Lời độc thoại là một hình thức ngôn ngữ được sử dụng với tần số cao trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Mang tính tự do cao của một ý nghĩ nên lời độc thoại góp phần quan trọng giúp xây dựng không gian nghệ thuật trong tác phẩm của nữ tác giả. Cùng với không gian hiện thực thường thấy, lời độc thoại là nhân tố góp phần tạo nên sự đa dạng với kiểu không gian tâm lý. Bên cạnh đó, đây cũng là phương tiện hữu hiệu để tác giả xây dựng một không gian luôn có sự mở rộng và xáo trộn thông qua khả năng liên tưởng linh hoạt của ý nghĩ nội tâm.
Trong văn học hiện đại Việt Nam, các nhà văn rất quan tâm đến sự đổi mới về mặt thi pháp, nhất là thi pháp xây dựng nhân vật với tất cả mọi mặt từ diện mạo đến hành động, tính cách và đặc biệt là chiều sâu thế giới nội tâm. Một trong những biện pháp phổ biến được các nhà văn sử dụng để giúp nhân vật có thể “tự chiếu sáng nội tâm bằng ngôn ngữ” (1) một cách tự nhiên, chân thực nhất, đó là độc thoại. Độc thoại là lời nhân vật tự nói với mình không hướng đến một đối tượng giao tiếp cụ thể nào. Nó bao gồm: những tiếng nói, ý nghĩ thầm kín bên trong tâm hồn; lời nói được phát ra thành tiếng của nhân vật với chính mình; lời đối đáp trong một cuộc đối thoại tưởng tượng diễn ra trong ý nghĩ nhân vật; lời người kể mang ý thức của nhân vật và những dòng suy nghĩ liên tục, hỗn độn, rời rạc.
Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, lời độc thoại là một hình thức ngôn ngữ được sử dụng rất phổ biến. Mặc dù chỉ xuất hiện trong phạm vi thế giới tâm lý nhân vật nhưng lời độc thoại cũng thể hiện giá trị biểu đạt trên hầu hết các phương diện thi pháp của tác phẩm, trong đó có không gian nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật là môi trường để nhân vật văn học sống, hoạt động, bộc lộ tính cách, nói cách khác nó là “hình thức tồn tại trong thế giới nghệ thuật” (2). Không trùng khít với không gian địa lý hay không gian vật lý, vật chất, không gian nghệ thuật mang tính chủ quan và tượng trưng rất cao. Việc lựa chọn và xây dựng không gian nghệ thuật như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác cùng xuất hiện trong tác phẩm, trong đó có lời độc thoại.
1. Lời độc thoại góp phần xây dựng kiểu không gian tâm lý
Đây là kiểu không gian xuất hiện và tồn tại trong tâm lý của con người, nơi diễn ra những hoạt động trong tưởng tượng, trong hồi ức của nhân vật văn học chứ không phải hoạt động thực tế trực tiếp. Không gian tâm lý có thể là những không gian vẫn tồn tại trong hiện thực nhưng đi vào chiều sâu nội tâm, lại mang ý thức chủ quan của nhân vật. Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, khi nhân vật độc thoại, kiểu không gian tâm lý này cũng đồng thời được mở ra.
Không gian tâm lý có thể hiện ra trong phạm vi hẹp, gắn chặt với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân vật.
Ví dụ: “Mai mốt đây, hai đứa phải lấy chồng (con gái ở quê nuôi lớn không để lấy chồng thì làm gì ?), Điềm ước gì mình gặp được một người tử tế, hiền hậu, có học thức như Thi, lấy được người chồng mà tự mình tìm hiểu, yêu thương như Huệ. Huệ cười, chưa gì hết mà chồng chồng vợ vợ, nghe kỳ. Nói vậy, nhưng lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô” (Huệ lấy chồng).
Không gian tâm lý được mở ra từ lời độc thoại của Huệ. Đó không phải là nơi hai đứa đang ngồi mơ tưởng mà là một không gian gia đình đầm ấm, tràn đầy sự yêu thương, chăm sóc của bàn tay người phụ nữ đảm đang. Không gian tâm lý này giới hạn hẹp trong một mái nhà, mà cũng là không gian tưởng tượng chứ thực tế thì nó đã và cũng mãi không thành hiện thực.
