Điện ảnh Quân đội nhân dân - Sau một mùa vàng

Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn là một lần để Điện ảnh Quân đội nhìn nhận đánh giá chất lượng nghệ thuật những bộ phim đã sản xuất trong khoảng thời gian hai năm, từ đó định hướng tiếp cho những bước đi sắp tới. Tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Điện ảnh Quân đội đã vinh dự đạt được một giải Bông sen Vàng, một giải Bông Sen Bạc và 2 giải thưởng cá nhân. Thành tích này được coi là động lực để những người nghệ sĩ, chiến sĩ tiếp tục cố gắng trên chặng đường nghệ thuật sắp tới.

Phim khoa học Nghiên cứu về ứng dụng chữa cháy đoạt giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII

Trong 12 bộ phim được lựa chọn tranh giải tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII của Điện ảnh QĐND có 9 phim tài liệu, 3 phim khoa học, trong đó có 4 phim tài liệu về đề tài chiến tranh. Luôn là hãng phim đi đầu trong sản xuất phim tài liệu về đề tài chiến tranh, 4 phim tài liệu lần này đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những khía cạnh mới. Đó là những ký ức suy tư về chiến dịch Khe Sanh qua lăng kính một thanh niên trẻ thế kỷ 21 trong phim Trở về Khe Sanh. Là khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong phim Bầu trời của hòa bình. Phim Hóa giải đề cập đến cuộc hội ngộ của những phi công Việt Nam và Hoa Kỳ từng tham gia chiến tranh; từ đó thể hiện sự đúng đắn của việc hóa giải hận thù, xây dựng hòa bình của những người lính hai bên, rộng hơn là của hai dân tộc. Phim Khát vọng thiên thanh ca ngợi thế hệ phi công có khát vọng chiến đấu mãnh liệt bảo vệ bình yên cho bầu trời Việt Nam, mà họ gọi tên là “Khát vọng thiên thanh”.

Về đề tài Thương binh, liệt sĩ và Hậu chiến, Điện ảnh Quân đội có hai tác phẩm đặc sắc. Phim tài liệu Niềm tin kể về trường hợp đặc biệt của quân nhân Đặng Thành Tuấn ở Bình Định - học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã viết tâm thư bằng máu để xin ra trận rồi hy sinh. Chiến tranh kết thúc, giấy tờ thất lạc, hơn nửa thế kỷ qua, gia đình, các cán bộ chính sách, các tình nguyện viên vẫn đi tìm đồng đội của ông cũng như các thông tin liên quan để chứng minh sự hy sinh của thân nhân mình. Từ đó khẳng định niềm tin vững chắc vào những phẩm chất cao đẹp của người lính, niềm tin rằng Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta không bao giờ quên những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

 Phim Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ

Phim Suối nguồn lại thành công trong việc xây dựng hình tượng người lính vẫn vẹn nguyên những phẩm chất cao quý sau khi rời quân ngũ. Phim kể về một cựu chiến binh sau khi xuất ngũ đã dành hơn ba thập kỷ cần mẫn xây dựng những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Với thời lượng chưa đầy 30 phút, bộ phim khắc sâu những giá trị cao quý của người lính: Sự hy sinh, tình yêu thương đối với nhân dân và con trẻ, tính kỷ luật, ý chí và cả sự nghiêm khắc. 

Với đề tài về người lính hôm nay, Điện ảnh Quân đội có hai bộ phim mang hai sắc thái khác nhau. Phim Thanh âm đại ngàn đi sâu phản ánh người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Người lính trong phim không chỉ mạnh mẽ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà đã hòa nhịp cùng người dân Tây Nguyên phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng. Với ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là âm thanh cồng chiêng, ê kíp làm phim đã khai thác âm thanh cồng chiêng trên nhiều góc độ, ở nhiều không gian, đưa khán giả đến với một bữa tiệc âm thanh phong phú. Bên cạnh những sáng tạo về thủ pháp làm phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hậu kỳ, hòa âm hiện đại. Công nghệ hòa âm và thủ pháp hoà âm của kỹ sư âm thanh trong phim này đã nâng chất lượng nghệ thuật của bộ phim lên.

Nghiên cứu về ứng dụng trong công nghệ chữa cháy là phim khoa học nhưng tính ứng dụng và tính thời sự của tác phẩm lại rất cao, nhất là trong thời điểm các vụ cháy nổ ngoài xã hội đang xảy ra ngày một nhiều

Trong phim Thép trong lòng biển sâu, hình ảnh người lính mạnh mẽ và dạn dày bản lĩnh khi trải qua biết bao gian khổ, khó khăn. Phim nói về lực lượng tàu ngầm của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực lượng mới, hiện đại. Khi xem phim, khán giả thấy rõ những gian khổ mà người lính trải qua khi huấn luyện làm chủ tàu ngầm; những phẩm chất cao quý mà họ đã rèn luyện qua từng ngày: Đoàn kết, Trung thành, Bí mật, Kỷ luật. Phim cũng đề cập đến thế giới tinh thần của người lính tàu ngầm, những suy tư về khát vọng làm chủ tàu ngầm, làm chủ đại dương, tiếp bước tiền nhân đưa ý chí bảo vệ Tổ quốc vào trong lòng biển. Đây là bộ phim đột phá về mặt đề tài, khai thác sâu nội dung về lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và cũng bí ẩn nhất của Quân đội. Để phục vụ cho công tác tiền kỳ, phim đã sử dụng các thiết bị ghi hình tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có cả các thiết bị ghi hình dưới nước và rất nhiều thiết bị chuyên dụng của điện ảnh.

