Trước khi dịch bệnh covid bùng phát, ngành điện ảnh với chuỗi rạp chiếu đã bất ngờ trước sự lớn mạnh của Netflix đe dọa phương thức giải trí truyền thống. Đã từng có các tiếng nói phản đối khi phim được phát trên nền tảng số được tham gia tranh tài tại các Liên hoan Phim. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cho mọi chuyện thay đổi.
Phim Marriage Story
Trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ với những ông chủ hãng lớn đầy quyền lực, những đạo diễn khét tiếng, những rạp chiếu phim nguy nga... luôn cảm thấy khó chịu khi Netflix nhảy vào địa hạt làm phim và cho phát hành phim trên mạng thay vì ra rạp. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa khi Netflix mang phim tham dự các LHP khi chưa chiếu ngoài rạp. Nhiều người nói tới chuỗi rạp chiếu như một điều kiện tiên quyết nơi một bộ phim được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất. Nhưng Netflixđã bỏ qua tất cả và ngày càng chứng minh một xu thế khác khi đẩy mạnh tham vọng tự làm phim để chiếu, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phim từ các hãng phim như trước.
Ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, năm 2019 Netflix đã làm giới làm phim ngỡ ngàng khi sản xuất và phát hành tổng cộng 60 phim truyện mặc dù trước đó họ cũng bỏ tiền làm phim nhưng chưa nhiều. Để hình dung về con số này, một thống kê chỉ rõ cùng năm đó, 3 hãng phim lớn ở Hollywood có tổng số phim được sản xuất chưa bằng một mình Netflix. Cụ thể như Warner Bros. cũng chỉ làm được 21 phim, Hãng Disney có 12 phim, Hãng Universal có 19 phim.
Tuy nhiên, so sánh trên chưa nói lên nhiều khi xét về góc độ doanh thu vì một phim bom tấn của một hãng danh tiếng cũng có thể ăn đứt nhiều phim của Netflix. Nhưng, ở một góc độ khác, với số lượng áp đảo, Netflix dần thu hút được dàn diễn viên nổi tiếng, các đạo diễn xuất sắc chịu làm phim cho mình, người xem phải đăng ký trả tiền hằng tháng cho Netflix nếu muốn thưởng thức phim họ yêu thích.
Và các hãng phim khổng lồ đã phải ghen tị khi Netflix chiếm tổng cộng 24 đề cử cho mùa giải Oscar 2020, nhiều đề cử hơn bất cứ hãng phim nào khác, trong đó có các phim đáng chú ý như The Irishman, Marriage Story, The Two Popes... Cuối cùng họ chiếm được hai giải, nữ diễn viên phụ xuất sắc (phim Marriage Story) và phim tài liệu xuất sắc (American Factory).
Với cách phát hành trực tuyến, cũng rất khó để một bộ phim được Netflix làm có thể tính toán lời lỗ ngay sau đó như các phim phát hành theo kiểu truyền thống. Số liệu cho thấy năm 2019 Netflix bỏ ra 15,3 tỉ USD cho nội dung, kể cả phim tự làm. Tính đến quý 1-2020, Netflix có tới 182 triệu người dùng trả tiền trên khắp thế giới, đáng kể là số người xem từ bên ngoài nước Mỹ lên đến 112 triệu.
Đại dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen xem phim của nhiều người; không còn vào rạp nữa, họ buộc phải sử dụng các dịch vụ coi phim trực tuyến, trong đó Netflix là địa chỉ đầu tiên nhiều người nghĩ đến. Chỉ riêng quý 1-2020, Netflix có thêm 16 triệu người dùng, cao gấp đôi số liệu họ dự báo. Theo báo cáo chính thức của Netflix thì họ đang có lãi: năm 2019 họ thu được 20,1 tỉ USD từ 167 triệu người dùng đăng ký trả tiền, lãi ròng 1,9 tỉ USD.
Thế nhưng dòng tiền luân chuyển lại âm, âm đến 3,3 tỉ USD năm 2019. Tại sao vậy? Họ tiêu tiền thật để sản xuất phim, tiền trả hết ngay cả khi chưa có phim để chiếu nhưng hạch toán thì chậm, có khi chi xong 1 năm sau mới hạch toán.
Điều này cho phép Netfix báo lãi mặc dù chi nhiều hơn thu. Dù sao đại dịch COVID-19 này cũng giúp họ lật ngược tình thế, bắt đầu thu nhiều hơn chi: quý 1 có dòng tiền dương lần đầu tiên dù chỉ là 62 triệu USD.
