Trong văn hóa nghệ thuật, thanh sắc Nam Bộ, thể điệu vọng cổ nhịp 32 là một thành tố quan trọng, một biểu tượng trong tâm thức văn hóa của người dân Nam Bộ. Bởi nó có những đặc điểm độc đáo hơn so với hàng trăm thể điệu khác trong cùng hệ thống; được phổ biến rộng khắp và phục vụ tích cực với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng Nam Bộ. Bài viết nhằm giới thiệu những nét độc đáo của vọng cổ nhịp 32 trong một số sinh hoạt văn hóa Nam Bộ.
Ở lĩnh vực cải lương, vọng cổ nhịp 32 từ lâu đã trở thành một thể điệu chủ lực, còn gọi là bài ca “vua”. Nếu không có vọng cổ nhịp 32 thì bất thành cải lương. Bởi vọng cổ nhịp 32 vốn có khá nhiều đặc điểm nổi trội so với nhiều bài bản (thể điệu) khác trong cùng dòng nhạc truyền thống. Hơn thế, từ lâu, vọng cổ nhịp 32 có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần; trở thành một phương tiện đặc thù của văn hóa cộng đồng Nam Bộ. Vọng cổ nhịp 32 đã phổ biến nhanh rộng từ Nam chí Bắc, từ những vị tướng lĩnh, quan chức, trí thức, công nhân, binh lính, học sinh - sinh viên, nhất là nông dân (nam - phụ - lão - ấu). Không hạn chế không gian và thời gian, lúc nào và ở đâu ca cũng được, từ sân khấu chuyên nghiệp, các lễ hội đến tiệc tùng dân dã... Có lẽ, trong kho tàng ca nhạc dân tộc, số lượng bài vọng cổ 32 là nhiều nhất so với các thể loại ca nhạc khác.
1. Khái quát vọng cổ nhịp 32
Vọng cổ nhịp 32 có nguồn gốc từ bài Dạ cổ hoài lang (nhạc và lời) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chính thức ra đời năm 1919, tại tỉnh Bạc Liêu. Ban đầu, bài Dạ cổ hoài lang gồm 20 câu, mỗi câu có 2 nhịp, gọi là nhịp 2; sau đó một số nhạc sĩ khác chuyển nó từ nhịp 2 sang nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nay là nhịp 32. Nhưng chỉ thể điệu vọng cổ nhịp 32 là ổn định, có sức sống bền bỉ nhất, tồn tại và không ngừng phát triển đa dạng về hình thức nghệ thuật, phong phú về nội dung; nó luôn gắn liền với từng thời kỳ lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung, trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ nói riêng.
Là một thể điệu cố định về ký âm (bản nhạc có sẵn), nhưng các tác giả sáng tác lời ca qua các thời kỳ có đến hàng ngàn bài với nội dung khác nhau, ca ngợi, phê phán, mô tả trạng thái mọi cung bậc tâm lý tình cảm xã hội; từ những nỗi đau đời, trăn trở, trắc ẩn đến hạnh phúc, lãng mạn... từ nhiều góc độ. Tính âm nhạc là một giai điệu vừa như tự sự, trữ tình, ngọt ngào, vừa có tính hỉ, nộ, ái, ố, bi, hài...; nội dung ca từ phong phú, đa dạng dễ đi vào lòng người, nên nhiều tác phẩm vọng cổ nhịp 32, người ta nghe và ca đi ca lại nhiều lần mà không chán.
2. Vọng cổ nhịp 32 trong đời sống người dân Nam Bộ
Trong sinh hoạt lễ hội
Nam Bộ có rất nhiều lễ hội hàng năm, bởi đây là vùng văn hóa gồm các tộc Việt, Hoa, Khơme, Chăm và mỗi tộc người lại có những lễ hội riêng. Bài viết đi sâu vào một số lễ hội tiêu biểu của người Việt - Nam Bộ mà vọng cổ nhịp 32 phục vụ cho lễ hội đó.
Vào ngày tết, nhiều gia đình tổ chức đờn ca khi liên hoan, tụ họp gia đình, bạn bè. Vì ở Nam Bộ thông thường có nhậu là có đờn ca, có khi chỉ có một cây guitar phím lõm, vài người ca, tiệc vui cũng kéo dài cả buổi. Nếu không có đàn, các ông nhậu cũng ca vọng cổ, gọi là “ca chay”. Các bà trong nhà làm công việc bếp núc cũng mê nghe, ai ca hay thì vỗ tay khen, còn ca dở thì động viên. Đặc biệt vào những ngày chánh tết, ở Nam Bộ vui chơi rộ lên, có cuộc đờn ca thâu đêm đến sáng vì người ca vọng cổ rất đông, người say mê nó lại càng đông gấp bội. Tết thường ca vọng cổ nhịp 32 với những bài: Xuân này con không về, Xuân đất khách, Dệt chặng đường xuân, Xuân và tình mẹ, Hương xuân, Tết Sài Gòn nhớ xuân Hà Nội, Tình xuân, Đêm xuân, Thư xuân... Vì tính cách hiếu khách vốn có của người Nam Bộ mà gia chủ thường giữ chân khách và tiếp đãi nồng hậu, do đó các cuộc đờn ca thường kéo dài khá lâu.
