Bờ xe nước trong di sản ảnh

Bờ xe nước là phương tiện “dẫn thủy nhập điền” của cha ông ta thuở xưa, sử dụng guồng nước để tưới những cánh đồng lớn nhỏ ven sông làm gia tăng vụ mùa lúa. Tùy vùng mà có tên gọi khác nhau như cọng nước, máy xe nước, máy tát nước, guồng nước, xe đạp nước, xe gió... Hiện nay, người Mường, Thái ở Thanh Hóa, Hòa Bình còn sử dụng bờ xe nước. Ở các lưu vực sông các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, bờ xe nước đã vắng bóng từ lâu. Nó chỉ còn thấy trong di sản ảnh, tư liệu xưa, bảo tàng, các công trình biên khảo địa chí, văn hóa dân gian của các địa phương.

Xe đạp nước ở Phú Yên 1952

Bờ xe nước ra đời từ mấy thế kỷ trước, có tài liệu ghi nó bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định khoảng giữa thế kỷ XVIII. Khi chưa có các công trình thủy lợi thì bờ xe nước là cứu cánh cho người nông dân trước cái nóng bỏng, khô khát của dải đất miền Trung. Nhờ sức nước, dòng chảy của các con sông, bờ xe nước tự động vận hành suốt ngày đêm, đưa nước vào các kênh mương hai bên bờ, rồi tự chảy vào đồng ruộng. Tùy theo cánh đồng lớn hay nhỏ mà người làm bờ xe nước tính toán vật liệu, công sức để thiết kế, xây dựng. Cánh đồng lớn có thể đặt nhiều guồng, mỗi guồng gồm nhiều bánh xe nước; cánh đồng nhỏ thì bố trí một guồng nước chỉ với một vài bánh xe nước. Sau mùa mưa bão, trong làng cử những thanh niên lực điền lên núi tìm vật liệu về để làm bờ xe nước. Vật liệu làm bờ xe nước chủ yếu là tre kèm theo những loại dây rừng như song mây, dây chặc chìu...Người sáng tạo bờ xe nước phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay để khi vận hành, bánh xe nước không bị lỗi kỹ thuật, quay vòng đều, dùng sức nước đưa nước lên đồng ruộng. Từ năm 1906, người Pháp cũng đã có những nghiên cứu rất sâu về thiết kế độc đáo này. Borel, môt nhân viên trồng trọt phụ trách Trạm Thí nghiệm Quảng Ngãi viết trên tạp chí kinh tế Đông Dương (B.E.L.C) có nhan đề “Ghi chép về guồng xe nước ở tỉnh Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp: Notes sur les norias de la Province de Quảng Ngãi). P.Guilleminet, Chánh sở Dân vụ đã viết một chuyên khảo rất công phu mang tên: “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng nước ở Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp: Une industrie Annamite: Les Norias du Quảng Ngãi). Đây là chuyên luận chi tiết nhất, đầy đủ nhất và mang tính kho học nhất về các guồng xe nước. Vào thời điểm đó họ đã thống kê trên toàn nước ta có khoảng 1.000 guồng/bờ xe nước loại đơn và loại kép. Quảng Ngãi là nơi có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn, tập trung ở sông Vệ và sông Trà. Năm 1960, trên hai dòng sông này có đến 110 bờ xe nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng lúa.

Gần đây, những người yêu di sản ảnh đã sưu tầm, đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bức ảnh, bộ sưu tập ảnh khá thú vị về chủ đề bờ xe nước. Trên các bưu ảnh có những thông tin, ghi dấu rõ ràng với những loại con tem bưu chính, đóng dấu nhật ấn, nơi phát hành, xuất xứ của các bức ảnh... Từ nguồn tư liệu phong phú đó, ta thấy ở khu vực miền Trung và một số địa bàn khác ở nước ta trước đây có rất nhiều bờ xe nước và khá đa dạng về kiểu loại, có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Các nhà nhiếp ảnh tiền bối, nhất là các nhiếp ảnh gia người Pháp đã để lại cho hậu thế bộ sưu tập ảnh về các loại bờ xe nước mang nét đặc trưng của từng địa phương. Đó là các loại bờ xe nước đơn chỉ một bánh xe nước, đặc biệt là loại kép khá qui mô với một loạt bánh xe nước kế tiếp nhau. Loại kép thường tìm thấy ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Lại có loại bờ xe nước không dùng sức nước mà phải dùng sức người để làm chuyển động bánh xe quạt nước vào máng, đưa nước lên đồng ruộng, dân gian gọi là xe đạp nước. 

