Ngòi bút của lãng du

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (1918 - 2025) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Cách đây vài ba năm, dường như ngày nào người ta cũng bắt gặp một ông lão đầu hói, với cặp kính lão và túi đựng sách báo khá nặng, thả bộ thong dong kiểu “lững thững học giả” trên một đoạn đường khá dài từ khu Vạn Bảo tới 46 Trần Hưng Đạo. Vẻ lão thực của ông như hòa quyện với hàng cây cổ thụ ven đường, và những đám mây trắng lờ lững trôi xuôi trên bầu trời Hà Nội. Cảnh vật dường như cùng ông đồng hành trong một chuyến lãng du văn hóa bất tận. Ông chính là nhà báo - nhà văn hóa khả kính: Hữu Ngọc (1918-2025).

Khi nghề báo trở thành lẽ sống

Có lẽ duyên nghiệp đã khiến Hữu Ngọc chọn ngòi bút, đặc biệt là nghề báo, làm triết lý sống và niềm vui để trải nghiệm suốt cuộc đời hơn 100 tuổi hạc của ông. Với nền học vấn khá toàn diện, có chiều sâu do ông tiếp nhận được từ thời Pháp thuộc kết hợp với tự học không ngừng nghỉ, Hữu Ngọc kết duyên với nghề làm báo khá sớm, thậm chí ngay từ khi ông mới ra lập nghiệp.

Đầu tiên, Hữu Ngọc chọn đi dạy học để thỏa chí phiêu lãng của ông. Gót chân ông lãng du từ Bắc vô thành Vinh, rồi cố đô Huế để dạy văn học Pháp, tiếng Pháp và tiếng Anh ở trường tư thục. Môi trường văn hóa ở cố đô Huế khi đó được tạo dựng với bầu không khí học thuật cũng khá sôi nổi nhờ một số trí thức có tên tuổi như Đào Duy Anh, Hải Triều, Hoài Thanh, Thanh Tịnh… và nhiều người khác. Cũng ngay tại Huế, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hữu Ngọc nhận được lời thúc giục từ ông bạn là nhà thơ Cù Huy Cận - vốn khi đó tham gia phái đoàn của Chính phủ lâm thời vào Huế nhận ấn kiếm thoái vị của Vua Bảo Đại - là cần ra ngay Hà Nội để tham gia xây dựng chính quyền cách mạng. Bản thân Huy Cận viết sẵn cho ông mảnh giấy với nội dung: Đây là người của Chính phủ lâm thời nên yêu cầu mọi người giúp đỡ. Hữu Ngọc với túi quần áo, ít sách vở, cùng tờ giấy viết tay đó hăm hở ra vẫy xe về lại Thủ đô Hà Nội vốn đang trào dâng không khí cách mạng sôi sục. Rất may cho ông, có một điền chủ giàu có trong Nam đang trên đường ra Bắc nên đã cho Hữu Ngọc quá giang an toàn mà không lấy lộ phí.

Về Bắc, Hữu Ngọc lập tức tham gia đóng góp cho cách mạng. Ông nói: “Khi đó, mọi người dân đều nhiệt tình tham gia xây dựng xã hội mới, ai giúp chính quyền được gì thì giúp tùy theo khả năng, không nề hà, tính toán, đòi hỏi lương bổng hay thù lao gì hết”. Qua một kỳ thi do chính quyền mở có rất nhiều người tham gia, Hữu Ngọc trong số it ỏi trúng tuyển làm thầy giáo dạy ngoại ngữ cho trường phổ thông. Ông về Nam Định dạy học và kiêm luôn chức vụ Hội trưởng Chi hội Văn hóa Cứu quốc ở Nam Định. Khi công cuộc Toàn quốc kháng chiến nổ ra sau 2 năm, năm 1948, mới có ngót nghét 30 chục tuổi, Hữu Ngọc được giao làm tờ báo tiếng Pháp “địch vận” đầu tiên của ta, tờ Tia lửa (L’Entincelle), tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chính nghĩa do Hồ Chủ tịch lãnh đạo để bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam mới. Điều thú vị là, thời gian đầu, chỉ một mình Hữu Ngọc kiêm nhiệm làm chủ bút, viết bài và tổ chức phát hành. Sau này có thêm vợ chồng nhà thơ Trần Lê Văn tham gia. Cứ ngày ngày, hữu Ngọc và học trò lấy báo rồi tìm nhét vô đồn bốt Pháp hay đặt ở các quán cà-phê nơi lính Pháp thường qua lại.

