Nguyễn Thị Minh Ngọc - Cây bút nữ đa tài vừa trở lại văn đàn với Hồ nước mùa xuân (Nxb Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2025) - một tập hợp 21 truyện ngắn được viết từ năm 1971 đến năm 2018. Những truyện ngắn được truyển chọn trong nửa thế kỷ sáng tác của bà mang đến một phong vị rất riêng của một cây bút tràn trề nữ tính nhưng cũng không kém phần gai góc.
Sinh năm 1953 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Thị Minh Ngọc tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM năm 1980, và nguyên là giảng viên trường Đại học này. Là nhà văn, đạo diễn sân khấu, biên kịch, giảng viên, nghệ sĩ, bà được biết đến nhiều với tư cách biên kịch của các bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Hải Nguyệt, Ngọc Viễn Đông (Pearls of the Far East), Song Lang (đồng tác giả với Leon Lê), Quán Kỳ Nam, Hương Ga, Sống trong sợ hãi (viết chung với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên)... Và ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng dành cho các bộ phim mà bà viết kịch bản: Hải Nguyệt - Giải A Hội Điện ảnh Việt Nam (1998), giải của Ban Giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần 12 (1999), Liên hoan phim Ba Lục Địa tại Pháp (1998); Sống trong sợ hãi - Giải ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam (2006), Giải Đặc biệt Liên hoan phim Thượng Hải, Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương; Song Lang - Giải Trống Đồng và đồng giải Khán giả bình chọn ở Viet Film Fest 2019 (California)…
Ở cương vị đạo diễn sân khấu, bà đã dựng trên 30 vở và viết trên 70 vở kịch truyền thống và đương đại, hàng trăm kịch bản cho phim truyền hình và nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu và cải lương. Bà là tác giả kịch bản các vở: Đứng giữa đồi cao, Một nửa của tôi đâu, Người đàn bà thất lạc, Tía ơi má dìa!, Tiên Nga, Duyên thệ, Trái tim nhảy múa, Hãy yêu nhau đi, Hãy khóc đi em, Tâm bút Trần Hữu Trang, Thương nữ bất tri… Trong đó, vở Cô đào hát (cải biên từ truyện của Nguyễn Quang Sáng) đã giành Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Sài Gòn 300 năm Nhà hát Trần Hữu Trang (1998). Đặc biệt, bà là người Việt đầu tiên đưa tác phẩm Việt Nam vào sân khấu Off Broadway tại New York với cương vị tác giả, đạo diễn và diễn viên của các vở: The Missing Woman (Người đàn bà thất lạc, 2008), We are… (Chúng tôi là…, 2011).
Trong địa hạt văn học, Nguyễn Thị Minh Ngọc sáng tác từ rất sớm và đến nay đã xuất bản nhiều tác phẩm: Ngọn nến bên kia gương, Một mình bước tới, Trinh Tiên, Năm đêm với bé Su, Người mẫu, Cạn duyên, Vì sao con ra đời, Dẫu lìa ngó ý, Đồng sàng, Chờ duyên, Chân trần trên lửa đỏ, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, 100 câu hỏi đáp về sân khấu cải lương, Pearls of the Far East (Ngọc Viễn Đông), Ngọc của Sài Gòn, Tuổi ngọc ngày chưa xưa… Bà từng giành các giải thưởng: Nắng chiều - Giải truyện ngắn của báo Phụ nữ TP HCM (1986); Trinh Tiên - Giải Văn học tuổi 20 (Truyện vừa) Nhà xuất bản Trẻ & Hội Nhà văn TP HCM (1995).
Bà vừa trở lại văn đàn với các tác phẩm tinh tuyển trong Hồ nước mùa xuân. Điểm khác biệt so với các tuyển tập truyện ngắn trước đây của Nguyễn Thị Minh Ngọc là đôi dòng tự sự của tác giả ở phần mở đầu mỗi truyện như có lúc dẫn dắt gợi mở, có lúc như đánh lạc hướng độc giả… Nhưng cuối cùng chỉ là để bạn đọc hiểu hơn về bút pháp và con người của Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Có thể nói, giữa các cây bút nữ nhiều thế hệ của văn học Việt Nam, Nguyễn Thị Minh Ngọc có điểm “lạ” - cái lạ tạo nên cái đặc sắc, cái lạ tạo nên dấu ấn khiến người ta không thể không mong chờ vì “không ai viết như chị”. Nếu Trần Thùy Mai tinh tế và sâu sắc với nét Huế riêng biệt, Lý Lan nhẹ nhàng mà sâu lắng, Nguyễn Thị Thu Huệ sắc sảo khi viết về phụ nữ với những vấn đề đương đại, Nguyễn Ngọc Tư day dứt với những phận người miền sông nước... thì Nguyễn Thị Minh Ngọc lại “giữ một cơn bão trong lòng bàn tay nhỏ” với tuyển tập truyện ngắn Hồ nước mùa xuân (theo TS Nguyễn Thị Tịnh Thy).