Bên cạnh không gian hẹp, không gian tâm lý rộng lớn cũng có lúc được xuất hiện trong cảm nhận nội tâm của nhân vật. Ví dụ: “Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không với được ánh sáng đến nơi này ? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã che khuất nó?” (Cánh đồng bất tận). Không gian bầu trời trong lời độc thoại của nhân vật Nương là không gian tâm lý được soi chiếu từ nỗi đau đớn, tuyệt vọng tận cùng của nhân vật.
Hoặc là không gian tươi sáng trong lời độc thoại: “Rồi mẹ với con nhìn buổi sáng đã lên cao, nghe mùi gió chướng ngọt ngào, thấy chỗ u ám như bệnh viện mà trời xanh, trời đẹp như vầy, chắc ở ngoài kia nắng nhuộm đời tươi rực rỡ” (Một trái tim khô). Nghe tin người chồng bội bạc đã đi lấy vợ, Hậu không buồn mà lại thấy một thế giới tươi đẹp đang mở ra. Đó là thế giới thanh thản mà từ đây, Hậu và con sẽ bắt đầu một cuộc đời mới. Rõ ràng là cùng không gian bầu trời mà soi qua hai thế giới tâm trạng khác nhau, màu sắc, tính chất đã hoàn toàn thay đổi. Điều đó cho thấy không gian đã thực sự mất vẻ ngoài khách quan để khoác tấm áo tâm lý của nhân vật.
Nhìn chung, đều là môi trường để cho nhân vật hành động và bộc lộ tính cách nhưng nếu không gian hiện thực thiên về sự lựa chọn chủ quan của người trần thuật thì không gian tâm lý xuất hiện trong lời độc thoại lại thiên về cảm nhận của nhân vật. Khảo sát lời độc thoại của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy đối với không gian nghệ thuật của tác phẩm, lời độc thoại thực sự đã góp phần làm cho nó trở nên đa dạng hơn về kiểu loại.
2. Lời độc thoại mở rộng và xáo trộn không gian nghệ thuật
Giá trị mở rộng không gian nghệ thuật được thể hiện ở chỗ, đứng tại một điểm của không gian hiện tại, hàng loạt không gian khác có thể được mở ra. Theo đó, tính xáo trộn của không gian nghệ thuật cũng xuất hiện.
Thông thường, trong lời trần thuật của tác giả, để mở ra một không gian mới bao giờ cũng phải có một sự dẫn dắt nhất định để giúp người đọc thấy được sự liên quan logic của nó với không gian trước đó. Chẳng hạn trong truyện ngắn Bởi yêu thương, không gian hiện tại là ở quán Mây Lang Thang nơi San gặp Sáu Tâm đi bán khăn, nó nhận ra đây là diễn viên trong vở hát ngày xưa từng được xem và để lại trong nó rất nhiều xúc động. Sau đó, để chuyển về trần thuật hoàn cảnh gặp gỡ trước đây, tác giả phải sử dụng một câu dẫn dắt: “Hồi đó đoàn Mây Mùa Thu về hát ở đình Tân Thuận”. Lời dẫn là yếu tố không thể thiếu để tạo nên tính liên kết cho mạch kể của câu chuyện. Tuy nhiên, trong lời độc thoại thì điều này hoàn toàn không cần thiết.
