Xây dựng môi trường du lịch văn hóa tại một số bảo tàng hiện nay

1. Một số vấn đề về môi trường văn hóa và môi trường du lịch văn hóa

Văn hóa là những giá trị tinh thần được đúc kết, lưu giữ và truyền đời qua nhiều thế hệ. Ngày nay, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, văn hóa nói chung và môi trường văn hóa (MTVH) nói riêng tại Việt Nam đã có những biến đổi ở một số góc độ. MTVH là một bộ phận quan trọng, một phương diện cốt lõi của văn hóa, phản ánh chân thực bản chất, trình độ phát triển của nền văn hóa trong xã hội đó. Sự thâm nhập của hệ thống giá trị, chuẩn mực đó vào các thiết chế gia đình, nhà trường, xã hội; vào các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội như: khoa học, giáo dục - đào tạo, đạo đức, thẩm mỹ... sẽ tạo ra một MTVH tương ứng, góp phần nuôi dưỡng, hình thành một kiểu mẫu nhân cách sáng tạo đáp ứng yêu cầu đặt ra của đời sống xã hội.

Nói đến MTVH là nói đến những giá trị, chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội đang tồn tại quanh ta, thường xuyên tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta nhằm thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa con người với con người, phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Theo PGS, TS Lê Quý Đức, khái niệm MTVH được nhắc nhiều, song, chưa có sự chỉ dẫn rõ ràng, có khi lẫn lộn giữa khái niệm MTVH với đời sống văn hóa. Ông cho rằng, MTVH là một bộ phận của môi trường sống con người, bao gồm tổng thể hữu cơ các yếu tố vật thể, tinh thần và quan hệ xã hội mang tính nhân văn, tác động qua lại với con người. Chúng quy định sự sáng tạo văn hóa, nhu cầu sinh hoạt văn hóa và định hướng giá trị của đời sống con người. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phải “tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”. Rõ ràng, một MTVH lành mạnh là cơ sở để phát triển kinh tế, bình ổn xã hội, cân bằng môi trường. MTVH bị tổn thương sẽ dẫn đến các hệ lụy không thể lường hết được.

Liên quan đến nội dung này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ lý luận đến thực tiễn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Xây dựng MTVH lành mạnh đang trở thành vấn đề toàn cầu. Điều này cũng dễ hiểu vì trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường đang được toàn cầu hóa, nhân loại đang phải chứng kiến một nghịch lý: sản xuất của cải vật chất không ngừng được tăng lên, nhưng những giá trị tinh thần nhằm tạo nên sự gắn kết con người, sự bình đẳng và an sinh xã hội thường xuyên bị đe dọa. Cùng với sự suy yếu của các giá trị mang tính cộng đồng như lòng nhân ái, vị tha, lòng trắc ẩn… xã hội đang phải chứng kiến sự xuất hiện một cách kín đáo hay lộ liễu những thói hư tật xấu vốn rất xa lạ với đạo lý làm người của dân tộc.

Khó khăn lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải là chưa có những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường và của toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thói vô cảm, tâm lý tiêu dùng vật chất - vốn là mặt trái của kinh tế thị trường đang có điều kiện thâm nhập vào các ngõ ngách của đời sống, thậm chí từ trong từng gia đình. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin thông qua internet đang cuốn hút một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là lớp trẻ vào thế giới ảo. Sự xuống cấp trong đạo đức học đường, trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ đều đang góp phần làm ô nhiễm MTVH của đất nước. MTVH tốt đẹp sẽ tương thích và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa tinh thần vì thành phần cơ bản của MTVH bao gồm tình trạng đời sống văn hóa của công chúng, tình trạng giáo dục khoa học kỹ thuật, tình trạng đạo đức xã hội và tình trạng tư tưởng. MTVH hiện thực bao gồm các loại hình văn hóa, hoạt động văn hóa, tâm lý văn hóa, nên ở đó, tồn tại cả cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu... MTVH có tác dụng thúc đẩy tích cực đối với phát triển kinh tế, MTVH tốt đẹp có thể điều hòa, sửa chữa, uốn nắn tính hẹp hòi của quan điểm giá trị vì lợi nhuận của kinh tế thị trường. Tăng cường xây dựng MTVH tạo dựng nên một môi trường lành mạnh, văn minh, phát triển là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện phát triển toàn diện con người.

