Thời gian qua, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến các thế hệ mai sau.
Di tích đình cả xã Phượng Vĩ
Di tích Đình cả xã Phượng Vĩ là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đình thờ các vị thành hoàng làng là Đột ngột Cao Sơn; Thánh vương Hùng Nghị; Đại hải thủy tề long vương đại vương; Đại từ quốc mẫu Mĩ Ngọc Nga My Thiên tiên công chúa... Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xã đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác bảo vệ tu tạo các di tích; tăng cường quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di tích; nâng cao chất lượng hoạt động của các ban quản lý di tích. Bên cạnh đó, xã còn ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lồng ghép tổ chức các chương trình văn hóa với phát triển kinh tế địa phương, huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích. Ông Trần Văn Chí - Ban quản lý di tích Đình Cả, xã Phượng Vĩ chia sẻ: “Ban quản lý di tích chúng tôi luôn cố gắng thực hiện tốt sự chỉ đạo của chính quyền địa phương”.
Anh Trần Đức Nhuận - Công chức Văn hóa xã hội xã Phượng Vĩ cho biết: “Để quản lý tốt di tích Đình Cả, ngoài Ban quản lý, hàng năm chúng tôi thực hiện tốt việc tổ chức lễ hội, với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”.
Huyện Cẩm Khê là vùng đất giàu truyền thống, có nhiều đình, đền, chùa với 44 điểm được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh trở lên (có 5 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh). Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương trên địa bàn. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa khoa học và Thông tin huyện phối hợp với Phòng Quản lý di sản - Sở VHTTDL thực hiện việc khảo sát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di tích trình cấp có thẩm quyền xếp hạng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Bá Đạt - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện cho biết thêm: “Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa được huyện đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã đề ra các giải pháp cụ thể để quản lý các di tích đạt hiệu quả”.
Để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, trong thời gian tới, Cẩm Khê sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến toàn thể nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không được xâm phạm di tích. Tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa và công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đến nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi xâm phạm đến di tích. Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp một số di tích đã xuống cấp. Thường xuyên tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của di tích, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: MẠNH THUẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025