Với tính chất tự do của một ý nghĩ, lời độc thoại dễ dàng thực hiện khả năng giúp mở rộng không gian nghệ thuật mà không cần theo một khuôn mẫu gò bó nào: “Nghĩ buồn cười, sao mấy cụ già này cứ đinh ninh là nước chảy một dòng. Bao nhiêu năm? Bao nhiêu mùa? Mười, hai mươi, ba mươi… Cái đầm Bà Tương đằng trước Xóm Xẻo quê mình hồi xưa sâu biết bao nhiêu giờ đã cạn, xuồng lớn men theo lạch mới chạy được. Mớ đước già nua ven Đầm đã không còn nữa dù chỉ một bóng cây, ngày xưa xinh đẹp bao nhiêu giờ đã cỏi cằn. Trời đất thay đổi, huống chi con người” (Nỗi buồn rất lạ). Lời độc thoại là ý nghĩ ngoài lề của nhân vật tôi khi đang ngồi trong căn phòng của mình nói chuyện với cha về sự việc ông Tư Đờ bị bắt. Trong ý nghĩ ấy, không gian “đầm Bà Tương” đã được mở ra cùng với sự liên tưởng bất chợt của nhân vật: “Trời đất thay đổi, huống chi con người”. Thực chất không gian này chẳng có sự liên quan nào với nơi mà hai cha con ngồi nói chuyện. Nó chỉ mang tính hợp lý khi được đặt trong ý nghĩ của nhân vật và như vậy không gian đã được mở rộng ra một cách rất tự nhiên.
Có một số lời độc thoại xuất hiện và kéo theo đó không phải là một mà nhiều không gian khác cũng đồng thời được mở ra. Chức năng mở rộng không gian được thể hiện rõ nhất trong những lời độc thoại kiểu này: “Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi biết lấy ai trong số đó? …Tôi lấy ai bây giờ, một người thợ gặt? Một anh chạy đò? Ý nghĩ mình là bản sao của má làm tôi sợ. Tôi không chắc mình có đủ kiên nhẫn sống cuộc sống nghèo túng, nhàm chán ấy suốt đời, hay nửa chừng bỏ dở. Và bi kịch chất đống lên những người ở lại” (Cánh đồng bất tận).
Trong lời độc thoại của Nương, không tính đến không gian của người trần thuật thì có đến ba không gian nghệ thuật khác được mở ra ở đây. Trước hết, đó là không gian tù đọng của những cánh đồng nơi Nương đã theo cha sống cuộc sống lang thang để rồi chẳng biết đến ai ngoài những người đàn ông quê mùa, cũ kỹ. Thứ hai là không gian của một gia đình nông dân nghèo với cái đói luôn rình rập làm cho cuộc sống của con người thật bấp bênh. Cuối cùng là không gian đồng gặt, ở đó Nương đã chứng kiến những người đàn ông làm việc mệt nhoài suốt một ngày để rồi lại nướng hết số tiền cực nhọc kiếm được ấy cho mấy cô gái điếm già nua, trong khi vợ con thì cam chịu tủi khổ. Không cần có một sự dẫn dắt, cả ba không gian sinh hoạt lần lượt được mở ra tượng trưng cho cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người nông dân Nam Bộ.
Bằng sự tự do liên tưởng theo quy luật logic của nội tâm, các vùng không gian xuất hiện trong lời độc thoại một cách rất linh hoạt làm cho thế giới sống của nhân vật dù chỉ trong tưởng tượng cũng trở nên thật đa dạng. Bản thân cấu trúc không gian nghệ thuật của tác phẩm vì thế mà cũng được mở rộng không ngừng.
Giá trị xáo trộn không gian nghệ thuật tương ứng với sự xuất hiện tự do của các mảng không gian theo quy luật liên tưởng ngẫu hứng của ý nghĩ. Phân tích truyện ngắn Ấu thơ tươi đẹp của Nguyễn Ngọc Tư được kết cấu theo những ý nghĩ độc thoại miên man của nhân vật, chúng ta sẽ thấy rõ giá trị biểu đạt này của lời độc thoại. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm được cấu thành bởi năm vùng: không gian hiện thực của con tàu nơi nhân vật trần thuật xưng em, thằng bé tên Sói và cha của Sói đang cùng có mặt, ngoài ra là các không gian tồn tại trong tâm lý gồm nhà cha em, nhà mẹ em, nhà mẹ Sói và nhà cha Sói. Sự xuất hiện xáo trộn của các vùng không gian tương ứng với mỗi lời độc thoại được cụ thể hóa sau:
Thằng nhỏ Sói chắc vẫn thường ngược xuôi trên những chuyến tàu (con tàu).
