Trào lưu văn hóa Hàn Quốc - Hallyu xâm nhập thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1997, 1998 - cũng chính là năm mà những đứa trẻ đầu tiên của thế hệ GenZ được sinh ra. Có thể nói, họ là những khán giả trẻ tuổi nhất tiếp nhận (hoặc chính xác hơn là “bị” tiếp nhận bởi những người lớn trong gia đình) văn hóa Hàn Quốc thông qua sản phẩm phim truyền hình và các bản nhạc phim được chiếu trên mọi kênh truyền hình thời đó; và đại bộ phận thế hệ được “thẩm thấu” văn hóa Hàn Quốc từ bé thì có lẽ văn hóa Hàn Quốc đã ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống, tư duy, hành động của nhiều bạn trẻ. Bài viết tập trung tìm hiểu vai trò thúc đẩy sự bùng nổ làn sóng Hallyu của thế hệ GenZ qua một số lĩnh vực: giải trí, phong cách sống và giáo dục, đào tạo ngoại ngữ…
1. GenZ và sự thúc đẩy bùng nổ của Hallyu
Xét về mặt giải trí, Hallyu mang lại tác động không nhỏ đến giới trẻ toàn cầu - thế hệ mà hiện nay thường được nhắc đến với thuật ngữ “GenZ” (sinh năm từ 1995-2012).
Với sự bùng nổ như vũ bão của K-pop cụ thể là những cái tên đang khiến thế giới phải dõi theo như BTS, BlackPink, TWICE… ta có thể thấy K-pop đang hiện diện ở khắp mọi nơi, từ Hàn Quốc lan tỏa ra toàn thế giới, từ các sân khấu âm nhạc đến các quán cà phê, từ phố lớn vào ngõ nhỏ. Ta thấy “Jungkook (thành viên BTS) diễn ở World Cup… BlackPink tham gia Coachella” (1). Điều mà chỉ 10 năm trước tưởng chừng chỉ là một giấc mơ xa vời; TWICE chính thức trở thành nhóm nhạc nữ K-pop đầu tiên cán mốc 1 triệu bản album tại Mỹ (2) (số liệu vào tháng 6-2023); Lisa (thành viên BlackPink) trở thành ngôi sao K-pop đạt nhiều kỷ lục Guinness thế giới nhất (3) - 7 kỷ lục... Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ, sự “đẩy” tích cực của công ty quản lý, sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc để làn sóng Hàn có thể vươn xa thì một yếu tố quan trọng không kém, thúc đẩy sự thành công của K-pop chính là nhờ những người hâm mộ GenZ. Có thể thấy rõ nhất ở cách mà cộng đồng người hâm mộ K-pop trẻ thời đại mới này tiếp nhận và quảng bá cho thần tượng.
Với loạt nền tảng OTT như YouTube, Spotify, Apple, Amazon, Disney+, Netflix, TikTok... sức “tiêu thụ” các nội dung Hàn Quốc, trong đó có K-pop của giới trẻ thời đại kỹ thuật số càng vượt bậc so với thế hệ trước. Bởi GenZ là thế hệ sinh ra đã được sống trong môi trường kỹ thuật số hiện đại, khả năng thích nghi và sử dụng công nghệ nhanh nhạy, đặc biệt là khả năng bắt “xu hướng” tốt hơn tất cả các thế hệ trước. Thậm chí, chính những nền tảng giải trí phải chạy theo, phục vụ nhu cầu của GenZ.
Bên cạnh đó, sức nặng việc thỏa mãn thị hiếu của GenZ cũng rất quan trọng với các công ty giải trí, các nghệ sĩ K-pop. Trong một lần trò chuyện cùng Chủ tịch Bang Shi Hyuk của HYBE - công ty chủ quản của BTS - khi ông sang Việt Nam tìm kiếm tài năng Việt, vị Chủ tịch này đã chia sẻ về tầm quan trọng của thế hệ người hâm mộ GenZ với chúng tôi. Họ được xem là những Marketer tích cực nhất, mạnh mẽ nhất mà nghệ sĩ K-pop có được. Họ không chỉ là khách hàng tiêu thụ sản phẩm/ nội dung K-pop mà còn quảng bá các hoạt động, sản phẩm của thần tượng họ tốt hơn bất kỳ chiến dịch PR nào mà công ty đưa ra. Đi theo sự thay đổi của xã hội và thời đại, GenZ so với những lớp trẻ trước tự do, tự chủ hơn, sáng tạo không ngừng nghỉ, đôi khi có những ý kiến điên rồ nhưng nhiều trong số đó lại khá thành công.
