Vài nét về hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của khán giả thay đổi nhanh chóng. Nhiều thể loại âm nhạc phương Tây du nhập vào nước ta với phong cách mới, hiện đại, đã thu hút sự chú ý của công chúng yêu nhạc, đặc biệt là giới trẻ; bên cạnh đó, âm nhạc truyền thống đang rơi vào nguy cơ ngày càng mai một, kém hấp dẫn. Ở trong và ngoài nước, có nhiều nhóm nhạc kết hợp nhạc cụ truyền thống với âm nhạc điện tử cũng mang lại hiệu quả cao, giàu tính sáng tạo. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Bên cạnh công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thì hoạt động thực hành biểu diễn của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Nhà trường luôn xác định, giáo dục đào tạo phải gắn chặt với thực hành. Lực lượng tham gia biểu diễn âm nhạc truyền thống ngoài cán bộ, giảng viên còn có học viên, sinh viên. Các em thường xuyên được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, kiến thức thông qua các chương trình nghệ thuật do nhà trường tổ chức. Vì vậy, cần chú trọng xây dựng nội dung chương trình đào tạo với định hướng phát triển kỹ năng biểu diễn. Điều này sẽ mang lại giá trị thực tiễn, là môi trường tốt để cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên có điều kiện thực hành nghề nghiệp.

Một số kết quả và hạn chế trong hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống

Những năm qua hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội diễn ra sôi nổi, đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Nhà hát Nghệ thuật thực hành, Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi là hai đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội, đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, Bộ Quốc phòng các nước đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà trường tích cực cử cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia các hội diễn toàn quân, toàn quốc; các cuộc thi, liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và đạt nhiều giải thưởng cao quý. Nhiều giảng viên chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND như: NSND Nguyễn Xuân Bắc, NSND Lương Hùng Việt, NSƯT Lê Thị Vân Mai, NSƯT Hà Trọng Nghĩa, NSƯT Nguyễn Thị Tuyết Mai…

Cùng với các hoạt động biểu diễn và đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hóa truyền thống, sưu tầm, khai thác chất liệu âm nhạc dân gian để phục vụ công tác giảng dạy, sáng tác và thực hành biểu diễn. Thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, phục vụ tốt cho việc xây dựng nội dung các chương trình nghệ thuật của nhà trường.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống còn bộc lộ một số hạn chế. Trước tiên, về nội dung chương trình biểu diễn chưa có nhiều tác phẩm, phong cách, hình thức mới. Lực lượng học viên, sinh viên tham gia còn thiếu kinh nghiệm. Đối với chương trình đào tạo, dung lượng phần kiến thức về kỹ năng, phong cách biểu diễn còn ít. Về chất lượng dàn dựng, hòa âm, phối khí, chuyển soạn các tác phẩm mới chưa được chú trọng đúng mức. Vấn đề truyền thông, quảng bá cho hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Các yếu tố kỹ thuật phụ trợ như trang phục, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho biểu diễn âm nhạc truyền thống cũng còn có mặt hạn chế, do đó vẫn còn chương trình có hiệu quả, chất lượng nghệ thuật chưa cao.

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống

Để nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nghệ sĩ tham gia biểu diễn và học viên, sinh viên về vai trò của hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống. Qua đó, các cấp lãnh đạo, chỉ huy sẽ có chủ trương, biện pháp phù hợp, nhằm phát triển hoạt động này một cách thường xuyên, liên tục và toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ huy các đơn vị cần nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò của hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống trong việc phục vụ tốt hơn các sự kiện chính trị, ngoại giao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đáp ứng nhu cầu và nâng cao đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên quán triệt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị; nâng cao nhận thức, tư tưởng về vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa. Các nghệ sĩ biểu diễn cần được quán triệt sâu sắc nghị quyết lãnh đạo của đảng các cấp, chỉ đạo của cấp trên, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thưởng thức âm nhạc truyền thống của bộ đội, từ đó xác định nhiệm vụ đổi mới đúng đắn, phù hợp.

Đối với nghệ sĩ và học viên, sinh viên cũng cần nhận thức đúng về vai trò của hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống. Có nhận thức đúng sẽ tạo động lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, nuôi dưỡng lòng đam mê nghề nghiệp, thường xuyên trau dồi chuyên môn, tích cực học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là kỹ năng thực hành biểu diễn.