Thằng nhỏ không nói chơi, mắt nó vằn lên những tia giận dữ, gương mặt tối sầm.Thằng nhỏ Sói này giống hệt em hồi trước (nhà ba em).
Thằng nhỏ Sói này cũng trên đường về với mẹ…Dường như người cha cũng đang sắp lại chuỗi suy đoán như em (nhà mẹ Sói, con tàu).
Cha kéo con gần lại bằng những câu chuyện dịu dàng, nhưng con thì đẩy cha ra, bằng mọi giá, bởi con không muốn khóc khi xuống ga của mẹ (con tàu).
Em sợ khi mở mắt thức dậy đã nhìn thấy mẹ em, mặc cái áo mẹ mua trong lúc vắng em, ra mở cửa (nhà mẹ em).
Mùa hè ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu tiễn em đi (nhà ba em).
Em sợ bỏ lỡ những bình minh, cái khoảnh khắc mà người ta tỉnh dậy, tan chảy theo cơn lười nhác và tuyệt vọng (con tàu).
Điều đó gần như chắc chắn, vì em chính là thằng nhỏ Sói, giây phút này (con tàu).
Hay có cục mây bay ngang đầu mà em không thấy? (con tàu).
Thằng nhỏ Sói sẽ tan biến như chưa từng có trong đời…Em thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ (nhà mẹ Sói, nhà ba Sói, con tàu)…
Năm vùng không gian xuất hiện theo tần số không đồng đều với không gian xuất hiện nhiều lần như: con tàu và không gian chỉ xuất hiện một lần như: nhà mẹ em, nhà ba Sói. Trong số đó, không gian con tàu chủ yếu được suy ra từ môi trường nơi nhân vật trần thuật có những suy nghĩ thể hiện sự quan sát đối với hành động của cha con Sói hoặc những cảm xúc đang diễn ra tức thì trong đầu. Các không gian khác chủ yếu được nhận diện qua sự liên tưởng trong hồi ức hoặc sự tưởng tượng của bản thân chủ thể độc thoại. Sự xuất hiện của các vùng không gian theo thứ tự trình bày trong bảng thống kê trên đã chứng tỏ không gian nghệ thuật trong tác phẩm không chỉ ngưng đọng ở một vị trí mà liên tục có sự đan xen, xáo trộn. Không những thế, sự xuất hiện nằm ngoài quy luật của các vùng không gian này phần lớn không cần đến sự dẫn dắt của người kể mà độc giả vẫn thấy được sự hợp lý của chúng. Điều đó cho thấy lời độc thoại của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã thực sự là nhân tố quan trọng chi phối sự xáo trộn của không gian nghệ thuật, đồng thời tạo nên mạch liên kết theo logic nội tâm cho chúng.
Là yếu tố bao trùm và chi phối đến đời sống nhân vật, tuy nhiên trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không gian nghệ thuật đã bị ảnh hưởng trở lại bởi lời độc thoại của nhân vật. Nó đã đóng góp một phần quan trọng để làm cho các tác phẩm của chị luôn được mở rộng một cách tối đa về không gian và thời gian, giúp nhân vật có một môi trường đa chiều để hoạt động và bộc lộ bản thân. Tất cả những điều đó đã cho thấy lời độc thoại của nhân vật không chỉ là yếu tố không thể thiếu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư mà còn thể hiện một tài năng sáng tạo độc đáo ở nhà văn trẻ đầy tâm huyết với nghề này (3).
_____________
1. Trần Thị Mai Nhân, Tìm hiểu khả năng “tự chiếu sáng nội tâm” bằng ngôn ngữ của nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 150-2008.
2. Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.88.
3. Các trích dẫn trong bài từ Nguyễn Ngọc Tư, Ngọn đèn không tắt, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2000; Nước chảy mây trôi, Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 2004; Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2005; Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009; Khói trời lộng lẫy, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2010.
Tác giả: Nguyễn Thị Huyền Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019