Hiện nay, khi mà nền tảng video ngắn phát triển như vũ bão thì việc sáng tạo nội dung số không còn là của những người làm nghệ thuật, creator… nữa mà nó thuộc tất cả mọi người. Ai cũng có thể làm video và trở thành những người sáng tạo nội dung hấp dẫn. Mà trong đó, những viral video (video lan truyền) của nghệ sĩ, 99,9% không đến từ nghệ sĩ mà đến từ người hâm mộ.
Đương nhiên, không thể không nói đến sự tác động qua lại giữa K-pop và người hâm mộ. Nếu nói GenZ có đóng góp không nhỏ cho sự thành công của nghệ sĩ thì K-pop cũng là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam để GenZ sáng tạo. Nhiều nhóm nhảy cover K-pop ra đời, lớn mạnh, thậm chí đi thi và biểu diễn trên các đấu trường quốc tế. Trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram, Facebook, TikTok, cộng đồng fan K-pop cũng hoạt động rất sôi nổi, tạo ra nhiều xu hướng toàn cầu. Lớn hơn, K-pop là động lực, là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ khi không chỉ muốn làm người hâm mộ mà cũng muốn đứng chung sân khấu với thần tượng với tư cách nghệ sĩ. Khá nhiều bạn trẻ ở Việt Nam sau khi xem hoặc thần tượng nghệ sĩ K-pop mới tìm được ước mơ của bản thân, đó là trở thành ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên; và khi các bạn đó theo con đường nghệ thuật cũng tạo dựng cho mình phong cách Hàn Quốc theo chất riêng. Hiện tại, thành viên Hanbin (TEMPEST) (4) đang là thần tượng Hàn Quốc (người Việt Nam) rất được yêu mến và bạn ấy rất tinh tế trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam cũng như quê hương Yên Bái.
Những điều tích cực mà Hallyu mang tới mà mọi người đều công nhận, vẫn còn những cái nhìn phiến diện về trào lưu Hàn Quốc từ một số cá nhân nhỏ lẻ. Họ cho rằng, Hallyu nói chung, K-pop nói riêng đang ảnh hưởng xấu đến người Việt trẻ, nhưng hãy cùng ngồi lại và xem xét một cách khách quan thì “vì đâu nên nỗi”. Hâm mộ nghệ sĩ chắc chắn không khiến học sinh lười học hơn, hay tiền của bố mẹ học sinh thâm hụt đi, vì như chúng tôi biết, các nghệ sĩ Hàn không ai ủng hộ việc học sinh nghỉ học, thậm chí họ còn khuyên các người hâm mộ phải chăm chỉ học hành, đạt điểm số cao để bố mẹ và chính bản thân nghệ sĩ tự hào. Chính bản thân tôi, khi cùng VLive tổ chức các đêm nhạc Việt - Hàn (5) tại TP.HCM vào cuối mỗi tháng đều cân nhắc về giờ giấc để tránh giờ đến trường của khán giả, kết thúc buổi biểu diễn cũng phải cố gắng trước 10 giờ tối để mọi người về sớm, bớt nguy hiểm.
Còn như buổi biểu diễn của BlackPink tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (6) cuối tháng 7 vừa qua, dù vé đắt, nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong muốn mua vé để tặng con như phần thưởng cho năm học 2022-2023 rực rỡ. Có vài ý kiến cho rằng, người hâm mộ Việt Nam bị lố, mông muội trước thần tượng, nhưng đấy chỉ là một số rất nhỏ và bị nhìn nhận bởi sự đánh giá quá khắt khe của cộng đồng, thậm chí là có những người chưa từng thử tìm hiểu về K-pop. Ngoài ra, cũng có ý kiến lên án giới trẻ, khi kinh tế còn nghèo mà bày đặt chi trả khoản tiền lớn để đi xem ca hát. Đây là phạm trù khác, tùy theo hoàn cảnh, lựa chọn của mỗi người, bởi nếu tự bản thân, gia đình không sàng lọc, cân đối theo điều kiện của mình, thì mọi việc, từ học tập, thể thao, giải trí... đều có thể trở nên phi lý, vô nghĩa, lãng phí theo đánh giá chủ quan của người ngoài cuộc. Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi thấy, người hâm mộ Việt đang thể hiện rất tốt, để K-pop phải nhìn nhận lại, rằng giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực, tiềm năng tổ chức buổi hòa nhạc không còn là khoảng cách quá xa.
Về thời trang của GenZ là gì?
