Huyện Na Hang đang tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị và thúc đẩy phát triển du lịch để từng bước xây dựng Na Hang trở thành trung tâm các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang.
Thị trấn Na Hang phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025
Bứt phá ngoạn mục
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu từng bước xây dựng Na Hang trở thành trung tâm các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, đưa thị trấn Na Hang phát triển lên thành đô thị loại IV vào năm 2025.
Với mục tiêu tổng quát này, tập thể lãnh đạo huyện vùng cao Na Hang đã xác định, đây vừa là thách thức, nhưng cũng là động lực để phấn đấu vươn lên, đưa tên Na Hang vào danh sách những huyện vùng cao “ấn tượng”, lan tỏa hương sắc Na Hang đến với mọi miền đất nước, là nơi “không thể không đến” của du khách muôn phương.
Nếu nhìn vào những con số tăng trưởng của Na Hang từ 2020 đến nay, có thể thấy, Na Hang đã có những bước đi ngoạn mục, tăng trưởng trong thế khó. Chỉ lấy ngay năm 2021, năm đầu sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, đã thấy những kết quả tích cực với hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, đặc biệt đây là năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tiếp theo năm 2022 và năm 2023, tên huyện Na Hang đã không còn là lạ lẫm trên bản đồ du lịch của đất nước.
Đặc biệt, việc tổ chức thành công Lễ hội Hương sắc Na Hang năm 2023 đã gây tiếng vang và tạo hiệu quả rõ rệt trong trong chuỗi hoạt động quảng bá hình ảnh về Na Hang, một điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện.
Huyện Na Hang đón nhận Chứng nhận kỷ lục Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam
Báo cáo tại hội nghị chuyên đề ngày 26-12 của BCH Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cho biết, năm 2023 huyện Na Hang đã đạt 16/16 chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị theo kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng trưởng bình quân hằng năm; các sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực tiếp tục được duy trì; phát triển mẫu mã, thị trường tiêu thụ; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; duy trì 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mới 1 xã nông thôn mới là xã Khâu Tinh, 1 xã nông thôn mới nâng cao xã Hồng Thái. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản được duy trì ổn định và phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Duy trì, củng cố, giữ vững phổ cập giáo dục các bậc học; đẩy mạnh chuyển đổi số; giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn… Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, chia sẻ, thời gian tới, huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; đón trên 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động.
Một nhiệm vụ được huyện tiếp tục tập trung thực hiện trong năm vừa qua là triển khai các công trình, dự án, đề án theo quy hoạch xây dựng thị trấn Na Hang trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Huyện đã tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm nâng cấp kết cấu hạ tầng thị trấn Na Hang, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị thị trấn.
Đường hoa Lê
Phát huy thế mạnh văn hóa du lịch
Theo Chủ tịch UBND huyện Na Hang, cùng với việc thu hút các nguồn lực đầu tư, huyện chú trọng phát huy tiềm năng lợi thế để tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong lĩnh vực xã hội, huyện tập trung đẩy mạnh khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ, từ đó nâng cao đời sống nhân dân và quảng bá hình ảnh mảnh đất Na Hang trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước.
Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, là nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Quần tụ trên mảnh đất Na Hang bao đời là nơi “an cư” của 12 dân tộc anh, em cùng sinh sống đan xen, với những bản sắc riêng có, tạo nên nét truyền thống văn hóa đặc sắc của đất và người Na Hang.
Chè san tuyết Hồng Thái, sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Na Hang
Khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha, trong đó có 8.000ha là diện tích mặt nước. Nằm giữa những vách đá hùng vĩ, bao vây xung quanh là 99 ngọn núi trùng điệp, lòng hồ Na Hang được ví như "Hạ Long trên núi". Đến đây, du khách sẽ được nghe những sự tích gắn với mỗi địa danh đã đi vào lịch sử như: thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, động Song Long...
Văn hóa bản địa vùng lân cận rất phong phú cũng chính là một trong những lý do khiến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn. Truyền thống văn hóa, lịch sử và thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng đã tạo cho Na Hang địa thế độc đáo, là nơi hội tụ, giao thoa sắc thái văn hóa các dân tộc thiểu số, với những làn điệu Then, Sli, Lượn, tiếng đàn Tính, tiếng khèn, tiếng hát Páo dung…, làm say đắm lòng người, với nghi lễ nhảy lửa nhiều kỳ bí.
Hồ Na Hang được ví như "Hạ Long trên núi"
Không chỉ níu chân du khách bằng cảnh đẹp và văn hóa dân tộc, địa danh Na Hang và Lâm Bình, nơi sở hữu khu sinh thái kỳ vĩ này còn để lại dư vị khó quên bằng những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc, với cá suối nướng, da trâu xào măng chua, vịt bầu, xôi ngũ sắc, những loại rau rừng hay những chén rượu ngô men lá… chắc chắn sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Thời gian qua, để phát triển du lịch - dịch vụ, huyện Na Hang đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các điểm du lịch trên địa bàn, các tuyến đường giao thông kết nối. Để tăng sức hút cho du lich - dịch vụ, huyện chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản của đồng bào các dân tộc, nhất là các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới.
Toàn huyện hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 15 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện đã tổ chức các hoạt động Chợ đêm và tuyến phố đi bộ huyện Na Hang, nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn để kích cầu du lịch.
Hồ Na Hang
Theo ông Hiệp, để thúc đẩy lĩnh vực thế mạnh của huyện, thời gian tới, Na Hang tiếp tục quan tâm triển khai các chương trình, đề án bảo tồn phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn. Trong đó có thể kể đến những chương trình, đề án như: Đề án phát triển kinh tế - xã hội thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng Làng văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, giai đoạn 2021-2025; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch huyện Na Hang, giai đoạn 2021-2025...
PHƯƠNG HOA