Nữ thương binh bán vé số dạo dành tiền trùng tu nghĩa trang

Câu chuyện về người nữ thương binh bán vé số để dành tiền trùng tu nghĩa trang cho đồng đội đã gieo vào lòng mỗi người dân xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nhiều xúc động và cảm phục.

Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng A là nơi yên nghỉ của 144 liệt sĩ. Suốt những năm qua, có một nữ thương binh ngày ngày lui tới quét dọn, lau chùi, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Người thương binh ấy là bà Đặng Thị Bảy, thương binh 1/4, sinh năm 1946, tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, với nhiệm vụ làm giao liên ở xã Long Hưng. Năm 1964, bà Bảy được tổ chức đưa đi học khóa hộ sinh. Một năm sau, bà Bảy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bà hứa với đồng đội: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”.

Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong trận đánh chiếm đồn Gò Dầu thuộc xã Tân Mỹ, trên đường rút quân về Mương Điều (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò), đơn vị bị pháo địch trả đũa làm nhiều người hy sinh, bà Bảy thì bị 3 mảnh đạn găm vào đầu. Dù giữ được tính mạng nhưng tay phải của bà bị co quắp lại, không thể cầm nắm được, bàn chân phải cũng co quắp, đi lại rất khó khăn.

Sau ngày giải phóng, bà Bảy không lập gia đình mà cưu mang 3 người cháu ruột, sống nhờ vào số tiền trợ cấp thương binh và việc bán vé số hàng ngày. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng lời hứa với đồng đội năm nào vẫn canh cánh trong lòng, đã thôi thúc bà tiếp tục dấn thân vào gian khó. Hằng ngày, trên đôi chân khập khiễng, bà Bảy đi qua bao dốc đường, ngõ hẻm để bán từng tờ vé số với mong muốn dành dụm tiền để tu sửa mồ mả cho đồng đội.

Năm 2010, lãnh đạo xã Long Hưng A thực hiện việc trùng tu lại Nghĩa trang liệt sĩ xã, bà Bảy đã mang số tiền 70 triệu đồng đến UBND xã xin đóng góp. Đây là số tiền bà tích góp từ việc bán vé số và dành dụm được với ước nguyện góp phần nhỏ vào việc sửa chữa để Nghĩa trang liệt sĩ xã thêm khang trang, sạch đẹp. Nghe tâm sự của bà, lãnh đạo UBND xã Long Hưng A đã đồng ý nhận và sử dụng số tiền trên vào việc ốp gạch men toàn bộ 144 ngôi mộ của nghĩa trang.

Đến năm 2011, khi nghĩa trang hoàn thành, bà Bảy trích thêm 2 triệu đồng mua đồ cúng để mừng việc hoàn thành sửa chữa nghĩa trang. Năm 2012, bà Bảy được tham dự Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại TP.Đà Nẵng. Cũng trong năm này, bà Bảy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác xã hội từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm nay, bà Bảy bước vào tuổi 75, sức khỏe đã yếu, 3 mảnh đạn còn nằm trong đầu nên bà thường xuyên bị đau nhức. Thế nhưng, bà Bảy vẫn đều đặn mỗi ngày lui tới thắp hương cho đồng đội. Với bà, đây là trách nhiệm đối với người đã mất. Nghĩa cử cao đẹp của bà Bảy được lãnh đạo và nhân dân Đồng Tháp vô cùng cảm phục. Trong lòng người dân Đồng Tháp, bà Bảy là tấm gương thương binh tiêu biểu về tấm lòng kiên trung, giữ trọn lời hứa với đồng đội, xứng đáng cho thế hệ trẻ noi theo.

 

Tác giả: Trân Trọng Triết

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;