Những năm gần đây, những nền tảng xem phim trực tuyến OTT như Netflix, TVing, HBO Go hay FPT, VieON, ZingTV ở Việt Nam trở nên phổ biến sau dịch COVID-19, phim Hàn Quốc cũng được giới thiệu rộng rãi hơn đến đại chúng toàn cầu. Điều này đã làm nên sự bùng nổ đến mức thành hiện tượng của K-drama như Squid Game (Trò chơi con mực), Crash Landing On You (Hạ cánh nơi anh), The Glory (Vinh quang trong thù hận)… Khi bạn thấy GenZ trên toàn cầu đua nhau làm Ddalgona, chơi trò “hoa dâm bụt nở” hay mặc trang phục màu đỏ như trong Squid Game, bạn sẽ cảm nhận được tầm ảnh hưởng của làn sóng Hallyu hiện nay đã lan rộng đến mức nào.
Đi sau sự bùng nổ của K-pop và K-drama là ngành Thời trang Hàn Quốc - thường được gọi là K-fashion hoặc K-style cũng đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, chủ yếu nhờ sự bùng nổ của Hallyu. Trên bảng giải trí của cổng thông tin điện tử NAVER (7) có riêng một mục tổng hợp ảnh Thời trang sân bay và Thời trang đi làm của các Sao. Có thể nói, rất đông giới trẻ hiện nay đang cập nhật xu hướng thời trang mới từ trang phục của sao Hàn. Ở Việt Nam, rất dễ nhận thấy một vài tờ báo lớn mà ở đó, mục Thời trang hầu như 80% là cập nhật thời trang của nghệ sĩ Hàn (8); 5% là biên tập viên hướng dẫn phối đồ theo phong cách Hàn; 15% còn lại là các xu hướng khác trên thế giới. Phong cách thời trang Hàn Quốc được biết đến là tối giản với những đường cắt gọn gàng và các gam màu trung tính, dễ ứng dụng. Do đó, không chỉ riêng lớp trẻ mà ngay cả những thế hệ lớn hơn cũng đều ưa chuộng.
Ngược lại, trong vài năm trở lại đây, các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới đang đua nhau mời các ngôi sao K-pop làm gương mặt đại diện nhằm thu hút lượng người tiêu dùng yêu thích Hallyu trên toàn thế giới. Dấu ấn Hallyu tác động mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp thời trang của nền tảng dự báo xu hướng và hiểu biết về người tiêu dùng Fashion Snoops thì khi các thương hiệu cao cấp hợp tác với các thần tượng và diễn viên Hàn Quốc, họ không chỉ nói chuyện với người tiêu dùng Hàn Quốc mà còn cả những người hâm mộ làn sóng Hallyu ở mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, Hàn Quốc còn nổi tiếng với văn hóa làm đẹp và trang điểm, được gọi là K-beauty. Họ làm tốt mặt này đến mức các sản phẩm và phương pháp làm đẹp chỉ cần “cộp mác” Hàn Quốc sẽ được người tiêu dùng toàn cầu tin tưởng đón nhận.
Xu hướng trang điểm, làm đẹp theo phong cách tự nhiên, “trang điểm như không trang điểm”, tôn lên nét đẹp vốn có xuất phát từ Hàn Quốc hiện nay trở thành xu hướng làm đẹp của cả thế giới.
Thậm chí, những kiểu tóc, phụ kiện mà nghệ sĩ Hàn diện lên người cũng dễ dàng trở thành mốt và được giới trẻ học/ mua theo. Nếu không có tiền mua đồ hàng hiệu thì GenZ sẵn sàng mua đồ gần giống hoặc hàng nhái (fake) chỉ để được “cheap moment” (khoảnh khắc tình cờ) với thần tượng. Chính vì vậy, ngành Thời trang fake vẫn luôn có chỗ đứng. Hay như bạn vào bất kỳ một salon hay hiệu cắt tóc nào tại Việt Nam thì đến hơn 90% là quảng cáo “kiểu tóc Hàn”, “nhuộm theo phong cách Hàn Quốc”, “tím Hàn Quốc”, “uốn Hàn Quốc”… Và nhiều salon khác, in hẳn hình nghệ sĩ Hàn làm biển quảng cáo hoặc poster để thu hút khách hàng đủ mọi lứa tuổi; các spa, clinic cũng không kém cạnh khi thi nhau “trắng sứ Hàn Quốc”, “cắt mí kiểu Hàn”, “nâng cấp vẻ đẹp Hàn Quốc”… Ở Việt Nam, cái đẹp chuẩn Hàn gần như là cái đẹp “quốc dân” mà nhiều người hướng tới, không chỉ cho nữ giới mà nam giới cũng thích.