Những phim làm rồi cứ thế thu tiền mãi mãi từ người xem, trong khi bình quân chỉ cần 4 năm (trình chiếu) là thu hồi đến 90% vốn bỏ ra để sản xuất phim.
Nhìn lại hành trình phát triển của Netflix, mới ngày nào để có phim lưu trên máy chủ cho người xem vào chọn lựa, Netflix phải thương lượng khá vất vả với các hãng phim. Ví dụ năm 2010, họ thương lượng với ba hãng phim lớn gồm Paramount, Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer để người dùng có thể vào xem kho phim của ba hãng này trong một hợp đồng trị giá 1 tỉ USD trong vòng 5 năm.
Đó là với kho phim cũ. Đối với phim mới, sự thương lượng để đi đến một thỏa thuận còn khó hơn nhiều. Họ phải đợi các hãng công chiếu ngoài rạp một thời gian, rồi lại phải chờ cho các hãng làm đĩa DVD hay bán ra thị trường ít nhất 28 ngày mới được đưa phim lên Netflix cho khách xem.
Với các bộ phim nhiều tập ăn khách như Friends, Netflix phải trả đến 100 triệu USD mỗi năm và sau thời gian thỏa thuận phải trả phim về lại hãng sản xuất và không được khai thác tiếp nếu không gia hạn hay có các thỏa thuận mới. Tình thế đó buộc Netflix phải thay đổi để giành thế chủ động. Không chọn cách phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng phim truyền thống, ký các thỏa thuận để khai thác phim trên nền tảng trực tuyến, Netflix tự mình làm phim. Thoạt tiên, họ tổ chức thuê người làm phim rồi đóng nhãn Netflix Original như với bộ phim truyền hình nhiều tập House of Cards vào năm 2013. Thành công của House of Cards dẫn đường cho các series phim đình đám khác được sản xuất như Orange Is the New Black, Daredevil, Jessica Jones, Sense8...
Netflix tuy phát triển sau nhưng với cách chiếu trên mạng, nhiều phim của họ có đến hàng chục triệu người xem như Bird Box, Triple Frontier, The Highwaymen... Với nền tảng là mạng Internet và phát triển các thuê bao cố định Netflix đang dần bỏ xa các hãng truyền thống khi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay các điều kiện khách quan khác.
Trong khi đó các hãng phim truyền thống bị ràng buộc bởi chuyện lời lỗ của từng phim. Gặp hai ba phim thua lỗ là tình hình tài chính của hãng sẽ lâm nguy. Chính vì thế nhiều người dự đoán Netflix sẽ trở thành hãng phim quan trọng, trong tay có đủ nguồn lực và nhân lực để làm phim dài hơi. Nơi này sẽ định hình các tiêu chí cho ngành điện ảnh trong những năm tới, kể cả ở thị trường các nước.
Phim Bird Box
Mặc dù hiện nay Netflix phải cạnh tranh với nhiều nơi có dịch vụ tương tự như Disney+, Apple, Amazon Studios hay HBO Max. Nhưng theo một số dự đoán, Netflix đang ấp ủ các mô hình mới để đi trước đối thủ cạnh tranh như họ từng làm trong quá khứ.
Đó có thể là máy coi phim trong một không gian ảo giúp người xem dù ở nhà nhưng vẫn có trải nghiệm như đang xem phim ở rạp. Đó có thể là hiện thực ảo - một thế giới người xem tương tác với phim, thay đổi số phận của nhân vật, thay đổi nội dung cốt truyện hay ít nhất can thiệp vào cách kết phim.
Netflix cũng có đội ngũ chuyên nghiên cứu thị hiếu, đặc điểm người dùng để có những chính sách riêng cho từng khu vực. Những đặc điểm này thường được đưa ra trên bàn đàm phán giá thuê trọn gói của Netflix với các hãng phim. Từ đó Netflix mới có danh sách các phim khác nhau cho các thị trường khác nhau. Việc biên soạn danh sách này cũng do mục đích doanh thu của Netflix, vì những thị trường nhỏ thì thường kho phim để chiếu cũng không nhiều do vướng các thỏa thuận về bản quyền phim với các hãng.
Nhưng với loại phim tự sản xuất (Netflix Originals), để thu hút khách mới, Netflix mới mở hết cho mọi thị trường, xem đó là điểm mạnh để quảng cáo. Với thế mạnh của mình, có dự báo cho rằng với đà phát triển này, tương lai của Netflix sẽ là tương lai của điện ảnh.
MY LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022