Thứ hai, công tác giáo dục đào tạo phải chú trọng, định hướng vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống. Xác định rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thực hành biểu diễn, do vậy phải xây dựng nội dung, chương trình bài giảng ngành âm nhạc truyền thống hướng đến phát triển và nâng cao khả năng thực hành. Trong đó, tập trung rèn luyện cho học viên, sinh viên kỹ năng, phong cách biểu diễn, tương tác với khán giả, vũ đạo, thẩm mỹ về trang phục… Đây là những kiến thức rất cần thiết bên cạnh kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ. Khoa chuyên môn cần nghiên cứu đưa những nội dung thực hành bổ sung vào chương trình giảng dạy đảm bảo hợp lý, khoa học. Cùng với việc được học tập, nên thường xuyên đưa học viên, sinh viên tham gia các chương trình biểu diễn của nhà trường để ứng dụng những kỹ năng, kiến thức đã được học.

Thứ ba, quản lý, tổ chức hoạt động biểu diễn linh hoạt, hiệu quả. Nhà hát Nghệ thuật thực hành là nơi quản lý trực tiếp mọi hoạt động biểu diễn của nhà trường, cần chú trọng hơn đến mảng biểu diễn âm nhạc truyền thống. Đây là hình thức nghệ thuật đặc thù, có những điểm khác biệt so với nghệ thuật múa, hát và âm nhạc phương Tây. Nhà hát Nghệ thuật thực hành nên xây dựng kế hoạch sớm, chi tiết, hợp lý, đảm bảo không bị chồng chéo giữa các nhiệm vụ; đồng thời, cần có kế hoạch, lộ trình mang tính chiến lược để quản lý sẽ hiệu quả hơn. Về mặt chuyên môn nghệ thuật, phải xây dựng ý tưởng kịch bản, nội dung, yêu cầu, từ đó giao cho các nghệ sĩ biểu diễn nghiên cứu, tập luyện, dàn dựng chương trình.

Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống chủ yếu công tác tại Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi. Vì thế, Ban Chủ nhiệm khoa cần chủ động phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật thực hành trong quá trình tổ chức hoạt động biểu diễn. Khoa phải có một bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tổ chức và tham gia biểu diễn. Phần lớn các chương trình đều có kế hoạch từ trước, nhưng cũng có những nhiệm vụ đột xuất; do vậy, khoa cần chủ động về các nội dung, nhân lực, đạo cụ để có thể đáp ứng ngay khi nhà trường yêu cầu.

Nghiên cứu, vận dụng cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn của cơ quan cấp trên vào điều kiện thực tiễn để đảm bảo phát triển hiệu quả hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống. Trong đó, có Nghị quyết số 23- NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành ngày 16-6-2008; Quyết định 1456/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 355-CT/QUTW năm 2017 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội giai đoạn hiện nay… Cần phải bám sát định hướng để tổ chức, xây dựng chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống, đảm bảo tính nghệ thuật, phát huy những giá trị độc đáo trong âm nhạc dân tộc, cập nhật xu hướng âm nhạc đương đại.

Thứ tư, đổi mới nội dung chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống. Đây là giải pháp then chốt, quyết định đến hiệu quả của chương trình biểu diễn. Hiện nay, các tác phẩm đang sử dụng cho biểu diễn số lượng còn ít và chất lượng, tính nghệ thuật chưa cao. Nhà trường cần có hình thức phù hợp để trao đổi với các tác giả cho phép sử dụng tác phẩm mới của họ. Bên cạnh đó, khuyến khích các nhạc sĩ trong nhà trường tích cực viết bài, hòa âm, chuyển soạn tác phẩm cho các nhạc cụ truyền thống. Để thực hiện được chủ trương này phải xây dựng quy định về kinh phí bồi dưỡng cho tác giả hoặc tính quy đổi giờ giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi nên chú trọng khai thác hiệu quả nhiều loại nhạc cụ độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam đưa vào chương trình biểu diễn; sưu tầm thêm bài bản dân ca các vùng miền và nhạc nước ngoài; chú trọng đổi mới phong cách, hình thức biểu diễn gắn với nội dung của từng bản nhạc khác nhau.

