật, trong hang còn có dấu tích của bếp và mộ táng. Niên đại của hang Khoài được xác định cách ngày nay khoảng 11.000 - 17.000 năm. Di tích này đã được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích khảo cổ học vào năm 1996... Các địa điểm như bản Lác, bản Pom Coọng, bản Nhót, đèo Thung Khe, thác Mu, hang Chiều, thác Gò Lào... đa số đều có đường giao thông thuận tiện và gần trung tâm huyện thuận tiện cho khai thác phát triển du lịch.

Các nguồn lực văn hóa, xã hội

Mai Châu có nền văn hóa đa dạng với 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số khoảng gần 60%, người Mường và người Kinh chiếm khoảng trên 11%, người Mông chiếm khoảng 9,6%, người Dao chiếm khoảng 2,2%, còn lại là đồng bào các dân tộc khác. Mỗi dân tộc chứa trong mình nét bản sắc văn hóa độc đáo riêng biệt là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Ngoài thị trấn Mai Châu tập trung đông dân cư, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện, hiện nay huyện đã hình thành những tụ điểm dân cư theo hướng đô thị hóa như: Co Lương (Vạn Mai), Đồng Tân (xóm Tiểu Khu)... những khu dân cư này phân bố chủ yếu dọc theo quốc lộ 15 và là những hạt nhân làm chuyển biến tích cực cho kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mai Châu.

Huyện Mai Châu hiện có 5 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được Nhà nước công nhận. Ngoài ra, huyện còn có tiềm năng văn hóa mang đặc trưng của vùng đất này như văn hóa ẩm thực, trang phục, chợ phiên, múa xòe, múa sạp… cùng những phong tục, tập quán truyền thống được đồng bào dân tộc bảo tồn và lưu truyền bao đời nay.

Toàn huyện có tới 300 khung dệt thổ cẩm, huyện cũng thành lập được các nhóm dệt thổ cẩm, sản xuất các sản phẩm khăn, đệm, gối, trang phục truyền thống của người Thái đáp ứng nhu cầu thị trường. Các cô gái Thái ngày đêm cần mẫn bên khung cửi, tỉ mỉ, khéo léo dệt những tấm thổ cẩm với nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo. Người Thái duy trì việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, Tết truyền thống.

Trên địa bàn huyện, lễ hội của các dân tộc cũng được chú trọng bảo tồn, phục dựng. Trong đó, lễ hội Chá Chiêng thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tình cảm, ân nghĩa, uống nước nhớ nguồn, khả năng sáng tạo trong sản xuất và hoạt động nghệ thuật; trai gái được tự do yêu đương, tìm hiểu; cả bản được đắm say trong những bài mo kể về trời đất, sinh hoạt cộng đồng và các sự tích... Lễ hội Xên Mường mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân tới công lao to lớn của các vị nhân thần, tiền bối và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Gầu Tào là nét đẹp truyền thống của người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò được giữ gìn và phát triển trong những năm qua. Ngoài ra, ẩm thực đặc trưng của người Mông tạo được nét riêng biệt với các sản phẩm: rượu ngô, thắng cố, gà đen, lợn bản, măng rừng...

2. Thực trạng hoạt động du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người ở huyện Mai Châu

Là huyện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc dân tộc đa dạng, độc đáo. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện Mai Châu luôn chú trọng bảo tồn, khuyến khích đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phục dựng, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để thu hút du khách. Ngoài các lễ hội đặc sắc, thì bản sắc văn hóa dân tộc, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng cũng là những tiềm năng, lợi thế để huyện Mai Châu phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đến nay, ngoài bản Lác, bản Poom Cọng, thì du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái còn được mở rộng tại một số xã có tiềm năng, lợi thế về du lịch như xã Pà Cò, xã Hang Kia, xã Xăm Khòe, xã Bao La, xã Sơn Thủy...

Huyện Mai Châu đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm đối với khách nước ngoài; du lịch văn hóa, nghỉ cuối tuần dành cho khách ở các thành phố lớn; homestay đối với học sinh, sinh viên, các nhóm gia đình. Cho đến nay, Mai Châu đã xây dựng được thương hiệu và là hình mẫu về du lịch cộng đồng cho nhiều địa phương khác học tập.

Đến Mai Châu, chúng ta không thể không đến bản Lác, đây là nơi sinh sống của dân tộc Thái có tuổi đời hơn 700 năm. Tại đây người dân sinh và bảo tồn gần như nguyên vẹn phong tục, tập quán của người Thái. Phong cảnh núi, đồi và ruộng lúa đẹp như tranh đã tạo nên sức hút lớn với du khách. Bản bắt đầu đón các đoàn khách ngoại giao quốc tế khi đến Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước và được biết đến như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, bản Pom Coọng cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch bởi nơi đây vẫn giữ được nét đẹp giản dị, mộc mạc của một vùng quê yên bình vùng cao. Tên của bản Pom Coọng có ý nghĩa rất hay và độc đáo, từ “Pom” trong tiếng Thái là quả đồi, còn “Coọng” nghĩa là cái trống, ghép cả 2 từ lại với nhau có nghĩa là bản làng có những quả đồi nằm bên trên một cái trống lớn. Kết cấu địa hình ở đây khá đặc biệt khi núi đồi nằm xen lẫn với cánh đồng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp; so với bản Lác, thì bản Văn không quá náo nhiệt. Các dãy nhà sàn được xây dựng rất ngăn nắp và là nơi có không gian rộng rãi, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh hay thưởng thức những món ăn dân dã, mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống lâu đời của người dân bản địa...

