Hợp tác quốc tế đã và đang trở thành một xu hướng chủ đạo của ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở định hướng chiến lược hội nhập quốc tế về văn hóa, quá trình hợp tác quốc tế về xuất bản vừa góp phần gia tăng tiềm lực đất nước, quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện để độc giả trong nước tiếp cận với giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại. Bài viết nghiên cứu các yếu tố tác động đến hợp tác quốc tế về xuất bản và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Xuất bản là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hóa của mỗi quốc gia, góp phần lưu giữ và truyền bá tri thức, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, con người Việt Nam. Hiện nay, thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về xuất bản trở thành một xu hướng chủ đạo trong tiến trình phát triển của lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Không chỉ nâng cao vị thế văn hóa đất nước và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam với thế giới, hợp tác quốc tế về xuất bản, nếu được tiến hành hiệu quả, sẽ góp phần không nhỏ trong việc tranh thủ nguồn lực quốc tế để xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam tiệm cận với trình độ tiên tiến của thế giới.
Phong phú các loại sách ngoại văn cho thiếu nhi - Ảnh: Nguyên Trường
1. Những yếu tố thuận lợi tác động đến hợp tác quốc tế về xuất bản ở Việt Nam hiện nay
Tiềm lực, vị thế văn hóa - xuất bản của Việt Nam ngày càng tăng lên
Hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, hội nhập với thế giới đã làm cho tiềm lực và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao. Có thể nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (1). Riêng trong lĩnh vực xuất bản, theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, toàn ngành có hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm; tổng doanh thu năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay (2). Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhất là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát hành sách nói.
Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực xuất bản đã tạo đà thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế. Trên cơ sở định hướng chiến lược về hội nhập của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các hoạt động hợp tác song phương và đa phương được triển khai với nhiều quy mô và cấp độ. Nhờ có tiềm lực tích lũy, Việt Nam chủ động hơn trong tiếp cận và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về xuất bản. Đặc biệt, với khả năng của ngành Xuất bản hiện nay, có thể tham gia định hình cuộc chơi trong các thể chế đa phương về xuất bản và văn hóa. Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động quảng bá sách, như Hội chợ sách quốc tế La Habana tại CuBa, tại Liên bang Nga; Hội chợ sách quốc tế tại Frankfurt, Đức; tổ chức giới thiệu sách Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Cộng hòa Séc; tổ chức triển lãm sách tại Hoa Kỳ nhân sự kiện Gặp gỡ Việt Nam.
Định hướng chiến lược hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”. Các nước đều gia tăng hội nhập quốc tế về văn hóa nhằm truyền bá văn hóa ra nước ngoài, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đã và đang thiết lập môi trường chính trị - pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã xác định, cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Với lợi thế và đặc trưng của mình, lĩnh vực xuất bản được coi là “mũi tiên phong” trong quá trình hòa nhập với môi trường văn hóa quốc tế.
Định hướng chiến lược hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam đã tạo môi trường chính trị - pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản tham gia liên kết quốc tế. Sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị đã tạo điều kiện tập trung nguồn lực cho hội nhập quốc tế về xuất bản. Các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường đầu tư tài chính, xây dựng cơ chế tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Cho đến nay, chỉ tính riêng thị trường sách đã được mở rộng ở các quốc gia: Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, phát triển thêm thị trường mới như Italia, Trung Quốc, Singapore. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sách, báo đạt 27,45 triệu USD, trong đó nhập khẩu: 23,25 triệu USD, xuất khẩu: 4,2 triệu USD (3).
Xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức và quốc tế hóa hoạt động xuất bản
Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức được đẩy mạnh nhờ ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông. Hoạt động xuất bản ngày càng được quốc tế hóa theo hướng hình thành các cơ chế, thể chế điều tiết dòng chảy xuất bản phẩm ở quy mô toàn cầu. Các quốc gia chủ động điều chỉnh pháp luật trong nước, nhất là những quy phạm về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả… theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời với việc tập trung nâng cao tiềm lực xuất bản quốc gia nhằm dành ưu thế trong kinh tế xuất bản toàn cầu.
Xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức và quốc tế hóa hoạt động xuất bản tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động xuất bản quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xuất bản. Quốc tế hóa hoạt động xuất bản góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Qua đó, giúp độc giả trên thế giới có những thông tin chính xác về thành tựu đổi mới của đất nước. Ngược lại, ngành Xuất bản Việt Nam có thêm cơ hội khai thác, chuyển tải các xuất bản phẩm giá trị của nước ngoài về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của độc giả trong nước. Những thay đổi đó đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển xuất bản Việt Nam.
2. Những yếu tố thách thức tác động đến hợp tác quốc tế về xuất bản ở Việt Nam hiện nay
Tiềm lực kinh tế - khoa học còn hạn chế
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song, nhìn chung tiềm lực kinh tế và khoa học của Việt Nam còn hạn chế so với mặt bằng chung của thế giới, như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: “việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra” (4). Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, mặc dù được đầu tư lớn và được coi là “quốc sách hàng đầu”, song thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có. Hiện nay, các quốc gia đều tăng cường phát triển kinh tế và xây dựng tiềm lực khoa học quốc gia mạnh, tạo lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu, việc không chiếm ưu thế về hai lĩnh vực quan trọng này tạo ra bất lợi cho việc hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực xuất bản.
Năng lực kinh tế hạn chế ảnh hưởng đến mức độ đầu tư cho lĩnh vực xuất bản. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, công nghệ và nguồn vốn của các đơn vị xuất bản, đặc biệt là lĩnh vực in ấn, phát hành còn khá nhỏ bé. Năng lực, quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công nghệ xuất bản trong nước chưa bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ của thế giới thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0 và nếu có công nghệ mới, thì nguồn nhân lực kỹ thuật trong nước lại chưa đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn. Sự tụt hậu về công nghệ, đặc biệt là công nghệ tự động hóa làm cho các đơn vị xuất bản phải đối mặt với thách thức không nhỏ trước yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm xuất bản, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của thị trường quốc tế.
Thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả còn hạn chế
Một trong những vấn đề cản trở quá trình hội nhập quốc tế về xuất bản ở Việt Nam là vấn đề vi phạm bản quyền tác giả. Việc Khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPA) xếp Việt Nam vào một trong những quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất là sự cảnh báo đáng quan tâm. Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Hội thảo tổng kết “10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012”, “bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm đã và đang vấp phải nhiều bất cập, khó khăn phát sinh từ thực tiễn cần phải nghiên cứu, tháo gỡ, đặc biệt là tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền cả xuất bản phẩm in và điện tử” (5).
Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho các nhà xuất bản, dẫn tới các quốc gia thiết lập hàng rào pháp lý và kỹ thuật đối với xuất bản phẩm của Việt Nam, đồng thời gia tăng các biện pháp bảo hộ văn hóa, hạn chế quyền tiếp cận các sản phẩm xuất bản của quốc gia. Điều này đã tác động đến quá trình hợp tác, liên kết của các nhà xuất bản trong nước với thị trường quốc tế. Để thâm nhập được thị trường, các nhà xuất bản của Việt Nam phải tăng chi phí cho các vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp lý, do đó làm tăng chi phí đầu vào, dẫn tới suy giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến việc đưa hàng hóa xuất bản của Việt Nam ra thế giới.
Những yếu kém về chất lượng nhân sự làm công tác xuất bản
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ ngành Xuất bản, từ cách tiếp cận thị trường, quy trình, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới công tác quản lý xuất bản. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nhân sự làm công tác xuất bản chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong khi hoạt động xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet giúp xuất bản phẩm đến được tay độc giả trên khắp thế giới nhanh nhất, tiện ích nhất, thì nguồn nhân lực ngành Xuất bản hiện nay chủ yếu vẫn tác nghiệp trên môi trường xuất bản truyền thống. Chậm đổi mới tư duy và thiếu tri thức chuyển đổi số đến từ nhân lực quản lý lẫn lao động chuyên môn nghiệp vụ đã cản trở quá trình hội nhập quốc tế về xuất bản.