Thứ năm, nâng cao trình độ chuyên môn của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ và học viên, sinh viên phải thường xuyên luyện tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường khả năng sáng tạo trong biểu diễn, khai thác triệt để hiệu quả, tính năng từng nhạc cụ, trau dồi kiến thức về hòa thanh, lịch sử âm nhạc, phân tích tác phẩm, tìm hiểu sâu về phong cách các thể loại âm nhạc Việt Nam và các nước trên thế giới; nâng cao kỹ năng đệm, hòa tấu, thị tấu… Nhà trường tổ chức, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ đến trao đổi theo chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên, học viên, sinh viên. Đồng thời, phải có báo cáo, đánh giá kết quả công tác bồi dưỡng chuyên môn. Công tác này phải được triển khai thường xuyên.

Thứ sáu, tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị. Đối với vấn đề quảng bá, giới thiệu các sản phẩm âm nhạc truyền thống, có thể tận dụng ngay các chức năng của mạng xã hội để mang lại những lợi ích, hiệu quả tích cực. Đó là công cụ quảng cáo sản phẩm âm nhạc miễn phí, tiết kiệm thời gian, kinh phí; tạo ra xu thế, định hướng cho khán thính giả; kết nối, tiếp cận, giao lưu với thế giới; giúp các nghệ sĩ, nhạc sĩ tiếp cận với công chúng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển khán giả, thu hút tài trợ, tăng doanh thu, đa dạng nguồn thu, xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân. Ngày nay, mỗi thương hiệu, sản phẩm hầu như đều có các kênh mạng xã hội riêng để tiếp thị, tiếp cận và giao lưu với công chúng. Mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ, ban nhạc, nhóm nhạc cũng là một thương hiệu. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống cũng như một số thể loại âm nhạc kinh điển, bác học đang gặp khó khăn trong việc tìm khán giả, vì thế, việc tận dụng sự ưu việt của mạng xã hội để quảng bá lại càng cần thiết.

Thứ bảy, đầu tư và phát huy công năng về cơ sở vật chất. Trong xu hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn hiện nay trên thế giới và Việt Nam, cơ sở vật chất là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chương trình. Đặc biệt, đối với hoạt động biểu diễn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc truyền thống thì càng quan trọng và cần thiết đầu tư hơn nữa. Phải chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, cải tiến nhạc cụ các dân tộc thiểu số đưa vào giảng dạy và biểu diễn. Hiện nay, một số nhạc cụ đã được khai thác như sáo Mông, đàn t’rưng, đàn k’ní, tính tẩu; tuy nhiên, số lượng nhạc cụ được chọn lọc, đưa vào giảng dạy vẫn rất ít so với thực tế. Vì thế, cần đầu tư nghiên cứu, cải tiến các nhạc cụ sao cho đảm bảo yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, tính năng để có thể khai thác giá trị văn hóa, nghệ thuật, từ đó tạo nên màu sắc nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn, độc đáo.

Với điều kiện cơ sở vật chất đã có, phải khai thác triệt để, phát huy hiệu quả công năng của các trang thiết bị. Hiện nay, nhà trường có hội trường với sân khấu tương đối rộng, thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại phục vụ tốt cho hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, còn có nhiều phòng tập nhỏ, không gian đảm bảo cho việc tập luyện. Phòng thí nghiệm của nhà trường có trang thiết bị được đầu tư mới, cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới, có thể thu âm, thể nghiệm, xử lý, biến đổi các mẫu âm thanh cho giọng hát và nhạc cụ. Đây cũng là nơi các nghệ sĩ thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi, khai thác hiệu quả tính năng các nhạc cụ thiểu số Việt Nam. Việc chú trọng phát huy tối đa công năng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung và biểu diễn âm nhạc truyền thống nói riêng là rất cần thiết. Điều này, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên cần có tinh thần trách nhiệm đối với việc khai thác, sử dụng, bảo quản trang thiết bị của nhà trường. Làm tốt vấn đề này, mới tránh được sự lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư, tạo hiệu quả đối với xây dựng, tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống, từ đó mang lại những giá trị nghệ thuật phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Có thể nói, hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xây dựng các chương trình đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các giải pháp để có thể nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn, từ đó, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.

TS NGUYỄN DUY THỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;