Tháng Ba - Mùa Cúng Đất

Mùa Xuân ở quê tôi không chỉ có hoa thơm cỏ biếc, những cơn gió nhẹ nhàng ru lòng người mà còn có một nét văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc: Tục cúng đất. Khi tháng Giêng vừa khép lại với những dư âm của Tết Nguyên đán, tháng Hai, tháng Ba lại rộn ràng những nghi lễ tri ân các vị thần cai quản đất đai. Từ đầu làng đến cuối xóm, làn khói hương lan tỏa đã tạo nên một bức tranh văn hóa đẹp đẽ mà ai đi xa cũng nhớ về.

Bàn cúng đất ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng

Người xưa có câu: “Cúng đất, chất rơm, quảy cơm luôn thể”. Lễ cúng đất không chỉ là một nghi thức mà còn là dịp để người dân quê tôi quây quần, cùng nhau tưởng nhớ và tạ ơn các vị thần đã che chở, bảo hộ cho cuộc sống yên ấm. Tục cúng đất bắt nguồn từ thuở cha ông đi khai hoang lập nghiệp, khi người Đại Việt đặt chân đến những vùng đất mới, được các vị Thổ thần và linh hồn của những cư dân bản địa - đặc biệt là người Chăm, người Cơ Tu - phù hộ, giúp đỡ. Tấm lòng tri ân ấy truyền từ đời này sang đời khác, để rồi hôm nay, mỗi năm khi tháng Ba về, tục lệ ấy lại được gìn giữ và thực hiện một cách trang trọng.

Bàn thờ cúng đất - Nơi linh thiêng gửi gắm lòng thành

Không phải ở đâu cũng cúng đất giống nhau. Ở xứ Quảng quê tôi, người ta bày hai bàn cúng: một bàn dâng lên Thần Hoàng Bổn Xứ - vị thần trông coi cả một vùng đất và một bàn khác dành cho Hội đồng chư vị thần linh cùng các vong hồn không nơi nương tựa. Xứ Huế lại lập đến ba bàn cúng. Song dù hai hay ba bàn thì tất cả đều thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với những thế lực siêu nhiên đã âm thầm bảo vệ cuộc sống con người.

Bỏ thức ăn vào “xà léc”

Bàn cúng đất thường được đặt ngay trước sân nhà, nơi trang trọng nhất, để gia chủ có thể đứng trong nhà mà khấn vọng ra ngoài. Trên bàn thờ không thể thiếu chân đèn, nồi hương, chén nước. Các phẩm vật dâng cúng cũng rất đầy đủ: xôi, chè, thịt heo, gà luộc, cá chiên, bánh tráng nướng... Có nhà còn chuẩn bị thêm những món dân dã như khoai, sắn, trứng gà luộc, một bát cháo trắng để cúng những linh hồn bơ vơ. Mỗi mâm cúng đều có đĩa trầu cau, chén rượu trắng - những lễ vật tuy giản dị nhưng thấm đượm tấm lòng thành kính.

Đặc biệt, tục cúng đất ở quê tôi không thể thiếu bộ đồ thần. Đây là những bộ trang phục giấy tượng trưng cho các vị thần linh. Người khá gỉả thì mua bộ đồ thần đắt tiền, kẻ nghèo thì mua bộ rẻ hơn nhưng quan trọng nhất vẫn là lòng thành. Khi khói hương quyện vào không gian, những lời khấn vái vang lên, cả làng như chìm trong sự linh thiêng, thành kính của nghi thức cúng bái cổ truyền.

Xà léc - Biểu tượng của sự sẻ chia và truyền thống văn hóa

Sau khi nghi lễ hoàn tất, gia chủ không quên chuẩn bị một chiếc “xà léc” - một túi đựng đồ ăn được làm bằng bẹ chuối, treo ở ngã ba đường. Xà léc không chỉ đơn thuần là phần lễ vật dành cho các vong hồn không người thờ cúng mà còn là biểu tượng của một truyền thống nhân văn, thể hiện lòng thương xót đối với những linh hồn lạc lõng. Người già kể rằng, tục treo xà léc có liên quan đến truyền thuyết về Nguyễn Thị Thúc - một cô gái hoàng tộc bị gả cho một người dân tộc thiểu số. Khi mất đi, bà được phong thần, bảo hộ cho vùng đất phía Nam và dân gian tin rằng, những phần thực phẩm trong xà léc chính là dành cho những linh hồn bị khiếm khuyết, không thể tự mình đến dự lễ cúng đất.

Ngày còn nhỏ, chúng tôi - lũ trẻ nghịch ngợm - thường mon men đến những ngã ba đường, tò mò nhìn những chiếc xà léc lủng lẳng. Đứa gan dạ hơn thì rón rén gỡ xuống, chia nhau nhấm nháp chút khoai, chút trứng, rồi chạy về nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dù trong lòng có chút lo sợ bị “thần quở” nhưng những ký ức ấy đã trở thành một phần của tuổi thơ, một phần của những ngày tháng Ba khi mùa cúng đất lại về.

Kết thúc nghi lễ - Tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt

Sau khi hương gần tàn, gia chủ rót nước chè cúng lần cuối, rồi cẩn thận đốt vàng mã trong một chiếc thùng sắt, tránh để giấy tiền rơi xuống đất mà làm ô uế lễ vật. Khi mọi nghi thức hoàn tất, mâm cúng được hạ xuống, không phải để dọn dẹp mà để mời bà con hàng xóm cùng chung vui. Bởi lẽ, cúng đất không chỉ là để tri ân thần linh mà còn là dịp để người trong làng gắn kết với nhau. Họ ngồi lại, chén rượu đầy vơi, câu chuyện râm ran về một năm làm ăn, về những điều mong ước cho mùa mới.

Treo xá lét nơi ngã ba đường cái

Cứ thế, mùa cúng đất trôi qua trong không khí vừa trang nghiêm, vừa ấm áp tình người. Dù cuộc sống hiện đại có thay đổi thế nào, dù phố xá có đông đúc hơn, xứ Quảng quê tôi vẫn giữ vẹn nguyên phong tục này. Đó không chỉ là một nghi lễ mà là cả một nếp sống, một truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn tâm linh, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tiền nhân và những thế lực vô hình đã che chở con người.

Mỗi năm, khi tháng Ba chạm ngõ, lòng tôi lại xốn xang nhớ về những ngày thơ bé, nhớ về mùi khói hương lan tỏa trong gió xuân, nhớ về những buổi chiều cả làng quây quần bên mâm cúng. Tháng Ba - mùa cúng đất - không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một phần ký ức, một phần hồn quê mà ai xa xứ cũng mang theo trong lòng.

Bài và ảnh: TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

 

;