Phong cách sống của GenZ
Hơn 20 năm phát triển và truyền bá Hallyu, văn hóa Hàn Quốc liên tục tạo ra những trào lưu, xu hướng được giới trẻ đua nhau làm theo. Đến mức, bộ phận GenZ hiện nay không còn xa lạ với những nét văn hóa trong đời sống người Hàn Quốc nữa. Đặc biệt, văn hóa Hàn Quốc lại khá gần gũi và tương đồng với văn hóa Việt Nam nên Hallyu rất dễ dàng được đón nhận tại đất nước hình chữ S. Các bạn trẻ Việt Nam tiếp thu và học tập một cách tích cực một số ưu điểm của văn hóa Hàn. Vậy “lối sống” mà văn hóa Hàn ảnh hưởng đến giới trẻ như thế nào? Ta có thể kể đến những nét văn hóa nhỏ được giới trẻ tiếp nhận thông qua phim ảnh, show truyền hình, như:
Cách thể hiện tình yêu lãng mạn
Nếu bạn đã từng xem phim bộ Hàn Quốc, dễ dàng có thể nhận thấy sức hút của phim Hàn đến từ các tình tiết gần gũi với cuộc sống như gia đình, tình yêu đôi lứa… mà cách người Hàn thể hiện từng chi tiết trên phim rất cuốn hút, bởi mỗi chúng ta như được thấy chính mình hoặc bạn bè mình, hoặc những câu chuyện mà bản thân nghe được đâu đó xung quanh ta. Đặc biệt là cách câu chuyện tình yêu lãng mạn được thể hiện trong phim Hàn đã tạo nên một văn hóa lãng mạn hóa tình yêu khiến người xem bị chìm đắm vào đó, khiến cho mỗi người đều ít nhiều mong ước được như thế.
Văn hóa cộng đồng những người hâm mộ (fandom)
Văn hóa cộng đồng những người hâm mộ khởi phát từ Hàn Quốc, ngày một mở rộng tại Việt Nam. Từ những nhóm nhỏ tự phát, cộng đồng đó đã có hoạt động bài bản và vững mạnh hơn bao giờ hết. Không chỉ có cộng đồng của các nghệ sĩ Hàn, ở Việt Nam, các nghệ sĩ nổi tiếng đều đã có cộng đồng người hâm mộ, hoạt động tương tự như tại Hàn Quốc nhưng quy mô nhỏ hơn. Các cộng đồng này cũng có tên gọi, màu sắc riêng biệt, thậm chí nhiều nghệ sĩ Việt cũng sản xuất que phát sáng (lightstick) cho cộng đồng người hâm mộ.
Năm 2019, VLive (Naver) đã mang mô hình chuẩn fandom về Việt Nam với tên gọi Fanship (9), giới thiệu trước hết với các nghệ sĩ quen thuộc có kênh riêng trên nền tảng giải trí trực tuyến này. Những cái tên như Vũ Cát Tường, Hương Giang, K-ICM, Uni… đã trở thành những nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam xây dựng được cộng đồng người hâm mộ có bài bản, kèm những ưu đãi “vô tiền khoáng hậu” dành riêng cho họ.
Văn hóa tiền bối, hậu bối
Bất cứ nơi chốn nào ở Hàn Quốc cũng đề cao cấp bậc, ai có nhiều kinh nghiệm hơn tất sẽ được kính trọng hơn. Có vô vàn những nét văn hóa hình thành nên phong cách sống “kiểu Hàn” được truyền bá một cách thông minh, tinh tế thông qua làn sóng Hallyu, để giới trẻ toàn cầu tiếp nhận một cách tự nguyện, dễ dàng và tích cực hơn.
2. Hallayu tác động đến giáo dục, đào tạo và học tập của giới trẻ
Tại thời điểm này, có lẽ chúng ta sẽ không cần bàn đến việc, liệu rằng Hallyu có ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục hay không, sự thật là tốc độ phổ cập tiếng Hàn nhanh đến chóng mặt trên toàn thế giới đang phản ánh sự thật này. Theo CNN, tiếng Hàn là một trong những ngôn ngữ phát triển nhanh nhất trên thế giới, vượt xa các đối thủ truyền thống như tiếng Trung Quốc ở nhiều thị trường (10). Theo báo cáo của Duolingo - ứng dụng học ngoại ngữ phổ biến nhất thế giới, tiếng Hàn được học nhiều thứ hai trên ứng dụng này, chỉ sau tiếng Nhật nhưng là ngoại ngữ được học nhiều nhất ở Philippines (11).
