Điện ảnh cách mạng Việt Nam ngay từ khi ra đời đã nhịp bước với tiến trình và phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Đó là lý do những phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ ra đời. Mỗi tác phẩm điện ảnh đều có nhân vật, nhân vật là phương tiện để các nhà làm phim chuyển tải quan niệm về cuộc sống, thế giới, những thông điệp đến người xem. Nhân vật trong phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ sản xuất trước năm 1975 (trước khi đất nước được giải phóng) có sự chia tuyến rõ ràng: phe chính nghĩa - phe ta, lực lượng phi nghĩa - phe địch, đúng bản chất hiện thực cuộc chiến được phản ánh. Nội hàm sự chia tuyến này mang ý nghĩa sâu sắc trên cả phương diện nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật.
1. Tuyến nhân vật chính nghĩa
Nổi bật ở hệ thống nhân vật chính nghĩa trong phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ sản xuất trước năm 1975 là quần chúng cách mạng, tập thể anh hùng - tập hợp những cá nhân giác ngộ lý tưởng, hết lòng phụng sự cách mạng. Ngay từ phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Chung một dòng sông (1959, đạo diễn: Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Hiếu Dân) đã thể hiện rất rõ nét điều này. Chung một dòng sông kể về mối tình của Hoài và Vận, họ chuẩn bị lấy nhau, nhưng sau hiệp định Gieneve (1954), sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời ngăn giữa hai miền Nam - Bắc đất nước, khi thuyền nhà trai đến đón dâu, cảnh sát ở phía Nam không cho cập bến… Hoàn cảnh ngang trái là một điển hình thực tế đã và đang diễn ra ở thời đại bấy giờ. Trong phim có nhiều cảnh gia đình ly tán, nhân dân bị cấm đoán mưu sinh... bị đẩy vào bước đường cùng, những người nông dân nơi bờ Nam đoàn kết đứng dậy đấu tranh. Nhờ sự đấu tranh kiên quyết của quần chúng nhân dân, kẻ địch buộc phải cho bà con đi làm, một số người đã vượt sông đoàn tụ với người thân ở bờ bên kia, trong đó có lứa đôi Hoài và Vận.
Sức mạnh của tập thể ảnh hưởng tích cực, làm thay đổi nhân vật anh hùng, ví như nhân vật Dũng trong bộ phim Lửa trung tuyến. Dũng là một trung đội trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, nhưng cấp trên bất ngờ chuyển anh sang chịu trách nhiệm kho đạn. Ban đầu Dũng nhận nhiệm vụ, nhưng lòng luôn đau đáu về tiền tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở kho đạn, anh dần nhận ra: nơi đâu Đảng cần, nơi ấy chính là tiền tuyến. Sức mạnh tập thể làm nên sức mạnh chiến thắng. Ví như trong phim Nổi gió, Khói, Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội… Ở phim Khói (1967, biên kịch và đạo diễn: Trần Vũ, Nguyễn Thụ), người xem khó quên màn khói dày đặc mà bà con đốt lên để che mắt kẻ thù nhằm bảo vệ bộ đội. Đó không phải là ngọn khói của một người, một ngày, mà của bao người suốt bao ngày đang quyết tâm góp sức cho cách mạng…
Các phim chống Mỹ trước năm 1975 đã xây dựng thành công hình tượng tập thể đấu tranh cả khi họ bị cầm tù. Hầu hết phim về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ được sản xuất trong giai đoạn này đều xuất hiện hình ảnh nhà tù đế quốc. Đó là công cụ đắc lực của kẻ thù trong việc bắt bớ, giam hãm những chiến sĩ, người ủng hộ cách mạng; là địa ngục trần gian tra tấn thể xác và hành hạ tinh thần tù binh… Tuy nhiên, phong trào cách mạng Việt Nam trên thực tế và cả trong thế giới nghệ thuật điện ảnh giai đoạn này chưa bao giờ lắng xuống. Quân và dân ta đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi yêu thương và đoàn kết, nhường cơm và sẻ áo… Chúng ta bắt gặp những tập thể ấy trong phim Đường về quê mẹ (1971, đạo diễn Bùi Đình Hạc), Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn (1966, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, Hoàng Thái), Nguyễn Văn Trỗi (1966, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo)… Bộ phim Nổi gió (1966, đạo diễn Huy Thành, Lê Bá Huyến), những người tù đã vượt qua mọi khó khăn để làm chỗ dựa cho nhau, cùng chăm con trai nhỏ của chị Vân... Đặc biệt, suốt chiều dài bộ phim điện ảnh Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972, đạo diễn Hải Ninh), người xem ám ảnh bởi nhà tù đế quốc với những tội ác dã man. Tên đồn trưởng đánh chị Dịu khi chị mang bầu. Bối cảnh ngục tối, hắn cầm roi... ống kính máy quay hướng từ trên cao xuống như một lời phán xét khách quan hành động vô nhân tính ấy. Dịu chuyển dạ, tập thể tù nhân góp từng manh áo, tấm khăn, sát vai nhau tạo thành bức tường thành để đứa bé ra đời an toàn. Bà mẹ dưỡng mạnh mẽ khẳng định với chị Dịu: “Chúng tao còn thì con mày còn”. Và quả thật, mẹ dưỡng có cách để đứa bé ấy được lớn lên… Lần thứ hai vào tù, Dịu bị tra tấn với những chiêu trò man rợ, chị vẫn bình tĩnh, không khuất phục. Chị biến nhà tù thành trường học cách mạng, là nơi vận động những binh lính bằng bao lời nói có lý, có tình…
Trong hệ thống nhân vật đại diện chính nghĩa, ở “phe ta”, những cá nhân chiến sĩ anh hùng, nhân vật nữ anh hùng được đặc biệt chú trọng. Đặc điểm của các nhân vật này là họ khát khao ra trận, hết mình vì cách mạng, vượt qua mọi giới hạn cá nhân, tự hoàn thiện mình, như phim Bài ca ra trận, Lửa trung tuyến… Với những nữ anh hùng, ban đầu họ có thể chỉ là những người phụ nữ bình thường, yếu đuối, bất hạnh… nhưng dần trưởng thành, trở thành nòng cốt cách mạng như trong phim Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió… Mô típ được sử dụng phổ biến là “người mẹ mất con” để cho thấy tình yêu nước đi liền thương nhà. Nỗi thương nhà - cụ thể là thương yêu con vô bờ - dù lớn lao đến mấy, nhưng người phụ nữ vẫn phải vượt qua bằng lý trí sắc bén, đặt vận mệnh tổ quốc lên hàng đầu để tiếp tục chiến đấu. Kẻ thù đã đánh vào điểm yếu của người phụ nữ - những đứa con, hòng dập tắt mọi ý chí chiến đấu, cho thấy gương mặt tàn nhẫn và mưu mô của chúng. Tuy nhiên, chị Vân (Nổi gió) dù đau khổ tưởng hóa điên cuối cùng vẫn kiên cường tiếp tục đấu tranh. Chị Dịu (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm) chứng kiến con bị giặc hành hạ vẫn lắc đầu phủ nhận đó không phải con mình… Cảnh phim chị Dịu đưa con qua sông trong đêm mưa gió đã nói nên “thân phận của tình mẫu tử” mang tính điển hình này - đầy vất vả, khó khăn, luôn phải đối diện với kẻ thù rình rập nhưng cũng rất lớn lao và vô vàn sức mạnh… Những người phụ nữ ấy đã tập hợp quần chúng, làm nên phong trào đấu tranh toàn dân (Chị Tư Hậu), lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị, cảm hóa các binh lính thuộc phe đối lập (Nổi gió) và trực tiếp điều hành, tham gia đấu tranh vũ trang (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm)… Đó cũng có thể là người phụ nữ thông minh, kiên cường như Kim Anh trong bộ phim Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, hay nữ nhân vật ở phim Chị Nhung với vẻ xinh đẹp, gan dạ, thông minh… đã làm nên sức sống mới, sự hấp dẫn cho những nhân vật phụ nữ trong phim cách mạng.