Vào các lễ hội Kỳ yên ở các đình như: lễ Thượng điền (15-2 âm lịch), lễ Trung nguyên (15-7 âm lịch) và lễ Hạ điền (15-12 âm lịch), ở nhiều nơi có lễ cúng miếu như Miếu Ông, Miếu Bà, Miếu Cậu... Hầu hết cúng tế xong là phần hội, thông thường là hát bội mở màn trước. Khi hát bội tạm nghỉ thì vọng cổ thay thế, vì nhiều diễn viên và nhạc công hát bội biết ca vọng cổ. Riêng phần ca vọng cổ có vẻ xôm tụ hơn, ngoài nghệ sĩ hát bội, còn có những người đi cúng đình, miếu cũng tham gia những bài vọng cổ nhịp 32: Tu là cội phúc, Mục Liên tìm mẹ, Bát cơm cúng mẹ, Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, Quê hương là núm ruột, Tiếng gọi quê hương, Quê hương và mẹ, Từ con sóng quê hương...
Vào các ngày lễ kỷ niệm đặc biệt trong năm, các nhà tổ chức cũng như nghệ sĩ trình diễn đều ý thức chọn lọc những bài ca có nội dung phù hợp với ngày đó. Để ca ngợi ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2) có bài: Ơn Đảng, Đời ta có Đảng, Đảng là mùa xuân, Đảng là mẹ hiền, Tình Đảng sáng đời ta, Đảng cho ta mùa xuân...; ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) có bài: Lòng mẹ, Mẹ là mùa xuân, Xuân và tình mẹ, Mục Liên tìm mẹ, Con gái của mẹ, Mênh mông tình mẹ...; ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26-3) có bài: Tuổi trẻ làm theo lời Bác, Chào tuổi thanh xuân, Tình yêu và quê hương, Anh hùng Lê Văn Tám...; ngày miền Nam giải phóng (30-4) có bài: Nhớ ngày toàn thắng, Lòng mẹ hậu phương, Dệt chặng đường xuân, Dòng sông quê em...; ngày Quốc tế lao động (1-5) có bài: Thương nhớ Bác Tôn, Chiều Xuân bên tượng đài...; ngày sinh Bác Hồ (19-5) có bài: Đài hoa dâng Bác, Nhớ cha trong mùa phượng đó...; ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) có bài: Cháu nhớ Bác Hồ, Trò ngoan, Ơn cha nghĩa mẹ công thày, Nhớ thày, Về thăm trường cũ...; ngày Nhà báo Việt Nam (21-6) có bài: Tình anh thầm lặng, Tâm tình anh phó nháy, Hát về anh…
Trong một số phong tục và tiệc tùng
Xưa nay ở Nam Bộ, từ thành thị đến nông thôn, hầu hết các lễ hỏi và cưới dù tổ chức tại gia hay ở nhà hàng, sau phần lễ có phục vụ văn nghệ. Ở thành thị, đa phần có nhạc trẻ, nhạc vàng; còn ở nông thôn, tiết mục ca nhạc ít hơn, đa số là vọng cổ nhịp 32. Thông thường, trước khi tổ chức nghi thức chính, đêm trước là đêm đờn hát vui chơi, rượu chè. Sau khi cử hành hôn lễ lúc đãi tiệc, văn nghệ tiếp tục diễn lại. Có đám có cả cô dâu và chú rể cùng tham gia ca hát. Nội dung các bài vọng cổ nhịp 32 rất rộng, người ca thoải mái theo bài ca sở trường của mình, nhưng thông thường, họ ca những bài tân cổ giao duyên nói về tình yêu đôi lứa trong sáng: Đám cưới đầu xuân, Đám cưới trên đường quê, Tình thắm duyên quê, Nợ duyên... Dù ở nội dung nào, vọng cổ 32 vẫn là một nhu cầu chính đáng trong cưới hỏi, góp phần tô dệt nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Nam Bộ.
Trong tang tế cũng vậy, trước đây, ban nhạc lễ làm nhiệm vụ hòa nhạc phục vụ cúng bái, đến khuya vắng khách viếng, gia đình yêu cầu ban nhạc hòa tấu hoặc hòa ca, với những bài hợp với hoàn cảnh tang lễ và người chết. Nhưng từ sau năm 1975 đến nay, vọng cổ nhịp 32 thể loại đơn lập, tân cổ giao duyên, thể loại hòa kết, thể loại hài đều xuất hiện trong các đám tang với tần suất cao hơn các thể điệu khác. Nội dung ca từ của vọng cổ nhịp 32 trong tang lễ cũng khá thoáng, ban đầu, một vài bài có nội dung phù hợp như: Chén cơm cúng mẹ, Ngày giỗ của cha, Nhớ công ơn cha mẹ, Ơn trời biển... sau đó, nội dung nào cũng có thể phục vụ được, trở thành cái nếp riêng trong tang lễ.
