Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Đồng Tháp nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành thành viên, cùng sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, đã tạo nên nhiều khởi sắc mới.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn chú trọng, chỉ đạo sâu sát việc triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào tại cơ sở, đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa được đổi mới, đúng thực chất, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình dịch COVID-19. Hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ngày càng đi vào chiều sâu thông qua hệ thống thông tin đại chúng, thiết chế văn hóa, các kênh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tốt hiệu quả, thích ứng an toàn, phù hợp với tình hình thực tế phòng, chống dịch COVID-19. Phong trào tiếp tục gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác.... đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến được triển khai, nhân rộng, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ vững phát triển kinh tế - xã hội.
Phong trào đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo” tiếp tục được quan tâm thực hiện, tiêu biểu là các chương trình, dự án được triển khai của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân… công tác vận động xây dựng quỹ Vì người nghèo; quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Nhân đạo từ thiện và hỗ trợ khó khăn. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo 2,73% giảm còn 1,86% (tỷ lệ giảm 0,87% trên tổng số hộ dân). Năm 2021 dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5% từ 1,86% đầu năm xuống còn 1,36% theo chuẩn Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2021 dự kiến tăng 1,02 lần so với năm 2020 (cuối năm 2020 là hơn 1,4 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, Quỹ phòng, chống COVID - 19 và Quỹ Vắc xin tỉnh Đồng Tháp rất được ủng hộ. Tính đến ngày 26/11/2021, đã thu được trên 81 tỷ đồng (trong đó, tiền mặt là trên 54 tỷ, hiện vật quy đổi thành tiền là trên 27 tỷ đồng), nhờ đó đã hỗ trợ trên 20,5 tỷ đồng cho hơn 30.600 lượt gia đình chính sách, đối tượng người có công với cách mạng; vận động, tiếp nhận và hỗ trợ trao 150.800 suất quà, trị giá trên 50,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người về từ các tỉnh, thành phố khác, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan; quy ước khóm, ấp... được Ban Chỉ đạo phong trào các cấp thường xuyên quan tâm, đổi mới về nội dung và hình thức. Đã có sự kết hợp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều mô hình về bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo trật tự - an toàn xã hội phát huy hiệu quả thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phát huy tốt vai trò hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích xảy ra tại địa bàn (trong năm 2021, các tổ Hòa giải đã đưa ra hòa giải 2.447 vụ, hòa giải thành 2.036 vụ, đạt tỷ lệ 83,2 % so với tổng số vụ đưa ra hòa giải)... Việc xây dựng môi trường văn hóa được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện như phát huy Quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện Quy ước khóm, ấp (hiện 698 khóm, ấp trên toàn tỉnh đều có Quy ước khóm, ấp được phê duyệt, trong đó có 391 Quy ước được xây dựng mới và 307 Quy ước được sửa đổi, bổ sung)... Về các thiết chế văn hóa - thể thao, toàn tỉnh hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 143 phòng đọc sách xã, phường, thị trấn, 122 tủ sách khuyến học, 30 điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 2 thư viện tư nhân (thư viện Container tư nhân tại huyện Tháp Mười, thư viện Ba Tấn ở thành phố Sa Đéc); có 93/115 xã có TTVH-HTCĐ được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 21 TTVH-HTCĐ sử dụng chung hội trường UBND xã để hoạt động, hoặc sử dụng chung với TTVH-TT huyện; 316 Nhà văn hóa ấp xây mới, 10 Nhà Văn hóa được cải tạo, nâng cấp, 39 Nhà văn hóa liên ấp (80 ấp), 41 ấp sinh hoạt chung với TTVH-HTCĐ, 106 Nhà văn hóa sử dụng trụ sở Ban nhân dân ấp, 20 ấp còn lại sử dụng các thiết chế văn hóa khác để hoạt động. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 698/698 Quy ước khóm, ấp được phê duyệt, đúng quy trình soạn thảo, thẩm định và công nhận (tỷ lệ 100%); hoạt động cưới, tang và lễ hội trong tỉnh được tổ chức theo hướng đơn giản, giảm quy mô, giảm các thủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ và đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa đạt nhiều kết quả cụ thể như: có 350.178/375.292 gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,31% (tăng 0,80% so với năm 2020), trong đó có 292.850 hộ gia đình đạt chuẩn 3 năm liên tục (tỷ lệ 83,63%); có 519/522 ấp được công nhận Ấp văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 99,43%; 100/101 khóm được công nhận Khóm văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 99,01%. Về Xã văn hóa nông thôn mới, Phường, thị trấn văn minh đô thị, có 101/104 xã được công nhận Xã văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 97,12%; 21/21 được công nhận phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 100%; 100% xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Xã văn hóa nông thôn mới đạt chuẩn 2 năm lần đầu. Đa số các địa phương đã hoàn thành công nhận lại 5 năm; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ” vĩ đại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập để nâng cao sức khỏe, thể chất. Có 1.354 câu lạc bộ (CLB) thể thao cơ sở được thành lập tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học (tăng 12 CLB cơ sở so với năm 2020).
