Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam do Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức, chiều ngày 19-4, tại Làng dân tộc Khmer, chùa Khmer, Khu các làng dân tộc III, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đã tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây. Với ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên, hướng về những giá trị cổ truyền của dân tộc, đồng thời kết nối các thành viên trong gia đình.

Là một tộc người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Khmer có văn hóa, tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết riêng... và họ sống xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp... Đồng bào Khmer Nam Bộ hầu hết theo đạo Phật thuộc hệ phái Nam tông, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Dân tộc Khmer có nhiều phong tục tập quán, cũng như có vốn văn hóa nghệ thuật rất đa dạng và phong phú.

   

Lễ rước Đại lịch Môha Sang được đồng bào Khmer thực hiện trong ngày thứ nhất (ngày vào năm mới)

Bun Chôl Chnăm Thmây - Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết vào năm mới được tổ chức hằng năm vào các ngày 13, 14 và 15-4 dương lịch (tháng 3 âm lịch). Tết Nguyên Đán của người Khmer nhằm tháng hoàn tất công việc đồng áng, rảnh rỗi hơn các tháng khác trong năm và là tháng vui chơi thoải mái. Trước khi vào Tết Bun Chôl Chnăm Thmây trong chùa cũng như trong nhà đều trang hoàng sạch sẽ. Các vật phẩm cũng được chuẩn bị chu đáo để phục vụ cho việc cúng, dâng cho nhà chùa, đồng thời là dịp đãi khách, và con cháu quây quần vui vẻ ăn uống. Mọi người ăn mặc đẹp, sửa sang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, trang hoàng, quét dọn nhà cửa cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi và bình an.

 

Lễ rước được đưa vào chính điện trong chùa làm lễ, sau đó tất cả mọi người cùng vào lễ Phật và tụng kinh chúc mừng năm mới

Dịp Tết Bun Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trong ba ngày. Ngày thứ nhất gọi là Chol mah ha song kran Chnam Thmay (ngày vào năm mới), tức là ngày rước Đại lịch thay năm cũ vào năm mới. Đại lịch Môha Sang - Kran đặt trong khay sơn son thiếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng (ý nghĩa: vừa là lễ chào mừng mới, vừa là điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy thuộc vào cuộc rước có hoàn thiện hay không, rồi mới vào chính điện làm lễ. Sau đó, tất cả mọi người cùng vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới).

Ngày thứ hai gọi là Thngay vah bot, trong đó có lễ dâng cơm và đắp cát. Mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sáng sớm và buổi trưa cho các vị Sư sãi. Theo đạo Phật hệ phái Nam tông thì các ngày lễ trọng đại hay những ngày rằm, các phật tử mang cơm và thức ăn đến chùa, lạy Phật, dâng thức ăn, thức uống cho các vị Sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo.

Nghi lễ đắp cát với ý nghĩa phúc duyên đắp núi cát

Để đắp núi cát, người Khmer dùng cát sạch đổ thành đống bên ngoài hành lang trước sân chùa. Theo sự hướng dẫn của các vị Achar, người ta lấy cát đắp 9 ngọn núi nhỏ gồm 8 ngọn ở 8 hướng và 1 ngọn ở chính giữa. Ngọn chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất còn lại tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của vũ trụ. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ, tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Nghi lễ đắp cát với ý nghĩa phúc duyên đắp núi cát, đến ngày nay vẫn được người Khmer giữ gìn. Tục đắp cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc để ngày một cao vời, lớn lao như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng.

Người Khmer dù có bận rộn, nhưng đến Tết đều phải đi chùa, đặc biệt là tham gia đắp núi cát. Họ coi đây là hành động tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời tích đức để cuộc sống được tốt đẹp hơn.

Lễ tắm tượng Phật được thực hiện vào ngày thứ 3, cũng là ngày cuối Tết

Vào ngày thứ 3, ngày Thngay Lơn Săk (ngày thêm tuổi), là ngày chính cũng là ngày cuối Tết. Sau khi dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người Khmer sẽ làm nghi lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật; sau đó chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn, đồng thời cũng là dịp để rửa đi những điều không may mắn của năm cũ, để sang năm mới vạn sự như ý.

Bài, ảnh: THÁI AN

;