Có lần, từ nơi dạy học ở Yên Mô, Ninh Bình, Hữu Ngọc quay về Nam Định, đèo sau chiếc xe đạp cà tàng cả một chồng báo khoảng 50 tờ để phát hành. Chẳng ngờ, hôm đó lính Pháp đi càn quét địa điểm ông sẽ tới. Trời mới tang tảng sáng, tên lính Pháp nhìn thấy bóng chàng thanh niên, liền hét to: “Thằng kia đi đâu, dừng lại!” rồi lên cò súng. Hữu Ngọc cũng hoảng nên vội tăng tốc. Báo hại là chiếc xe bị tuột xích thế là ông phải dừng lại để sửa ngay tắp lự và rồi cứ thế lao mình về phía trước. Rất may, khi đó cũng đến đầu dốc nên ông thả phanh cho chiếc xe cứ thế lao đi một đoạn khá xa, dạt vào bụi rậm ven đường. Ông nghe thấy tiếng “cạch” bóp cò súng từ tên lính Pháp, nhưng may mắn sao, có lẽ đạn bị xịt. Thế là thoát!

Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của học giả Hữu Ngọc vừa là một cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hóa Việt, một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ về văn hóa xứ sở tiên rồng

 

Làm báo Tia lửa được khoảng hơn 3 năm, năm 1950, Hữu Ngọc cũng lên chiến khu cách mạng. Ở đây ông được cử làm Trưởng Ban Giáo dục Hàng binh Âu-Phi, thuộc Cục Địch vận của quân đội ta. Thế là Hữu Ngọc trở thành “nhà báo quân đội”. Ông viết những bài báo bằng tiếng Pháp, giải thích đường lối kháng chiến chính nghĩa của cách mạng, những trải nghiệm cuộc sống, nhằm khơi gợi chất nhân văn trong trái tim các hàng binh, tù binh Pháp, tình cảm đối với quê hương đất nước, đối với cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè họ. Có hàng binh, lúc đầu cũng rất ngoan cố, bướng bỉnh, nhưng đa phần họ cũng dần dần được giác ngộ qua các bài viết, “tài liệu giáo dục: của Hữu Ngọc. Có người khóc “tu tu” như con trẻ… vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ tận phương trời châu Phi xa xôi.

Cũng chính ở vùng chiến khu, Hữu Ngọc đã thành gia thất một cách thật hữu duyên. Một lần, ông từ trên đồi đi xuống thì bắt gặp người quen, một thiếu nữ xinh xắn đi cắt ngang qua đường rừng. Hóa ra cô là học sinh cũ của ông thời ông còn dạy học ở Nam Định và giờ cũng tham gia phục vụ kháng chiến. “Thầy” ngỏ lời cầu hôn, “học trò” đồng ý luôn do mến phục “thầy” từ trước, thế là xong chuyện lập gia đình. Thật không còn gì đơn giản hơn tình yêu thời kháng chiến! Sau này ông hay kể lại câu chuyện và cho là mọi sự đều do “duyên” - nếu ông đi nhanh hay bà đi chậm chút thôi là mất hút nhau, vì thời chiến, sao có thể hẹn hò gặp gỡ như thời bình được. Sau này, bà Hữu Ngọc học lên bác sĩ nhưng lại làm báo, với kiến thức y học đã có, bà làm biên tập viên cho tờ Sức khỏe và Đời sống cho đến khi về hưu. Rồi đến khi, ông đã mắt mờ tay chậm thì bà lại làm nhiệm vụ “thư ký”, giúp ông tập hợp tư liệu, ghi chép, soạn sách hay viết báo.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hữu Ngọc được giao nhiệm vụ đi cùng hàng binh Pháp sang vùng Nam Trung Hoa. Nhiệm vụ của ông là phối hợp thực hiện việc trao trả tù binh theo Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký kết. Chuyến hành quân ròng rã mất mấy tháng trời. Không bỏ phí thời gian, Hữu Ngọc học thêm tiếng Đức từ chính một số hàng binh nói tiếng Đức. Nhờ vậy, sau này ông có thể dịch truyện cổ Grim từ tiếng Đức sang tiếng Việt và bản dịch của Hữu Ngọc là bản thân quen nhất với bạn đọc Việt Nam, được tái bản hàng chục lần.