Nội dung vọng cổ nhịp 32 trong tiệc tùng rất phong phú, không hạn chế chủ đề, nhiều người còn khai thác tối đa những bài vọng cổ hài về đề tài “nhậu” như: Rượu đế ơi ta giã từ mi, Khi người say biết yêu, Hiệp sĩ say giải nghệ, Tâm tình anh Hai Lít, Ba ngày xuân mười ngày xẹp, Bia Sài Gòn đụng đế Gò Đen, Rượu ơi là rượu, Chó mực kêu oan... Thông thường, mọi người nhập tiệc hầu hết đều nhiệt tình ăn nhậu và đờn ca, nên Nam Bộ mới có những câu phương ngôn trong văn hóa nhậu: “nhậu xỉn - dzô một trăm phần trăm!”, “chơi cho tới bến” rồi “ca 6 câu vọng cổ bù lon”, “thằng này rành 6 câu vọng cổ”...
Trong sinh hoạt lao động sản xuất
Về lao động sản xuất nông nghiệp, vọng cổ nhịp 32 gần gũi với người nông dân Nam Bộ nhất. Lao động làm vườn trồng trọt cũng vậy, từ trồng cây, hoa màu hay thu hoạch, cá nhân hay tập thể cũng có nếp sinh hoạt lấy vọng cổ nhịp 32 làm niềm vui, ca ngâm tùy hứng. Nội dung bài ca cũng tự do và phong phú, thường có những bài tiêu biểu như: Rẻ mạ đầu mùa, Chuyến xe Tây Ninh, Tình yêu ơi tình yêu, Em bé quê, Hương bưởi, Hương dừa, Mùa nhãn hẹn hò, Hương lúa, Quê hương và tình yêu, Tình yêu trên những cánh đồng... Ca là để tạo niềm vui trong lao động là chính. Tuy không khí lao động sản xuất trong nhà mày, xí nghiệp khá hối hả, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe anh, chị công nhân cùng ngâm nga vài câu vọng cổ.
Nếu như công việc nuôi trồng ít thấy sinh hoạt đờn ca thì công việc đánh bắt, từ đánh bắt hải sản xa bờ ngoài khơi đến gần bờ, ngoài những ngư dân ca vọng cổ chay, trên mỗi tàu đánh bắt luôn trang bị một máy radio để nghe thời sự, theo dõi thời tiết và nghe ca vọng cổ nhịp 32. Khá nhiều bài vọng cổ nhịp 32 có nội dung gần gũi tâm lý cuộc sống của ngư dân xa nhà như: Tình người lính biển, Thuyền và biển, Biển gọi, Về quê biển, Bên em là biển, Biển nhớ, Biển đợi, Tình em biển đợi...
Còn ở đất liền, người nông dân đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ và đơn giản hơn, như chày lưới ở sông rạch, giăng câu, lưới trên đồng vào mùa nước nổi (lũ); đến mùa tát mương, tát đìa bắt cá... Mỗi công việc đánh bắt lại khác nhau, có người sống trên ghe, lang thang trên sông rạch để chờ con nước (ròng, lớn) mà đánh bắt, hoặc thả lưới, thả đáy cũng theo con nước. Khi có thời gian rảnh, họ ca vọng cổ để chờ thu hoạch, có khi ở những nơi công việc phổ biến, nhiều người cùng làm thì thời gian rảnh họ nhậu rồi ca vọng cổ. Đây có thể coi như một thói quen hình thành nếp sinh hoạt của họ. Nội dung ca từ vọng cổ nhịp 32 ở đề tài này cũng khá phong phú, có những bài như: Giăng câu, Anh tay lưới em tay chèo, Anh ở đầu sông em cuối sông, Dòng sông quê em, Mùa nước lũ, Xuân về trên vùng lũ, Mưa mùa hạ, Sông quê...
Nhìn chung, thể điệu vọng cổ nhịp 32 có khả năng sử dụng rất rộng, ngoài khả năng ca nhạc và ca kịch (cải lương) chuyên nghiệp, còn là một bài hát dân gian quen thuộc trong sinh hoạt của cộng đồng người dân Nam Bộ. Từ lâu, vọng cổ nhịp 32 có mặt khắp Nam Bộ, khi buồn thì ca để tạo niềm vui, khi vui ca để tăng thêm khí thế, tăng nguồn cảm hứng yêu đời, khi cô đơn không có người thân thì có vọng cổ cùng sẻ chia.
Vọng cổ nhịp 32 có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Nam Bộ. Nó phục vụ đắc lực trong nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống lịch sử, phong tục cưới xin, tang lễ, tiệc tùng, trong lao động sản xuất... Vọng cổ nhịp 32 đã ca ngợi, sẻ chia trên nhiều lĩnh vực bằng nội dung ca từ đặc biệt, phục vụ giải trí thẩm mỹ lành mạnh bằng đặc thù thể loại. Qua đó, hầu hết người dân Nam Bộ đều tự hào, cũng như các nhà nghiên cứu đều cho rằng: “Vọng cổ nhịp 32 đã trở thành máu thịt, hơi thở, tinh thần của người Nam Bộ”.
Tác giả: Đỗ Quốc Dũng
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018