PGS, TS Phạm Văn Tình tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” - ảnh: Tuấn Minh
1. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản từ năm 1973. Đến nay (2023), Tạp chí đã trải qua 50 năm hoạt động. Nửa thế kỷ trôi qua, Tạp chí cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh để có một diễn đàn văn hóa nghệ thuật đúng nghĩa. Đây cũng là một trong số ít những tờ báo tôi theo dõi và cộng tác. Cũng bởi quỹ thời gian có hạn, tôi chỉ có thể quan tâm tới vùng thông tin tri thức liên quan tới công việc, sở thích và khả năng viết bài theo năng lực mình có. Văn hóa Nghệ thuật là tạp chí rất đáng đọc với một người nghiên cứu về Việt Nam học, nói khác đi là Đất nước học (1). Tôi thường xuyên đọc Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật để trau dồi kiến thức, phục vụ cho sự nghiệp hiện nay của mình.
Tôi nhận thấy Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đang ngày càng đi theo hướng nghiên cứu đúng như tên gọi (và cũng là chức năng, tôn chỉ, mục đích) của báo. Tất cả các bài viết đều xoay quanh 2 mặt phản ánh: văn hóa và nghệ thuật. Theo dõi 9 số tạp chí trong 9 tháng của năm 2023 (các số 521, 524, 527, 530, 533, 536, 539, 542, 545), tôi thấy:
Tổng số bài viết: 263 bài, trong đó: bài viết trong mục Văn hóa: 130 bài; trong mục Nghệ thuật: 61 bài; trong mục Thông tin: 72 bài.
Như thế, bài viết về lĩnh vực Văn hóa vẫn trội hơn. Riêng trong năm qua, kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) nên số bài nghiên cứu xung quanh sự kiện này chiếm một số lượng đáng kể (trên 20 bài). Còn lại là các bài viết về: tư tưởng Hồ Chí Minh (với sự phát triển văn hóa dân tộc), tín ngưỡng dân gian, phong tục lễ hội truyền thống, di sản văn hóa vật thể - phi vật thể, văn hóa nho giáo Việt Nam, văn hóa Đảng, văn hóa du lịch, văn hóa Làng nghề, văn hóa Mạng... khá đa dạng, phong phú hấp dẫn. Tạp chí cũng đã thể hiện một maket trình bày (bìa và ruột) hợp lý, đẹp về mặt kỹ thuật - mỹ thuật, được in trên giấy tốt. Có thể nói, đó là một sự cố gắng lớn của Hội đồng Biên tập, Ban Lãnh đạo và các cán bộ của Tạp chí, trong tình hình báo in ngày càng bị thu hẹp về nhiều mặt.
2. Tôi xin có một vài ý kiến trao đổi nhỏ, chỉ liên quan tới mảng Văn hóa của Tạp chí (theo tư liệu khảo sát 9 số tôi vừa đề cập).
Nếu nói một cách “nôm na”, văn hóa là những gì làm nên hồn cốt của một dân tộc. Đó là những vấn đề mà đề cập tới các mặt lịch sử, tư duy dân tộc, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, ngôn ngữ. Nói ngắn gọn là Quốc Sử, Quốc Văn, Quốc Ngữ (quả là rộng thật).
Theo nội dung này, mảng lịch sử của Tạp chí được nghiên cứu nhiều (tôn giáo tín ngưỡng, di sản vật thể, khảo cổ… cũng được coi là biểu hiện của lịch sử). Mảng văn học (qua các tác phẩm phản ánh cuộc sống, con người Việt Nam) chưa được giới thiệu nhiều. Mảng ngôn ngữ gần như vắng bóng. Nói cho đúng, các bài viết liên quan tới từ ngữ (từ nguyên, lịch sử hình thành và phát triển) cũng có nhưng lại được đưa vào mục Thông tin (có phải vì ngắn và đề cập tới một vài từ cụ thể?).
Theo tôi, mảng ngôn ngữ (tiếng Việt và các vấn đề liên quan) cần có nguồn bài nhiều hơn, đa dạng hơn, đúng chủ đề hơn. Nói như vậy, không phải vì tôi là người chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, mà thực tế “Văn ngữ bất phân”, qua ngôn ngữ ta sẽ nhìn ra văn học và nhiều vấn đề văn hóa dân tộc. Tôi lấy ví dụ, chỉ riêng mảng thành ngữ, tục ngữ thôi ta có thể khai thác được nhiều vấn đề. Đã và đang giảng dạy cho sinh viên Ngữ văn, tôi thấy nhiều sinh viên hiện tại không hiểu hoặc hiểu không sâu rất nhiều thành ngữ, tục ngữ liên quan tới con người Việt Nam, đặc biệt là người nông dân và nông thôn. Chẳng hạn, như tục ngữ về thời tiết, canh tác, công việc ruộng đồng: Vàng gió đỏ mưa; Vỡ cày thì mưa, vỡ bừa thì nắng; Cao táp rạp mưa; Đội mũ sớm mai, thắt đai chiều tối; Sáng sủa tốt tằm, tối tăm tốt lúa; Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau; Chiêm bóc vỏ, mùa xỏ tay; Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng; Chuối sau cau trước…; Các câu tục ngữ liên quan tới Ẩm thực: Gà lọt dậu, chó sáu bát; Chim gà, cá gáy, cây cau, rau cải, nhân ngãi vợ, đầy tớ con; Cau phơi tái, gái đoạn tang, Tôm mùa hạ, cá mùa đông; Cần tái cải nhừ…; Các câu thành ngữ, tục ngữ liên quan tới phong tục tập quán: Cha đưa mẹ đón; Gái thụt hai, trai thụt một; Gái thương chồng đương đông buổi chợ…; Nói trộm vía; Nói của đáng tội; Nói có bóng đèn; Nói khí vô phép... Đây chính là nội dung chuyên mục “Tìm trong Di sản”.
Rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ mà người Việt đã nghe nhưng không dễ giải thích hoặc giải thích ngọn ngành, đến nơi đến chốn. Cũng bởi, để giải mã ngữ nghĩa đích thực của mỗi câu, ta phải truy tìm, truy cứu nhiều sách vở, nhiều từ điển, điển cố và điển tích liên quan tới folklore thì mới có cơ hội tìm được gốc gác, căn nguyên. Mỗi bài viết về ngôn ngữ dân gian là một chủ đề tri thức liên quan đến văn hóa.
Trong xu hướng hội nhập và hòa nhập hiện nay, đã có một số lượng không nhỏ từ ngữ tiếng nước ngoài (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga…) được “nhập tịch” vào tiếng Việt. Thiết tưởng, Tạp chí cũng nên có chuyên mục nhỏ “Từ ngoại lai trong tiếng Việt” để nghiên cứu, làm rõ hơn bức tranh tiếng Việt hiện nay.
Đó chỉ là một vài góp ý nho nhỏ, nhằm góp phần tăng thêm “chất văn hóa” cho Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật trong quãng đường phát triển tới.
_______________
1. Trung tâm Việt Nam học định hướng và đi sâu nghiên cứu Đất nước học theo các chuyên ngành cụ thể, như Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Văn học, Sử học, Xã hội học, Văn hóa học, Tôn giáo học…
PGS, TS. PHẠM VĂN TÌNH
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học
_______________
Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023