Một vinh dự lớn là có lần Hữu Ngọc đã được mời vào Phủ Chủ tịch để dịch tiếng Đức cho Bác Hồ khi Người tiếp khách Đức.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (phải) bên vợ con trong bức ảnh chụp năm 1946 
Ảnh: Tư liệu

Xuất nhập khẩu văn hóa

Sinh thời, Hữu Ngọc hay nói đùa: “Nghề của tôi là xuất nhập khẩu văn hóa”. Ông viết báo hay viết sách để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và giới thiệu đất nước con người hay nền văn hóa khác cho bạn đọc Việt Nam. Sức lao động trong nghề viết của Hữu Ngọc thật là đáng nể. Khi đi công tác với ông, tôi luôn thấy ông mang theo cuốn vở khổ to. Ông hình thành thói quen ghi chép rất sớm nên có thể nói ông sở hữu rất nhiều cuốn vở hay sổ tay kiểu như vậy. Đi tới đâu, ông hỏi han người dân kỹ càng, thăm thú nhiều nơi và tối tối, ông ngồi ghi chép lại những gì thu lượm được theo kiểu nhật ký vắn tắt. Cũng tương tự như vậy, ông thường xuyên đọc các loại báo chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài hay thậm chí cả sách nữa và cũng đều ghi chép lại thông tin vắn tắt. Đối với ông, sự cẩn trọng trong thông tin, sự chính xác của sự kiện, dữ liệu rất quan trọng để tăng tính thuyết phục cho các lập luận hay diễn giải mà nhà báo đưa ra. Nhờ cập nhật kiến thức như vậy, nên Hữu Ngọc luôn luôn “mới” trong tư duy, thậm chí là mới trong ý tưởng. Có lần, bài báo bằng tiếng Anh của ông có chứa một từ khiến cho bà nhà báo Mỹ Lady Borton cũng không hiểu, tưởng Hữu Ngọc dùng nhầm. Sau bà tra cứu lại thì hóa ra, đó là một từ mới xuất hiện trong kho tàng từ vựng tiếng Anh hiện đại!

Sau kháng chiến chống Pháp, Hữu Ngọc được cử làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí Việt Nam tiến bước (ra tiếng Anh, tiếng Pháp và Quốc tế ngữ), ngọn cờ đầu trong lĩnh vực thông tin đối ngoại của ta lúc bấy giờ. Tờ tạp chí được làm công phu, vừa có tính thời sự vì nội dung phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời lại có tính học thuật nhờ loại bài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Ngoài cây bút chủ lực Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc và một số nhà báo dày dạn kinh nghiệm khác, tạp chí cũng tập hợp được khá nhiều học giả tài năng trong và ngoài nước.

Liên tục (sau học giả Nguyễn Khắc Viện), cho đến khi nghỉ hưu lúc đã ngoài 70, Hữu Ngọc làm Chủ nhiệm và Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam ( tiếng Anh và tiếng Pháp) và Nhà xuất bản Ngoại văn (tiền thân Nhà xuất bản Thế Giới). Sau đó, dù chuyển sang vai trò khác, Hữu Ngọc vẫn viết báo, soạn sách, hay chủ biên khá nhiều cuốn sách “nặng ký”. Đặc biệt, một số tờ báo tín nhiệm ông, đặt bài ông định kỳ cho chuyên mục văn hóa của họ như tờ Vietnam News, Le Courier du Vietnam hay tờ Sức khỏe và Đời sống.

Đến văn phòng của ông ở 46 Trần Hưng Đạo, không ít lần, khách thấy ông gò lưng trên trang giấy khổ to, mắt dán vào trang viết, hoặc đang viết bài hoặc duyệt bài, trông rất khổ nhọc. Ông luôn “mắc nợ” phải trả bài cho báo này hay tạp chí nọ theo định kỳ vì viết cho chuyên mục của họ. Nhưng đáp lại sự thương cảm của chúng tôi trước cảnh lao động trí tuệ cực nhọc gần như đến độ “tội nghiệp” như vậy, Hữu Ngọc luôn cười và nói: “Tôi không khi nào bắt ép mình phải viết lách hay đọc sách! Tôi coi đấy là trò chơi, trò tiêu khiển; tôi tìm thấy niềm vui trong chuyến lãng du vào văn hóa nên không thấy mệt nhọc!” Cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam hàng ngàn trang, với 3 phiên bản (có khác nhau về nội dung) bằng tiếng Việt, Anh và Pháp là tuyển tập tiêu biểu các bài báo đã đăng của Hữu Ngọc, viết sau khi nghỉ hưu. Cuốn sách đã giành được Giải Vàng của Giải thưởng Sách Việt Nam, hay giải A của Giải về Thông tin đối ngoại và giải thưởng của nước ngoài.