Tựu trung lại, nhân vật trung tâm là phụ nữ được chú ý với vẻ đẹp cả về ngoại hình và nội tâm; là người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình…; nhưng nổi bật hơn hết thảy là việc sẵn lòng hy sinh cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ thành quả cách mạng. Họ là những cá nhân thể hiện phẩm chất tiêu biểu của quần chúng anh hùng cách mạng.
Ở hệ thống nhân vật “phe ta” - phe chính nghĩa, người làm phim còn có sự lưu tâm đặc biệt với nhân vật trẻ thơ. Trong phim Chị Tư Hậu, con gái chị Hậu là bé Thủy. Cha hy sinh, mẹ đi làm cách mạng, bé Thủy được gửi cho người quen chăm nuôi. Bé bị địch bắt, nhằm tạo sức ép để mẹ xuất hiện… Chiến tranh càng đến hồi ác liệt, tội ác kẻ thù càng dã man, trẻ thơ càng chịu nhiều đau khổ, mất mát. Đó là đứa con của chị Vân (Nổi gió) sống trong tù cùng mẹ, bị kẻ thù tiêm thuốc độc đến chết. Ở phim Em bé Hà Nội (1974, đạo diễn Hải Ninh), thế giới trẻ thơ được tập trung xây dựng và khắc họa thành công và sắc nét. Phim lấy bối cảnh Hà Nội sau đợt dội bom B52 của Mỹ năm 1972. Ngọc Hà là một cô bé 10 tuổi, có mẹ “làm công nhân sắp chữ ở nhà máy in”, bố là “bộ đội tên lửa bảo vệ thủ đô”, em gái Thùy Dương học mẫu giáo. Trong cảnh hoang tàn vì bom đạn, Ngọc Hà mất mẹ… Hà được một người lính tốt bụng giúp tìm bố. Trên hành trình chuyến xe đi nhờ, phim đan xen giữa hồi tưởng và hiện tại; khắc họa thành công những nhân vật trẻ thơ nằm trong nôi, đi nhà trẻ, làm việc nhà, biết quan tâm người lớn… Trong ký ức của Hà, bố mẹ đưa hai chị em đi chơi công viên, ngắm các cảnh quan Hà Nội đẹp đẽ, cổ kính, nghe bố kể chuyện Vua Lê Lợi trả gươm xuống cho Rùa thần. Câu chuyện sống động ấy in đậm trong tâm lý trẻ nhỏ, vun đúc nên tình thần yêu nước thương nhà, đánh giặc cứu nước nhưng cũng rất yêu chuộng lòng hòa ái - vốn là truyền thống bao đời của nhân dân ta.