Nhiều phong trào, cuộc vận động, cuộc thi, hội thi về học tập, lao động sáng tạo được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh phát động, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia (Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc lần IV hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam năm 2021; cuộc vận động Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; cuộc vận động xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; cuộc vận động Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo, có 15.532 /12.000 ý tưởng, giải pháp, sáng kiến do thanh thiếu nhi hiến kế và có và có 173 ý tưởng được triển khai thực hiện hiệu quả; thành lập Không gian sách dành cho thiếu nhi tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Tỉnh với hơn 200 đầu sách...).
Phong trào xây dựng Người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến được triển khai rộng khắp; nhiều gương Người tốt, việc tốt được biểu dương khen thưởng; các mô hình, điển hình tiên tiến tiếp tục được xây dựng và nhân rộng, tiêu biểu là các phong trào, mô hình như: Gia đình chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới của Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (đây là mô hình mới, toàn tỉnh đã có trên 8.502/12.447 Tổ Nhân dân tự quản hoạt động vì cộng đồng thực hiện các nội dung, phần việc cấp thiết tại cộng đồng dân cư, duy trì hoạt động thường xuyên hàng tháng, tập trung vào việc chỉnh trang cảnh quang môi trường, thực hành vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, xây dựng hạ tầng nông thôn,... tại các địa phương góp phần hoàn thiện các tiêu chí tại các xã, huyện đang thực hiện nông thôn mới năm 2021 và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với các xã, huyện đã đạt)... Nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống camera an ninh, tuyên truyền phòng, chống tội phạm bằng loa lưu động, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng... Còn có thể kể đến phong trào Nghìn việc tốt, mô hình Người Em của Đoàn, Ngân hàng thiết bị học tập Cụm tuyến dân cư xanh - an toàn, Biến bãi rác thành vườn hoa, Mỗi tuần 1 điểm đến và Một góc quê hương, Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh niên tình nguyện hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án: Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025; Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp…
Trọng tâm nhiệm vụ năm 2022 là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án của tỉnh; phát huy vai trò chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp; nghiêm túc tổ chức đánh giá và công nhận các danh hiệu văn hóa đúng thực chất, phản ánh được kết quả thực hiện; lấy lợi ích thiết thực và đời sống vật chất, tinh thần của người dân làm thước đo hiệu quả của phong trào; nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn các địa phương thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, Văn hóa trong xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện phong trào, hỗ trợ các địa phương phát huy những mặt làm được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; kịp thời tổ chức biểu dương khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào để nhân rộng mô hình. Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu: Gia đình đạt chuẩn văn hóa 89%; Ấp văn hóa nông thôn mới 94%; Khóm văn minh đô thị 82%; Phường, thị trấn văn minh đô thị 82%; Xã văn hóa nông thôn mới 94%; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 93%; Giảm vụ việc bạo lực gia đình 15%...
TRẦN THẮNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022