Năm 1902, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp là Dieulefils đã chụp một số bức ảnh khá đẹp về loại bờ xe nước đơn dùng sức người đạp nước. Loại xe đạp nước này, nhỏ thì hai người đạp, lớn thì có 4-5 người leo lên phía trên để cùng đạp nước. Những bức ảnh này được tác giả chụp ở một con sông xứ Quảng, chú thích địa danh trong các bưu thiếp là Tourane. Năm 1904, cũng nhà nhiếp ảnh này chụp một bức ảnh bờ xe nước loại đơn bố trí liền kề nhau trên một con sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Bức ảnh cho thấy bờ xe nước đang hoạt động, nước chảy vào cái máng và theo các ống tre dài dẫn nước vào đồng ruộng. Có thể đây là những bức ảnh chụp về chủ đề bờ xe nước sớm nhất ở miền Trung nước ta. Nhà nhiếp ảnh Réne Tetard cũng đã để lại trong bộ sưu tập ảnh của mình một bức ảnh khá độc đáo đặt tên là “Máy tát nước”, ảnh chụp trên sông Trà Khúc, Quảng Ngãi vào năm 1921. Bức ảnh chụp khá rõ nét, cho thấy bờ xe nước khá quy mô gồm hơn 10 bánh xe nước to nằm trên một mặt sông rộng lớn. Bức ảnh đã được nhà xuất bản bưu thiếp mang tên Hương Ký (Hà Nội) in và phát hành với số lượng lớn. Ngoài ảnh của nhà nhiếp ảnh Réne Tetard chụp bờ xe nước kép qui mô ở các con sông Quảng Ngãi thì cũng có nhiều tác giả ưu ái, quan tâm đến chủ đề thú vị này. Năm 1934, bà M. Colani được EFEO phái tới khai quật khảo cổ Sa Huỳnh. Năm 1936, trong bài viết đăng trong tạp chí “Những người bạn Huế xưa”, M.Colani lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ “Văn hoá Sa Huỳnh”. Thật thú vị, khi “đi làm khảo cổ” M.Colani cùng với người đồng nghiệp là Jean Yves Claeys - người chủ trì khai quật kinh thành Trà Kiệu - chụp đượ khá nhiều bức ảnh, bộ ảnh về Quảng Ngãi. Ấn tượng nhất là bộ ảnh về bờ xe nước trên sông Trà Khúc, thuyền buồm ở Miền Trung. Nhà nữ khảo cổ đã vẽ (bà cũng vốn là họa sĩ) bằng máy ảnh nhiều bức tranh tuyệt đẹp về bờ xe nước xứ Quảng. Những bức ảnh bờ xe nước Quảng Ngãi của bà được in lên bưu thiếp, lưu trữ ở thư viện, bảo tàng về Đông Dương tại nước Pháp.

Thuyền buồm và bờ xe nước trên sông Trà Khúc, ảnh jean Yves Claeys

Ảnh chụp về chủ đề bờ xe nước ở Quảng Ngãi được các nhà nhiếp ảnh khai thác với nhiều góc độ, bố cục, chi tiết, tạo hình...làm cho người xem cảm nhận vẻ nét đẹp, sự qui mô của những bờ xe nước nơi đây. Trong đó có một bức khá “nên thơ”, ghi lại khoảnh khắc cô gái ở truồng tắm sông rất hồn nhiên và bầy trâu đang chạy nhảy trên dòng sông. Đó là những bức ảnh cũ về bờ xe nước ở Quang Ngãi. Trước năm 1975, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh cũng đã chụp được một số bức ảnh khá ấn tượng về guồng nước trên sông Trà Khúc và có lẽ là người cuối cùng chụp về chủ đề này. Ảnh của ông được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Quảng Ngãi, được giới thiệu trên một số ấn phẩm. Điều đáng chú ý là trong những ảnh tư liệu về bờ xe nước có khá nhiều ảnh chụp về loại “xe đạp nước”. Như bức bưu ảnh chụp xe đạp nước ở Qui Nhơn vào năm 1933 với 3 người nông dân treo lên trên cùng đạp nước. Những ảnh khác chụp các loại xe đạp nước lại nhỏ, có một hoặc hai người tham gia đạp nước. Loại xe đạp nước dùng sức người, “bạn nhà nông” phải phơi nắng dầm sương nên thường có mái che kiên cố hoặc một tấm liếp, tấm mành tre nhỏ hay chiếc dù. Ngoài những bờ xe nước ở miền Trung nêu trên, trong kho tàng di sản ảnh ta con thấy một số bức ảnh chụp bờ xe nước ở miền Bắc, tiêu biểu là bức bưu ảnh (còn tem bưu chính) chụp bờ xe nước đơn, dẫn nước vào một con mương nhỏ, có 3 người nông dân đứng trên bờ, 2 con trâu lội nước sông...

Bờ xe nước sông Trà, Quảng Ngãi, ảnh Nguyễn Ngọc Trinh

Các nhà nhiếp ảnh tiền bối đã để lại trong kho tàng di sản ảnh nhiều bức ảnh có giá trị tư liệu, nghệ thuật về chủ đề bờ xe nước mà thỉnh thoảng ta có thể bắt gặp tại nhà bảo tàng, trưng bày ở các cơ quan, văn phòng, in trên sách, báo, công trình biên bảo địa chí dân gian, trên các trang mạng như Google, Facebook... Ngày nay bờ xe nước không còn hiện diện trong đời sống, canh tác của người nông dân xứ Quảng. Nó được thay bằng đập thủy lợi, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu khắp cánh đồng. Cũng chính vì vậy, những bức ảnh bờ xe nước một thời trong kho tàng di sản ảnh trở thành tư liệu độc đáo và càng có giá trị theo thời gian.

TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;