Mùa nắng lạnh trên cao nguyên xanh

Trước nay, người ta biết đến TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với khí hậu quanh năm mát lạnh, có nhiều hoa đẹp. Đà Lạt mỗi năm chỉ có 2 mùa: mùa mưa và mùa nắng nhưng nay, Đà Lạt còn có thêm “mùa nắng lạnh” khá thi vị, có lẽ nhiều người chưa từng biết?

Mùa nắng về, cảnh sắc Đà Lạt hết sức sức lung linh, quyến rũ

Mùa nắng lạnh cao nguyên

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước bước vào mùa nắng, nhiệt độ ở một số tỉnh, thành bắt đầu tăng cao, khiến nhiều người có cảm giác bức bối, khó chịu. Do đó, thường vào các ngày lễ, hay những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều cơ quan, gia đình, cá nhân chọn Đà Lạt đi tham quan, nghỉ dưỡng cũng chính là để… “trốn nắng”.

 Đà Lạt hiện đang đầu mùa nắng (mùa khô) – “mùa” du lịch - mùa đẹp nhất trong năm. Dù ở thành phố sương mờ này có hôm bất chợt “đỏng đảnh”, đưa nhiệt độ lên cao rồi lại bất chợt… hạ thấp song nhìn chung khí hậu khá mát mẻ, lý tưởng đối với khách du lịch. Với cư dân bản địa, đây là “món quà” vô giá mà thiên nhiên ưu đãi, niềm hạnh phúc tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có.    

Điểm khác biệt rất kỳ diệu giữa nắng cao nguyên với nắng đồng bằng. Nắng Đà Lạt được người ta định danh “nắng lạnh”, mùa nắng Đà Lạt – mùa nắng lạnh cao nguyên.

Nhiều tao nhân mặc khách yêu mến Đà Lạt, tỏ ra am hiểu Đà Lạt đã quan sát và cho rằng, nói “nắng lạnh” Đà Lạt hàm chứa cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nắng Đà Lạt cũng vàng rực, cũng khát khao và phủ vàng khắp lối song, nó không nóng bức mà khiến cho con người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu; không bức bối, ngột ngạt như nắng ở một số thành phố lớn, hay ở miền Trung. Trong nắng Đà Lạt dường như có những chùm, những sợi, những tia, những giọt… vàng tươi, óng ánh rất đẹp. Trong nhiều bài thơ của bạn tôi - thi sĩ, thường xuất hiện các tính từ khi viết về mùa nắng cao nguyên, nắng Đà Lạt như: “giọt nắng” “nắng lụa”, “sợi nắng hanh vàng”, “nắng dát vàng”, “nắng ủ mật”, “nắng lung linh”…

Về nghĩa đen, dù Đà Lạt đang mùa nắng  hay giữa một ngày nắng, người ta vẫn thấy mát, thậm chí thấy se se lạnh. Bởi vậy, dường như cả năm cư dân Đà Lạt đều mặc áo khoác, hay áo len, vừa đẹp, vừa kín đáo, vừa diệu dàng. Một điều nữa, dù ngủ tối hay ngủ trưa, người ta đều đắp chăn và cảm giác rất thư thái, dễ chịu vô cùng.

So sánh giữa nắng lạnh Đà Lạt với nắng Sài Gòn, một du khách đã liên tưởng rất thú vị: “Nếu Sài Gòn giống như một cô gái tràn đầy nhiệt huyết, năng động thì Đà Lạt giống như một thiếu nữ dịu dàng, hiền hoà, đỏng đảnh, đáng yêu. Cô gái ấy luôn trầm lắng, nhẹ nhàng và thoát ra vẻ trong sáng, thuần khiết khiến người ta chỉ dám im lặng ngắm nhìn vì không muốn phá vỡ vẻ đẹp tĩnh lặng ấy. Không chỉ đơn thuần là thành phố ngàn hoa, thành phố của những câu chuyện tình lãng mạn, Đà Lạt còn là thành phố tràn ngập nắng vàng với những rừng thông già vi vu gió. Yêu mùa nắng lạnh mơ màng cũng như yêu một phần của Đà Lạt vậy”.

Chênh chao giọt nắng

Đang thả hồn cho bài viết về mùa “nắng lạnh” cao nguyên, bất chợt, tôi nghe những câu hát về nắng, giọt nắng từ đâu vọng lại trào dâng cảm xúc: Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi/Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi/Giọt nắng bâng khuâng/Giọt nắng rơi rơi bên thềm…

Khách du lịch vui chơi tại Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt

Và, giai điệu thắm thiết trong một câu chuyện tình buồn lãng mạn cũng vừa réo rắt ngân rung: Anh phải về thôi, xa em thôi/Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/Mà lời tự biệt chẳng lên môi…

Rõ ràng, nắng và các hình ảnh rất đẹp của nắng như: sợi nắng, giọt nắng… đã từ lâu đi vào thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật và đến với trái tim, chạm đến cảm xúc của con người qua biết bao nhiêu thế hệ. Dù tác giả của các ca khúc, tình khúc trên (Thanh Tùng, Thuận Yến) không nói rõ những giọt nắng - “nắng bên thềm” hay “Giọt nắng cuối ngày” ấy là nắng ở miền nào, ở nơi đâu; song, nó đều long lanh, tinh khiết, gắn với những câu chuyện tình thi vị và rất lãng mạn.

Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều điều khác biệt. Nắng Đà Lạt được ví là nắng lạnh, nắng xanh, nắng lung linh như có tâm hồn. Mùa nắng Đà Lạt cũng là mùa du lịch. Trước nay, bạn bè thập phương yêu Đà Lạt bởi Đà Lạt nên thơ, xứ sở của rau, hoa, của thông ngàn, của sương chiều bãng lãng, thành phố của những bản tình ca lãng mạn, vừa được UNESCO vinh danh “Thành phố Sáng tạo Âm nhạc”. Bây giờ, người ta càng yêu Đà Lạt, bởi Đà Lạt còn có mùa “nắng lạnh” với những giọt vàng óng ánh trải khắp núi đồi, phố xá, rừng thông, hồ, thác… chênh chao.

Đặc biệt, mùa nắng Đà Lạt năm nay lại được thiên nhiên ban phát thêm một hiện tượng lạ, hy hữu - hoa mai anh đào nở trái mùa. Loài hoa này thường nở rộ trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng nhưng mãi đến giữa tháng Hai năm nay (sau Tết Nguyên đán), hoa mai anh đào mới bung cánh mỏng, khoe sắc hồng thắm dưới nắng vàng cao nguyên xanh.

Hiện tượng lạ vô tình làm cho mùa nắng Đà Lạt năm nay càng thêm đa sắc, thêm thi vị và khiến du khách (cả cư dân bản địa) phải ngỡ ngàng. Có phải chăng, sự “trái mùa” của một loài hoa đặc hữu Đà Lạt là hiện tượng bình thường của tự nhiên, hay đó là “món quà” bất ngờ mà trời đất dành tặng cho Đà Lạt - thành phố vừa tròn 131 năm tuổi thêm thi vị?

Cùng với “nắng lạnh”, hoa mai anh đào nở muộn, cùng với loài phượng tím bâng khuâng khiến cho đất trời Đà Lạt thêm lung linh, đa sắc gọi mời du khách thập phương tìm về chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Đây có thể được xem tín hiệu vui rằng ngành Du lịch Đà Lạt năm nay sẽ được mùa.

Bài và ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;