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, du lịch cộng đồng Mai Châu đã thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Theo thống kê của UBND huyện Mai Châu, năm 2017, Mai Châu đón 324.536 lượt khách, năm 2018 đón 332.000 lượt, năm 2019 đón 379.500 lượt khách du lịch. Lượng khách và doanh thu hằng năm ngày càng tăng nhờ các chính sách phù hợp để thu hút khách du lịch trên địa bàn huyện. Trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, thời điểm đầu năm 2022, đến nay, các điểm du lịch tại Mai Châu đã hoạt động trở lại với các dịch vụ du lịch cộng đồng. Để kích cầu du lịch sau đại dịch COVID-19, huyện Mai Châu đã tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Khu du lịch cấp tỉnh Mai Châu đã được phê duyệt, phát triển du lịch theo quy hoạch tại các vùng trọng điểm du lịch của huyện, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới. Tính riêng trong năm 2022, huyện Mai Châu đã đón 534.000 lượt khách tham quan, du lịch, trong đó có 19.713 lượt khách quốc tế, 504.287 lượt khách nội địa (1). Mới đây, chuyên trang đặt phòng nổi tiếng Booking.com đã công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award tôn vinh Mai Châu là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023. Trong năm 2023, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tổ chức 3 chương trình giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian tại Chợ phiên vùng cao Mai Châu nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách đến tham quan du lịch tại địa bàn huyện. Mai Châu là một trong những huyện có hạ tầng khá hoàn chỉnh và đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn... Huyện hiện có 197 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 4 khu nghỉ dưỡng, 9 khách sạn, 31 nhà nghỉ và 153 nhà nghỉ cộng đồng (homestay). Năm 2023, huyện Mai Châu đón 656.748 lượt khách đến tham quan du lịch trong đó: khách quốc tế là 84.113 lượt người, khách nội địa là 572.635 lượt người, tổng doanh thu từ du lịch đạt 672.938 triệu đồng; tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của huyện (2). Trong năm 2024, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc, các danh thắng trong địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã thu hút một lượng lớn khách thập phương tới thăm quan và dự lễ hội. Do vậy, năm 2024, trên địa bàn huyện có 209 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 12 khách sạn, 33 nhà nghỉ và 164 nhà nghỉ cộng đồng (homestay). Huyện Mai Châu đón 773.230 lượt khách đến tham quan du lịch trong đó: khách quốc tế là 224.795 lượt người, khách nội địa là 548.435 lượt người; tổng doanh thu từ du lịch đạt 927.876 triệu đồng (3).

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, Mai Châu cũng gặp phải những khó khăn thách thức cần được khắc phục. Các cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, cam kết không tăng giá, ép giá. Đối với các gói dịch vụ đã công bố trong chương trình kích cầu phải duy trì chất lượng như cam kết. Ngoài ra, sản phẩm và dịch vụ du lịch ở đây còn hạn chế, khả năng cạnh tranh không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Vào những dịp cuối tuần, ngày lễ lượng du khách đã vượt ngưỡng chịu tải về không gian, về khả năng thu gom rác thải và khả năng cung cấp nước sạch của bản Lác và một số bản thu hút đông khách du lịch đến. Thực tế, tình trạng quá tải cục bộ thường xuyên diễn ra tại khu vực trung tâm (vào những dịp cuối tuần).

Trước đây, hoạt động sinh hoạt dân ca, dân vũ, dân nhạc rất phổ biến ở bản Lác và các địa phương trong huyện Mai Châu. Tuy nhiên, các hình thức nghệ thuật này đang dần bị mai một. Việc người Thái bản Lác tổ chức các điệu múa của dân tộc Mông, Dao, Mường bên cạnh các điệu múa của dân tộc Thái có thể khiến cho du khách, nhất là khách quốc tế khó phân biệt được đặc trưng nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái.

Các bản trong huyện Mai Châu có thế mạnh về nông nghiệp nhưng hoạt động dịch vụ trải nghiệm sinh thái nông nghiệp, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp của du khách với người dân địa phương không được chú trọng. Các tri thức dân gian của người dân địa phương về sản xuất nông nghiệp và ứng xử với tự nhiên dường như chưa được giới thiệu đến du khách và phát huy trong hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng không còn mặc trang phục truyền thống hằng ngày. Việc không mặc trang phục truyền thống khiến cho du khách khó phân biệt được người dân tộc Thái của bản Lác và các bản khác.

