Nhiếp ảnh - một trong những loại hình nghệ thuật tạo nên lòng yêu nước - sức mạnh mềm văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có câu nói bất hủ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Bìa cuốn sách ảnh Tây Nam Bộ kháng chiến - lịch sử qua ống kính (1945-1975)

Lịch sử dựng nước và giữ nước Việt ta đã chứng minh, yêu nước là thành tố đặc sắc của văn hóa Việt Nam, yêu nước thuộc về giá trị tinh thần, sức mạnh tinh thần. Nhưng một khi đã biết phát huy, khai thác thì nó sẽ trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn. Thế giới gọi đó là sức mạnh mềm văn hóa. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lòng yêu nước của dân tộc ta đã được thổi bùng và phát huy để nó trở thành sức mạnh vô song, giúp nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng, đánh bại các đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới.

Khi Mỹ thất bại trước Việt Nam trong cuộc chiến tranh, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nói: “Người Mỹ thua Việt Nam là do không hiểu hết về văn hóa của họ - dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng yêu nước, kiên cường, bất khuất…”.

Giáo sư, nhà sử học Trần Văn Giàu nhấn mạnh rằng Pháp thua Ta, Ta thắng Mỹ không phải do Ta giàu hơn, mạnh hơn (về quân sự), mà chiến thắng đến từ sức mạnh mềm văn hóa của dân tộc Ta.

Chiếm đồn Định Thủy - Ảnh: Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8

Quân ta thu vũ khí trận Tầm Vu IV (19-4-1948) - Ảnh: Tổ Nhiếp ảnh Khu 9

Vậy thì lòng yêu nước - với tính chất là sức mạnh mềm văn hóa do đâu mà có? Chẳng phải do giáo dục mà nên? Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, một trong những “đội quân” làm công tác giáo dục lòng yêu nước ấy, có lực lượng rất quan trọng chính là binh chủng hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trong đó có lực lượng nhiếp ảnh. Tất cả để hướng con người đến chân, thiện, mỹ, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, mà trong đó lòng yêu nước, yêu đồng bào, yêu quê hương là thành tố quan trọng hàng đầu.

Những bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh, mà đúng hơn là những “chiến sĩ nhiếp ảnh” phản ánh chân thực những gian khổ, hy sinh của bộ đội, những mất mát, tang tóc, đau thương của đồng bào và những thắng lợi trong từng trận đánh. Không chỉ phản ánh về những gì đã diễn ra rất chân thật đó, mà nó còn chạm vào trái tim, tình cảm của đồng bào, đồng chí để kích hoạt tình thương đồng đội, đau như xé ruột vì đồng bào, người thân bị sát hại, căm thù bọn giặc, không sợ chết mà chỉ muốn xông ra chiến trường giết giặc để giành lại quyền sống, quyền tự do cho người thân, đồng bào và Tổ quốc đang bị ngoại xâm giày xéo. Và lúc đó, lòng yêu nước đã được kích hoạt thông qua những bức ảnh mà người chụp ảnh đã phải rất yêu nước thì mới chụp được những khoảnh khắc để kích hoạt được lòng yêu nước ấy.

Ngày 20-12-1960 hơn 2.000 đồng bào Bến Tre mít tinh đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam - Ảnh: Trần Quốc Việt

Lễ tiễn tân binh lên đường phục vụ Chiến dịch Mậu Thân 1968 tại xã Mỹ Thuận - Ảnh: Trần Lâm

Cuốn sách Tây Nam Bộ kháng chiến - lịch sử qua ống kính (1945-1975) với 341 bức ảnh của nhiều tác giả, trong đó có không ít tác giả đã hy sinh khi đang cầm máy. Những bức ảnh của các anh chị đã khích lệ lớn lao tinh thần chẳng sợ gian khổ, hy sinh, quyết xông pha trận mạc cho thanh niên thời đó, mà trước đó chính các anh chị cũng đã dũng cảm xông pha vào trận mạc để ghi lại những khoảnh khắc mà hôm nay chúng ta tập hợp để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau.

Như vậy, trước hết, nhiếp ảnh phải yêu nước, rồi nhiếp ảnh mới làm cho Nhân dân yêu nước. Những nhà nhiếp ảnh kháng chiến là một trong những lực lượng yêu nước nhất mới ghi được những bức ảnh này để kích hoạt lòng yêu nước. Những người làm tập sách này cũng vậy. Có yêu nước mới làm được tập sách ảnh để tri ân những người yêu nước và còn một lẽ nữa, đó là vì làm được tập sách cũng không dễ chút nào.

Công binh xưởng 201 chuyển Lăng xà bom (vũ khí tự tạo gắn nhiều quả bom nhỏ) - Ảnh: Lê Châu

Du kích huyện Châu Thành (Trà Vinh) dùng bè chuối thả truyền đơn và cờ Mặt trận Giải phóng - Ảnh: Bảo tàng Trà Vinh

Xin tri ân những nhà nhiếp ảnh kháng chiến - những nghệ sĩ, chiến sĩ nhiếp ảnh; Xin hoan nghênh và cảm ơn những anh chị em, các tổ chức, cá nhân có công trong việc làm nên tập sách ảnh Tây Nam Bộ kháng chiến- lịch sử qua ống kính (1945-1975).

Và đừng quên rằng, để Việt Nam ta sánh vai với các cường quốc năm châu, trở thành một nước hòa bình, độc lập, mạnh giàu, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc thì không thể thiếu lòng yêu nước của tất cả người con nước Việt. Những người làm văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ, các anh chị em nhiếp ảnh đừng bao giờ quên vai trò rất quan trọng ấy của mình “kích hoạt lòng yêu nước của quân, dân” trong Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

Hà Nội, ngày 15-3-2025

TS, NSNA VÕ VĂN DŨNG

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

 

 

;