2. Tuyến nhân vật phi nghĩa
Phe phi nghĩa (phe địch) được xây dựng trong các bộ phim điện ảnh cách mạng Việt Nam về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ giai đoạn này với các mặt khác nhau, hướng tới mục đích: vạch trần bản chất, tội ác của kẻ thù. Chúng là những tên chỉ huy, cố vấn, lính Mỹ như đại tá Jim - quả đấm sắt của CIA - dùng người Việt đánh người Việt như trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Đại úy cố vấn Mỹ trong Nổi gió - người mà ở phần đầu phim được đánh giá là hiền như một “thày tu”, nhưng hồi sau hắn chính là kẻ bày ra màn kịch buộc Phương phải giết chị gái mình. Tên lính Mỹ mê chụp ảnh và sẵn sàng cưỡng hiếp phụ nữ trong Chị Tư Hậu…
Chúng là những tên tay sai trung thành - đa số tham lam, mù quáng và ác độc. Tiêu biểu như Trần Sùng, Ba Kinh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Hai Báu - con cai tổng Châu, phó đồn trưởng đồn Việt Hưng trong phim Chị Tư Hậu; tên đồn trưởng Liên hiệp trong phim Chung một dòng sông… Phe địch còn có thể là những người dân mù quáng, hoặc bị ép trở thành tay sai đế quốc, Việt gian - như nhân vật Thời (Chung một dòng sông), lính ngụy buộc phải bắn giết bà con (Nổi gió), nhân vật Vệ (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm)…
Về đặc điểm của tuyến nhân vật này, tùy theo xuất thân, vị trí, nhiệm vụ mà các tiểu loại nhân vật có những nét khác biệt. Tuy nhiên, chúng có điểm chung về tính mục đích: chống lại cách mạng, chia cắt đất nước, phá hoại thành quả cách mạng… Từ đặc điểm, mục đích đó, âm mưu và hành động của chúng rất đa dạng: lừa gạt, chia rẽ, bắt bớ, giam hãm, giết chóc… Để đạt được mục đích, chúng không từ một thủ đoạn nào, dù là đốt nhà, giết người, hãm hại trẻ nhỏ, phá hoại làng mạc…
Các bộ phim được sản xuất trong giai đoạn này tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng mỗi người làm phim luôn nỗ lực thể hiện ý nghĩa tư tưởng thông qua các hình ảnh biểu tượng, chi tiết giàu ý nghĩa... Đó là bàn chân tên đồn trưởng, lính ngụy tàn nhẫn giẫm lên chiếc nón của bà con nông dân, giẫm lên chiếc chong chóng tình yêu của Hoài và Vận (Chung một dòng sông). Đó cũng có thể là chiếc kính đen che đi đôi mắt của tên đại úy trong phim Nổi gió, hay kính đen trên mặt kẻ bán nước Trần Sùng trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Đại tá Jim say mê sưu tập côn trùng, để rồi hắn bị giết bằng cái đập vào đầu một cách dã man như cách chết man rợ dành cho một con côn trùng. Cả Jim và Trần Sùng khi mất mạng đều lăn xuống hố bom. Bên cạnh Trần Sùng là hộp côn trùng đã chết khô của Jim, hắn cũng tựa một con côn trùng.
Nhân vật phi nghĩa được xây dựng thành công nhất trong phim là những kẻ cơ mưu và dã tâm lớn. Ngay ở bộ phim Chung một dòng sông, bên cạnh tên lính lưu manh đến nhà Hoài, tay đồn trưởng mê gái, đồi bại… những người làm phim đã xây dựng thành công nhân vật quận trưởng đầy mưu mô. Hắn nói với cấp dưới về cách khống chế dân chúng: “Cần phối hợp nhiều mặt, kinh tế và tình cảm… Đứa nào ngoan cố thì đánh vào kinh tế, không cho làm ăn gì hết! Nếu là phụ nữ có chồng con ở bên Việt cộng, cần phải dùng tiền để bày trò chồng nó đã cưới vợ mới…”. Các nhân vật thuộc phe địch - phe phi nghĩa - kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa bạo lực và âm mưu tâm lý. Bộ phim được sử dụng thành công thủ pháp đối lập, nhằm phơi bày bộ mặt thật của những kẻ phi nghĩa. Ví như khi tên quận trưởng đang viết báo cáo với cấp trên về phương pháp tiến hành mềm mỏng với dân chúng rất thành công, thì tay đồn trưởng vừa đánh ngất Hoài trên đồng. Trong khi “ngài thanh tra” đang say sưa nói với cấp dưới về việc mở lớp tình báo nghiệp vụ do FBI đào tạo, thì cấp dưới lôi đến trước mặt họ hai người đàn bà áo vá, khổ sở… chuẩn bị xét xử. Thay vì khép tội hai người tội nghiệp ấy, bà con xộc vào tuyên bố: “các ông có muốn bắt thì cứ bắt hết tất cả chúng tôi đây này…”, “tất cả là vì chúng tôi đói!”… là những lời kết tội ngược lại bè lũ quân quyền thống trị. Ở phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, nghệ thuật xây dựng nhân vật phản diện đã đạt tới sự hấp dẫn đỉnh cao. Trần Sùng, mở đầu phim đã mặc bộ quần áo suông màu trắng như một tên trọc phú. Màu trắng ấy không thể hiện được tâm hồn trong sáng của Sùng mà cho thấy tính đạo đức giả ở nhân vật này. Suốt chiều dài 2 tập phim, Trần Sùng nói rất nhiều những lời đạo đức với người khác - nhất là với phe đối địch, tức những người cộng sản và đồng minh của cộng sản. Từng lời Sùng thốt lên đều cho thấy hắn là một bậc thày về tâm lý. Hắn hiểu sự sa ngã trong quá khứ của Vệ để biết cách kéo anh ta làm tay sai, hắn càng hiểu về nỗi đau của người đàn bà như Dịu để khéo đường tấn công, dụ dỗ... Trong bối cảnh phòng giam tối, Trần Sùng đi đi lại lại. Sự diễn xuất (diễn viên Lâm Tới) rất tài tình, dường như mỗi lời Sùng nói ra đều xuất phát từ cái tâm đang suy tính, mang tính “động”, không phải xuất phát từ con tim dịu dàng, trầm tĩnh… Giọng Sùng nhỏ nhẹ với Dịu, vẻ như đồng cảm, vỗ về: “Tù tội một mình, sinh con một mình và buồn vui cũng một mình. Chi bộ thì tan nát hết cả rồi. Ngày thống nhất còn dài triền miên mà đời người đàn bà lại quá ngắn ngủi. Cho dù Dịu là người cộng sản hay người anh hùng đi nữa thì Dịu cũng chỉ là người đàn bà… Dịu suy nghĩ đi, đừng trả lời tôi… Không có tình yêu, không có hạnh phúc, không có cuộc đời riêng. Tôi đã nhường Dịu nhiều lần, Dịu hãy nhường tôi lấy một lần thôi…”. Vừa cảm thông là thế, vừa ngọt ngào đến vậy, nhưng khi thấy Dịu xé tờ biên bản hắn chuẩn bị, ống kính máy quay chiếu cận vào khuôn mặt của Trần Sùng đầy bóng tối với vết sẹo dài. Hắn nghiến: “Thật kinh khủng! Mày không còn là một con người!” rồi hắn hùng hổ lao đi. Diễn xuất của diễn viên Lâm Tới rất thành công trong phân đoạn này, khiến khán giả cảm giác Trần Sùng là một con hổ dữ gầm lên và quất đuôi lao đi khi vừa vồ mồi trượt. Trần Sùng kết luận Dịu không phải là người, vì thế giới của hắn nào đâu có sự hy sinh hay cao thượng… Bên cạnh Trần Sùng là đại tá Jim. Jim đã nghiên cứu kỹ đất nước Việt Nam, sử dụng tâm lí chiến như một phương pháp quan trọng hòng đánh gục đối thủ. Jim cho chúng ta biết rằng: người ta có thể nói rất hay và hành động tưởng chừng rất hiền lành, đạo đức… nhưng “tâm” người ta nghĩ gì thì đó mới chính là con người thực sự của họ. Cuối cùng, cái kết của Jim còn thê thảm hơn Trần Sùng. Sau khi giết bà mẹ dưỡng, như giết đi gốc rễ của mình, Trần Sùng ngã xuống hố bom - cái mà hắn góp phần tạo nên… Hắn bị bắn, một cái chết mang tính chất “nhà binh” tại quê hương. Jim mất mạng bằng một cú táng từ phía sau, hắn lập tức lăn ra như một con côn trùng - cái chết đến nhanh chóng, đột ngột. Hắn và bao kẻ đã mang bom đạn từ quê nhà sang tàn phá một vùng đất xa lạ. Cái chết của Jim như nói với bạn xem rằng: khi giày xéo quê hương của người khác, thì quê hương của chính bạn cũng không thể đón bạn về…