Mặc dù kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu đã được đầu tư và cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch. Diện tích sử dụng để xây dựng dự án nhỏ, không đảm bảo; việc đền bù cho các hộ dân đòi hỏi giá cao.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của du lịch cộng đồng ở huyện Mai Châu

Việc làm cấp thiết đối với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn hiện nay của huyện Mai Châu là đưa ra quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, kinh tế và chính trị, xã hội, văn hóa.

Thứ nhất, lồng ghép và gắn chặt các chỉ tiêu phát triển du lịch cộng đồng với phong trào xây dựng văn hóa cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới để có sự bổ trợ cần thiết về cơ sở hạ tầng, các chính sách về vốn, tín dụng, giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, quy hoạch không gian làng du lịch cộng đồng, trong đó, chú trọng việc bố trí, sắp xếp vị trí các bãi đỗ xe, thùng chứa rác thải sao cho khoa học, phù hợp với bối cảnh văn hóa ở một số điểm du lịch trên địa bàn huyện. Vấn đề xử lý rác thải cần có phương án chi tiết tránh tình trạng quá tải. Môi trường phải đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, rác thải được phân loại trong quá trình thu gom, xử lý... là một trong những tiêu chí quan trọng để du khách đánh giá mức độ thu hút của điểm du lịch.

Thứ ba, phải đảm bảo tính nguyên bản của văn hóa địa phương như: cảnh quan, đường sá, nhà sàn gỗ, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang và rau màu, các nghề thủ công truyền thống… Mục đích lớn nhất là để du khách thực sự cảm nhận được sự nguyên sơ, được hòa mình vào thiên nhiên và tham dự một phần vào chính đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Để giải quyết được vấn đề này, cộng đồng phải chủ động với vị thế là chủ thể. Bên cạnh đó, cần sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, văn hóa đối với chiến lược, chương trình phát triển, tránh tình trạng phát triển tự phát, phát triển nóng, phá hủy, làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường.

Thứ tư, huyện Mai Châu cần thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng điểm du lịch cộng đồng; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý giữa các bên tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Tiếp tục duy trì nguyên tắc đảm bảo sự đồng thuận xã hội, chia sẻ lợi ích, tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia của người dân vào hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa tộc người cũng như tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ năm, huyện Mai Châu cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh khai thác giá trị di sản ngữ văn dân gian, nội dung truyền thuyết ở các danh lam thắng cảnh trên địa bàn cộng đồng tộc người sinh sống đưa vào khai thác du lịch. Xây dựng và triển khai đề án đưa vào khai thác giá trị tập quán xã hội, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian, âm nhạc dân gian, tri thức dân gian… phục vụ du lịch. Thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với việc khai thác phát triển du lịch.

Thứ sáu, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ tu bổ tôn tạo di tích, danh thắng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở các bản và khu vực phụ cận. Lồng ghép chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn với hoạt động bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người ở đây. Đặc biệt, cần khuyến khích người dân trong bản khôi phục và giữ gìn nhà sàn theo kiểu truyền thống, tạo không gian thoáng đãng quanh nhà.

Thứ bảy, chú trọng xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại các vùng trọng điểm du lịch. Mở rộng liên kết với công ty du lịch, công ty lữ hành, hình thành các tour du lịch. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững, cải thiện, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch.

Thứ tám, tăng cường thông tin tuyên truyền về hình ảnh du lịch Mai Châu, điểm đến du lịch “Hấp dẫn, thân thiện, an toàn”, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát huy khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, trọng tâm là các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch trên địa bàn.

Kết luận

Trong thời gian tới, để du lịch cộng đồng khắc phục được những nhược điểm, phát huy được lợi thế và phát triển hiệu quả, bền vững, trở thành sinh kế của các dân tộc ở Mai Châu, rất cần sự đồng thuận, chủ động, tích cực, dám nghĩ dám làm của chính người dân; sự chung tay góp sức, hỗ trợ của các chuyên gia du lịch, văn hóa, kinh tế; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, khoa học, hiệu quả bằng các chương trình, đề án của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của xã hội.

____________________

1. UBND huyện Mai Châu, Báo cáo công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023, Hòa Bình, 2022.

2. UBND huyện Mai Châu, Báo cáo công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024, Hòa Bình, 2023.

3. UBND huyện Mai Châu, Công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Hòa Bình, 2024.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Xuân Đính, Giáo trình dân tộc học, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2023.

2. Mạnh Hùng, Hòa Bình: Huyện Mai Châu xây dựng “nền kinh tế xanh”, vietnamtourism.gov.vn, 21-1-2025.

3. Nguyễn Công Thảo, Hoạt động du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số Việt Nam: Một đích đến, nhiều con đường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2023.

4. Đinh Trọng Thu (chủ biên), Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 13-3-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 20-3-2025; Ngày duyệt đăng: 31-3-2025

TS NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;