Ba bộ phim khoa học đề cập đến những vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay. Phim Bốn tại chỗ trong phòng chống bão lũ phân tích sâu về phương châm “Bốn tại chỗ” ứng dụng trong phòng chống bão lũ. Phim Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy được hoàn thành đúng thời điểm đất nước ta xảy ra những vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại, vấn đề phòng, chữa cháy được toàn xã hội quan tâm. Với chủ đề nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy, bộ phim đã đặt ra một góc nhìn trúng, đúng, cần thiết đối với công tác phòng - chữa cháy. Phim phân tích nguyên lý, thiết kế và xu hướng ứng dụng của 3 sản phẩm chữa cháy do nhà máy Z113 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế, chế tạo. Các sản phẩm này có thể khắc phục những hạn chế của các phương pháp chữa cháy hiện nay. 

Thép trong lòng biển sâu đã sử dụng các thiết bị ghi hình tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có cả các thiết bị ghi hình dưới nước và rất nhiều thiết bị chuyên dụng của điện ảnh

Phim khoa học Sinh tồn đề cập đến một giáo trình rất riêng, rất độc đáo của Quân đội. Đó là giáo trình dạy cho người lính cách duy trì sự sống khi bị lạc trên đảo nhiệt đới không người. Trong phim, những người lính đặc công đã thực hiện một cuộc diễn tập trên đảo nhiệt đới, thực hành đầy đủ các bước của giáo trình. Bằng những góc quay, chuyển động máy và những khuôn hình đậm chất điện ảnh, Sinh tồn đem lại nhiều ấn tượng mới lạ cho khán giả thông qua những chuyển động độc đáo của máy quay.

Giải Bông sen Vàng đã được trao cho phim Khoa học Nghiên cứu về Ứng dụng công nghệ trong chữa cháy, giải Bông sen Bạc được trao cho phim tài liệu Bầu trời của hòa bình. Giải Quay phim xuất sắc nhất được trao tặng cho nhóm tác giả Vũ Trọng Quảng - Nguyễn Bảo Khánh - Nguyễn Ngọc Sơn với phim Khoa học Sinh tồn. Kỹ sư âm thanh Chu Đức Thắng - Đào Thị Hằng vinh dự nhận giải thưởng Âm thanh xuất sắc nhất với phim Tài liệu Thép trong lòng biển sâu

Thượng tá Nguyễn Thu Dung Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân

 Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân chia sẻ: “Những giải thưởng này cho thấy, Điện ảnh Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, góp phần đưa hình ảnh người lính đến với đông đảo khán giả và nhân dân. Các tác phẩm sau hai năm lao động nghệ thuật miệt mài, vượt qua mọi khó khăn thử thách của các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân đã được khán giả, đồng nghiệp ghi nhận. Thành tích này sẽ là động lực để những người nghệ sĩ, chiến sĩ bước tiếp trên chặng đường nghệ thuật sắp tới”.

 Phim khoa học Sinh tồn đề cập đến một giáo trình rất riêng, rất độc đáo của Quân đội

 Chia sẻ về những về những định hướng sáng tác sắp tới của Điện ảnh Quân đội nhân dân, Thượng tá Nguyễn Thu Dung cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác các đề tài chiến tranh cách mạng đặc biệt là hình ảnh người lính hôm nay. Đồng thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất năm 2024 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, dự án phim truyện điện ảnh Mưa đỏ của Điện ảnh Quân đội nhân dân được Bộ Quốc Phòng quan tâm đầu tư hướng đến Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả cả nước. Trước những yêu cầu đổi mới cấp thiết của nghệ thuật điện ảnh trong thời đại mới, các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng những chiến lược, phương thức để tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả, tìm tòi những đề tài tiếp cận khán giả trẻ. Và khi những người lính nói riêng và khán giả nói chung tìm đến với những tác phẩm của các nghệ sĩ điện ảnh Quân đội hôm nay, cùng khám phá, sẻ chia và đồng cảm, thì điều đó cũng góp phần khẳng định sự phát triển của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh quân đội, đã phát huy và tô đẹp thêm những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần mà các thế hệ nghệ sĩ đi trước từng dày công vun đắp”.

Các kỹ sư âm thanh của Điện ảnh Quân đội dành rất nhiều công phu chăm chút cho âm thanh của phim Thanh âm đại ngàn bằng hệ thống công nghệ âm thanh 5.1

LÊ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;