Đặc biệt, để thực hiện mục đích của mình, ngoài vật chất đầy đủ, vũ khí tối tân, sự huấn luyện quân sự bài bản… nhà tù đế quốc được coi là một công cụ đắc lực để phe địch - phe phi nghĩa trừng phạt những người cách mạng. Hầu hết trong các bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ được sản xuất trong giai đoạn này đều xuất hiện nhà tù. Nhà tù trở thành một biểu tượng của sự đàn áp với tất cả những gì diễn ra man rợ nhất mà loài người có thể dành cho nhau, từ trò mị dân bịp bợm đến tra tấn thể xác, tinh thần và cuối cùng là giết người một cách dã man. Nơi đó, đứa con của chị Vân bị tiêm thuốc độc tới chết (Nổi gió); chị Dịu bị đánh đến mức sinh non, bị tra tấn ép phải nhận tội, con trai chị bị chúng treo lên hành hạ… (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm); đứa con gái bé bỏng của chị Tư Hậu dù mới vài tuổi phải chịu cảnh giam cầm (Chị Tư Hậu)… Không có tiếng nói của tình thương, lẽ phải, chỉ cần liên quan đến sự mâu thuẫn về mục đích thì một đứa trẻ chưa biết nói cũng có thể bị đẩy vào trại giam. Đó chính là những minh chứng phơi bày tội ác của thế lực phi nghĩa…
Như vậy, phe địch - phe phi nghĩa - trong những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam được sản xuất trong giai đoạn này đã được khắc họa có chiều sâu, có khi đạt đến đỉnh cao bởi sự chú trọng đời sống nội tâm sâu sắc. Mỗi nhân vật đều rất có hồn, khiến sự “ác” trong nhân vật “thật” đến sống động, thôi thúc người xem tỉnh táo nhận diện cái ác và tiêu diệt nó, như lời bác Cả Thuận nói với bà con, trước khi bị Trần Sùng thiêu chết: “Bà con, dù chúng có thiêu đốt được tôi nhưng không thể nào thiêu đốt được cả dân làng Cát. Tôi chỉ mong có một điều, bà con hãy thương yêu, đùm bọc lấy nhau. Đừng mắc mưu chia rẽ của kẻ thù”. Phải hiểu để thương cho đúng, và cũng phải hiểu để biết cách đối phó với kẻ thù - là một sự gửi gắm tâm lý chiến của những người con cách mạng khi làm nên những bộ phim đi cùng năm tháng.
Thế giới nhân vật trong phim truyện điện ảnh Việt Nam sản xuất trước năm 1975 về đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ có sự chia tuyến rõ nét, phù hợp với hiện thực được thể hiện. Tuy nhiên, nội hàm sự chia tuyến ấy mang đặc trưng riêng so với giai đoạn sau năm 1975. Hệ thống nhân vật chính nghĩa (phe ta) nổi bật là hình tượng quần chúng cách mạng, tập thể anh hùng; tập thể ấy tạo nên sức mạnh cho những cá nhân anh hùng. Phe địch gồm đế quốc, tay sai... dùng mọi công cụ nhằm đạt mục đích phi nghĩa. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong giai đoạn này chú trọng nhân vật mang tính chức năng, nhất là khi thể hiện hệ thống nhân vật phi nghĩa; tính cách nhân vật là sản phẩm của hoàn cảnh; phát huy triệt để kiểu nhân vật hiện thực kết hợp lãng mạn làm nên không khí sử thi khi phản ánh thời đại anh hùng.
TS NGÔ ĐẶNG TRÀ MY - TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023