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc và phu nhân tại nhà riêng

Nhà báo - diễn giả hấp dẫn

Thật không ngoa nếu định danh Hữu Ngọc là “nhà báo viết” kiêm “nhà báo nói”. Trí tuệ mẫn tiệp, vốn tri thức sâu sắc cùng với tài năng diễn giải khiến Hữu Ngọc trở thành diễn giả và ông cũng rất yêu thích công việc này. Hữu Ngọc hay được mời đi nói chuyện về văn hóa Việt Nam cho ngừơi nước ngoài (trong đó có cả Hoàng hậu Đan Mạch hay Na Uy), hay các chính khách, học giả có tên tuổi của thế giới. Đồng thời, ông cũng thuyết trình hoặc nói chuyện về văn hóa thế giới cho khán thinh giả Việt. Cách nói chuyện dí dỏm, sinh động, nhiều thông tin, dễ hiểu đã chinh phục được người nghe - mà tính đến cuối hành trình cuộc đời ông, số thính giả lên đến hàng vạn người. Nhiều người nhận xét, văn phong báo chí của Hữu Ngọc có chất “telegraphic” - kiểu văn phong “điện tín”, súc tích, dễ hiểu, không thừa lời và mỗi câu chữ đều có hàm lượng thông tin nhất định. Một kỷ niệm thú vị là, sau một buổi nghe nhà báo - nhà văn hóa Hữu Ngọc nói chuyện về đề tài văn hóa Việt Nam, khách đã ra về hết ngoài đôi ba phụ nữ Tây còn nấn ná ở lại, như thể chưa muốn về. Một bà tiến lại gần, ngần ngại đề nghị: “Thưa ông, chúng tôi rất thích buổi nói chuyện này. “Chúng tôi có đề nghị nhỏ là, từng người sẽ xin phép ôm hôn ông một lần để thay lời cảm ơn, liệu có được không?” Biết sao giờ? Kết quả là trên má nhà báo-diễn giả lấm tấm vết son hồng như những cánh hoa đào.

Có thể nói, chính Hữu Ngọc cùng với nhà văn hóa - nhà báo tài năng Nguyễn Khắc Viện và một số bậc tiền bối của Nhà xuất bản Ngoại văn đã xây dựng lên một nghệ thuật làm thông tin đối ngoại cho 3 loại hình “báo”,“ chí” và “sách”để sau này làm nên thương hiệu nổi tiếng với bạn đọc trong và ngoài nước, đặc biệt cho tờ tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam và bản thân Nhà xuất bản Ngoại văn (Thế Giới). Người ta có thể định danh ông bằng các từ như Nhà báo, Soạn giả, Tác giả, hay Dịch giả, thậm chí là Học giả, nhưng có lẽ bao quát nhất là “Nhà văn hóa” vì cả đời ông dành cho hoạt động văn hóa, truyền thông văn hóa, trong đó có báo chí.

Nhớ khi Hữu Ngọc mừng thọ tròn một thế kỷ, chúng tôi có tặng ông 4 chữ gói gọn mọi đánh giá về ông: “Việt địa kỳ nhân” (Kỳ tài đất Việt). Ông cảm ơn và dí dỏm nói: “Hóa ra cậu bảo tôi là người kỳ dị à?” Phải chăng, tình đời, tình người, sự yêu nghề, yêu văn hóa - nghệ thuật, yêu cái “Đẹp” cũng phiêu lãng đồng hành cũng Hữu Ngọc suốt cuộc đời. Chuyến “lãng du xuyên thế kỷ” của nhà báo - nhà văn hóa Hữu Ngọc đã tạo cho ông một sức sống, sức lao động trí tuệ mãnh liệt mà ít có người sánh kịp!

 

TRẦN ĐOÀN LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025

;