Trước yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế, một bộ phận nhân lực xuất bản nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động này, chậm chuyển đổi tư duy và kỹ năng làm việc. Những hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa dẫn tới khó tiếp cận với thị trường xuất bản quốc tế. Việc thiếu nhạy bén trong nắm bắt và đánh giá thị hiếu độc giả, đề xuất tầm nhìn dài hạn và những linh hoạt trong ứng phó với tình huống (như đại dịch COVID-19 vừa qua) dẫn tới các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất bản chưa thực sự hiệu quả, nhất là những thị trường tiềm năng. Chưa tận dụng được lợi thế hỗ trợ của ngoại giao và kinh tế trong việc tăng cường hợp tác quốc tế về xuất bản.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về xuất bản ở Việt Nam hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về xuất bản
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, mọi hoạt động đều bắt nguồn từ nhận thức. Nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng. Hiện nay, một bộ phận trong hệ thống chính trị, kể cả cán bộ, viên chức trong lĩnh vực xuất bản nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, dẫn đến hệ quả thiếu sự chuẩn bị và triển khai thực hiện quyết liệt nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong vấn đề hội nhập quốc tế về văn hóa, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Do đó, trước hết cần làm tốt công tác truyền thông nhằm định hướng dư luận, tập trung vào lực lượng trực tiếp làm công tác xuất bản, qua đó tạo áp lực xã hội để tác động vào ý thức của họ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động lồng ghép vấn đề định hướng nhận thức về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản vào các chương trình, kế hoạch xây dựng thể chế, chiến lược quản lý văn hóa, từ đó nâng cao hiểu biết của người dân nói chung cũng như cán bộ, viên chức làm công tác xuất bản nói riêng về vấn đề này.
Hai là, tăng cường tiềm lực kinh tế - khoa học, làm cơ sở để hợp tác quốc tế về xuất bản được triển khai có hiệu quả
Kinh tế và khoa học là đầu vào của hoạt động xuất bản, đặc biệt, kinh tế và khoa học yếu kém sẽ làm suy giảm vị thế, tính chủ động trong hợp tác quốc tế về xuất bản. Do đó, cần phải quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ. Nhằm tạo nguồn vốn đầu tư và cơ sở tri thức đẩy mạnh hợp tác quốc tế về xuất bản, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận và tiếp thu tinh hoa xuất bản phẩm thế giới, từ đó góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về xuất bản
Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh hợp tác quốc tế về xuất bản. Hệ thống pháp luật là môi trường đảm bảo cho quá trình này tuân thủ định hướng và hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Trước yêu cầu ngày càng cao của vấn đề quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, để hội nhập quốc tế có hiệu quả, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo cho việc xuất bản tuân thủ nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ mà Việt Nam tham gia. Cần nghiên cứu, xây dựng các quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà xuất bản Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới và ngược lại, tạo điều kiện cho sản phẩm xuất bản của các quốc gia khác tiếp cận, thâm nhập thị trường trong nước. Chủ động tham gia xây dựng các thể chế đa phương về hợp tác văn hóa đề tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia trong lĩnh vực xuất bản.
Bốn là, nâng cao chất lượng nhân sự làm công tác xuất bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Chất lượng nhân sự quyết định chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế về xuất bản. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là cơ quan quản lý xuất bản cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, vun đắp lòng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, thành tựu của ngành Xuất bản nước nhà đi đôi với tăng cường kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, đặc biệt là ngoại ngữ và công nghệ thông tin, cùng với thái độ làm việc trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và hợp tác cùng có lợi. Đây là định hướng có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc và còn thúc đẩy sự giao lưu hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
4. Kết luận
Hợp tác quốc tế về xuất bản chịu sự tác động của các yếu tố trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây là xu hướng chính đang được đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay. Để tiến trình hợp tác, liên kết giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước đạt hiệu quả cao, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cần triển khai các giải pháp phù hợp nhằm từng bước đưa hoạt động này trở thành chủ đạo trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế
_________________________
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.104,103.
2. Mai Lữ, Ngành Xuất bản cần thêm nhiều đột phá, nhandan.vn, 7-10-2022.
3. Đào Thị Hoàn, Xuất bản Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức, tapchicongsan.org.vn, 21-7-2020.
5. Trung Nghĩa, Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản: Cộng dồn thách thức, baovanhoa.vn, 17-8-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Thị Ngọc Thùy, Xuất bản sách dịch góp phần giao lưu văn hóa quốc tế, lyluanchinhtri.vn, 18-8-2021.
TS LÊ THỊ PHƯƠNG NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023