Nhân vật của các truyện ngắn trong Hồ nước mùa xuân đều là người nữ, ở đủ mọi góc nhìn: từ cô gái mới lớn đến người tình, người mẹ và đa dạng thân phận, người phiêu lưu, kẻ cao sang, người cùng khốn, kẻ hy sinh… Lấy nhân vật trung tâm là người phụ nữ, mỗi truyện ngắn mượn yếu tố gia cảnh, bối cảnh xã hội - thời đại để cảm nhận và bóc tách các lớp vỏ tâm lý của họ ở nhiều độ tuổi. Cũng từ điểm neo là các nhân vật nữ, tác giả khéo léo đặt để họ giữa vòng tròn tương quan của tập thể: gia đình, cha mẹ, anh chị em, người tình và xã hội, và rồi ta thấy được mối liên hệ của họ phản chiếu đến đời sống, và những biến chuyển của đời sống dao động “hồ nước cảm xúc” bên trong họ. Những người phụ nữ trong truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc khao khát hạnh phúc nhưng lại khước từ cái bình thường đến tầm thường của hạnh phúc. Vì thế, Hồ nước mùa xuân của bà không hề phẳng lặng mà như có chứa bão. Bão của định mệnh, của tính cách cá nhân - những cơn bão không gió cứ ập vào cuộc đời, khiến nhân vật phải đắm chìm trong sự trống vắng, trống trải, chơ vơ. Nhưng rồi, dù thế nào, mỗi người cũng phải “Một mình bước tới”, kiếm tìm, đợi chờ, đón nhận hoặc khước từ và trốn chạy.
Hồ nước mùa xuân nổi bật lên với ba giọng điệu chính: giọng của người phụ nữ, giọng của người miền Nam, giọng của một kịch sĩ - chúng là tiếng nói phát ra từ một giọng văn rất “nữ” của Nguyễn Thị Minh Ngọc - mềm mại, dịu dàng nhưng cũng thật cá tính, mạnh mẽ. Trong bài viết Người nữ trong truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cho rằng: “Điểm đặc biệt của Minh Ngọc là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật và lối văn tự nhiên, giản dị mà lôi cuốn, rất miền Nam, dễ hiểu, hơi bình dân… Truyện Minh Ngọc có nhiều đối thoại, và có lẽ vì kinh nghiệm sân khấu như một đạo diễn và diễn viên, các đối thoại ấy của chị linh động, gần như tả trực tiếp. Đối thoại là một điểm mạnh của chị. Các đối thoại trong văn Minh Ngọc là những đối thoại xúc cảm (emotional dialogue).
Không chỉ dừng lại ở những dòng chữ giàu cảm xúc, độc giả còn được thưởng thức 35 bức tranh sơn dầu nghệ thuật của họa sĩ Đinh Trường Chinh - con trai út của danh họa Đinh Cường. Các tác phẩm xoay quanh chủ đề nữ giới và những lát cắt tĩnh lặng của cuộc sống, tạo nên một sự kết hợp độc đáo giữa văn học và mỹ thuật đan xen, mang đến trải nghiệm mới mẻ và sâu lắng cho người đọc qua từng trang sách.
Buổi giao lưu mang chủ đề “Người nữ kể chuyện - trên giấy, trên màn ảnh, trên sân khấu diễn ra tại TP HCM cuối tháng 2/2025 nhân dịp ra mắt Hồ nước mùa xuân là cơ hội để bạn đọc hiểu hơn về cây bút nữ Nguyễn Thị Minh Ngọc qua góc nhìn mới mẻ từ “người kể chuyện” là hai diễn giả TS. Bùi Trân Phượng và TS. Nguyễn Thị Minh. Việc thảo luận về nhân vật nữ trong sáng tác truyện ngắn, sân khấu và màn ảnh của Nguyễn Thị Minh Ngọc giúp độc giả rõ hơn chân dung, số phận - thân phận người phụ nữ thông qua những biến chuyển của đời sống.
Bìa tác phẩm Cô đào hát của Nguyễn Thị Minh Ngọc
TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng: “Nguyễn Thị Minh Ngọc dường như tập trung vào những điều bất toàn; những dang dở phận người. Truyện nào cũng xao xác buồn - có nỗi buồn cơm áo (Dọn nhà), có nỗi buồn nghề nghiệp (Hồ nước mùa xuân), có nỗi buồn sinh mệnh (Gói Cẩm Lệ), có nỗi buồn duyên phận (Chờ duyên), có nỗi buồn thân phận (Dẫu lìa ngó ý, Trăng huyết)… Cái đẹp, cái hạnh phúc thì vẫn có (Đám cưới); nhưng sao mà mơ hồ, mong manh, liêu trai đến thế (Yêu tinh, Vết hạc trong mưa, Mù sương bóng quế, Sắc, Hương)…”
Còn PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đánh giá: “Quang cảnh và tâm cảnh lồng nhau lung linh chao đảo trong chữ nghĩa ào tuôn: Những giấc mơ riêng, Hồ nước mùa xuân, Mù sương bóng quế, Sắc, Cỏ hoa, Yêu tinh… Không như một số nhà văn nữ in hằn lịch sử, khuôn định trong cảm quan xã hội, Nguyễn Thị Minh Ngọc tung tăng trong tinh cầu của những tình thân (gia đình, bạn bè); một vài biến cố tình tiết mang tính thời sự được nàng nhắc qua như thể nhân tiện, thờ ơ như một cái phẩy tay.
Lạ lùng thay, người niềm nở với đời và sống dấn mình, luôn thiết tha đi tìm những tương tri, lại là người có một độ gián cách khi quan sát sự đời, và hút mạnh sinh khí ở những vùng tĩnh lặng thiên nhiên. Người ta nói rằng một viên kim cương giá trị là nhờ có nhiều giác cắt. Ngọc ơi, những vết cắt nào trong cuộc đời đã làm Ngọc long lanh mà lại phiêu bồng đến vậy?”
Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc ký tặng sách cho độc giả
NGUYỄN THẢO VY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 601, tháng 3-2025