Cùng với sự phát triển của Hallyu qua từng thời kỳ, sự quan tâm đến ngôn ngữ này của người hâm mộ lại tăng đột biến. Theo báo cáo từ dữ liệu được phân tích bởi Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại, số lượng sinh viên theo học các lớp tiếng Hàn tại các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ tăng vọt từ 5.211 (năm 2002) lên gần 14.000 (năm 2016). Tương tự, tại Vương quốc Anh, số lượng sinh viên đại học tham gia các khóa học tiếng Hàn đã tăng gấp 3 lần từ năm 2012 đến năm 2018 (12). Đặc biệt, chúng ta không thể không nhắc đến dấu mốc quan trọng của lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam, năm 2021 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tiếng Hàn trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông dạy từ lớp 3 đến lớp 12, hệ 10 năm thí điểm (13). Quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ đơn giản xuất phát từ nội dung thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mà còn phản ánh rõ sự đánh giá xác đáng của Chính phủ về nhu cầu học tiếng Hàn chính quy không chỉ ở hệ đại học mà còn cả ở hệ trung học phổ thông trên toàn quốc.
3. Một số bàn luận
Bản thân tôi (Đặng Thiếu Ngân), theo những mốc thời gian như: năm 2012, K-pop bùng nổ ở châu Âu, châu Mỹ với Gangnam Style; năm 2017 với việc ghi tên mình vào bản đồ âm nhạc thế giới của BTS, hay sự bùng nổ của các cô gái nhạc số BlackPink, IU, rất nhiều phụ huynh của các bạn trẻ đã nhắn tin cho tôi để hỏi về lớp học tiếng Hàn cho các con. Thậm chí, rất nhiều người đã đi làm cũng muốn học tiếng Hàn. Nhiều khi lý do chỉ đơn giản là “nghe hiểu phim, nhạc Hàn”, “để đi đu concert”, “đi du học Hàn”, làm trong công ty Hàn nên muốn được giao tiếp… Khi càng quan tâm đến Hallyu, các bạn trẻ càng có mong muốn không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều mà còn muốn giao lưu, trao đổi với “làn sóng” này. Có thể nói, tầm ảnh hưởng của Hallyu càng lớn, nhu cầu học tiếng Hàn càng cao.
Với những phân tích trên đây, chúng tôi tin rằng, Hallyu đang có những ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, nó đang không chỉ dừng lại ở một phía mà GenZ cũng đang tác động ngược lại, giúp cho trào lưu văn hóa Hàn Quốc được phổ cập hơn, được mọi người hiểu đúng hơn và ủng hộ nhiều hơn. Và với mỗi người lớn, thuộc thế hệ trước nếu thấy con em mình đang sống tốt hơn, giỏi giang hơn, sáng tạo hơn thì tại sao lại không ủng hộ?.
_______________
1, 2. Thông tấn xã Việt Nam, Ca sĩ BTS Jungkook sẽ biểu diễn tại Lễ khai mạc World Cup 2022, tuoitre.vn, 15-11-2022.
3. Thùy Phương, Lisa (BlackPink) là sao K-pop đạt nhiều kỷ lục Guinness thế giới nhất, thanhnien.vn, 29-5-2023.
4, Dương Hương, Nam thần tượng người Việt Hanbin (TEMPEST) giới thiệu cảnh đẹp Hà Nội, laodong.vn, 15-3-2023.
5. Dương Triều, V Heartbeat: Đêm nhạc hội tụ “đỉnh cao” của V-pop và K-pop, tienphong.vn, 12-8-2020.
6. Thạch Thảo, Lộ diện sân khấu có ‘1-0-2’ của BlackPink ở Mỹ Đình, vietnamnet.vn, 27-7-2023.
7. naver.com.
8. Kênh 14, beauty-fashi, kenh14.vn
9. T.H, NAVER VLIVE ra mắt FANSHIP - hình thức Fanclub online chưa từng có trên thế giới, saostar.vn, 23-5-2019.
10. Tiếng Hàn được nhiều người trên thế giới chọn học vì làn sóng “hallyu”, giaoducthudo.giaoducthoidai.vn, 18-1-2023.
11, 12. Thông tấn xã Việt Nam, Sau K-pop và phim ảnh, tiếng Hàn đang chinh phục thế giới, baotintuc.vn, 30-1-2023.
13. Trung tâm Truyền thông Giáo dục, Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Hội nghị triển khai Đề án giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, moet.gov.vn, 17-9-2016.
TS ĐẶNG THIẾU NGÂN - TRẦN PHƯƠNG NHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023