2. Xây dựng MTVH tại các bảo tàng quốc gia phục vụ du lịch

Thời gian qua, khi nói đến hệ thống các thiết chế văn hóa nói chung và hệ thống bảo tàng tại Việt Nam nói riêng, công chúng thường hay nhắc đến những thiết chế văn hóa đa phần thiếu sức sống, vắng khách tham quan và những không gian trưng bày rập khuôn, ít có sự đổi mới, hiện đại và sáng tạo, đồng nghĩa với việc môi trường du lịch văn hóa tại các thiết chế đó chưa thực sự đem lại giá trị cảm nhận, giá trị chiêm ngưỡng, giá trị tìm hiểu kiến thức, giá trị trải nghiệm.

Theo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch tại Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 24-12-2018 của Bộ VHTTDL, đến năm 2021, các bảo tàng được đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; số lượng khách tham quan bảo tàng hằng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách tham quan là học sinh, sinh viên; đội ngũ viên chức, người lao động của các bảo tàng được nâng cao về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ để đem tới sự hài lòng đối với khách tham quan.

 Đến nay, với nội hàm thay đổi căn bản về chất là: đổi mới trưng bày, giới thiệu; đổi mới tư duy truyền thông, marketing và đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, trong đó, công tác đổi mới trưng bày, nâng cao hiệu quả phát huy giá trị các tác phẩm, hiện vật trưng bày sẽ phải gắn với chiến lược, mục tiêu, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có tầm nhìn và gắn với đội ngũ nhân lực trực tiếp phục vụ cho các hoạt động đó, được biết, các bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã điều chỉnh cách tiếp cận, tư duy và xây dựng một MTVH nói chung và môi trường du lịch văn hóa phù hợp với sự phát triển của xã hội, thị hiếu, sở thích và nhu cầu của du khách, công chúng. Theo quan điểm của người viết, các thiết chế văn hóa bảo tàng (không chỉ là các bảo tàng cấp quốc gia nêu trên) cần tập trung xây dựng theo các khía cạnh sau:

Một là, xây dựng môi trường du lịch văn hóa công sở văn minh, thân thiện, nhân văn, lành mạnh, có nền nếp, phát huy theo từng vị trí việc làm để mỗi cá nhân sẽ làm việc chuyên nghiệp.

Hai là, kết hợp hài hòa giữa con người làm việc trong cơ quan theo từng lĩnh vực chuyên môn với việc phục vụ đón tiếp du khách, công chúng, giao tiếp ứng xử văn minh, bởi môi trường du lịch văn hóa được xem là phát huy được giá trị tốt nếu thiết chế văn hóa đó được công chúng quan tâm, đón nhận.

Ba là, bên cạnh không gian, cảnh quan, cơ sở vật chất, không gian trưng bày, trải nghiệm, bảo tàng sẽ chú trọng kết hợp với giá trị thẩm mỹ, giá trị tinh thần và giá trị cảm nhận qua tương tác dành cho du khách, công chúng thông qua cách thức trưng bày, các điểm đẹp để check-in, không gian dịch vụ, đồ uống, đồ lưu niệm, các công nghệ hiện đại phục vụ công chúng như I Museum, 3D tour, thực tế ảo… và đặc biệt là thái độ phục vụ cùng chất lượng dịch vụ.

Bốn là, triển khai công tác truyền thông hiệu quả qua trang web, fanpage, YouTube, các kênh thông tin truyền thông báo chí và các loại hình Online Marketing để tạo một MTVH thân thiện, mến khách, phục vụ tối đa nhu cầu công chúng.

Có thể nói, việc xây dựng MTVH văn minh, thân thiện, tạo thương hiệu và vị thế, cần đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, các bảo tàng xây dựng thương hiệu bảo tàng uy tín, giá trị trong nước và trong khu vực, là một thiết chế văn hóa có MTVH đặc thù, giá trị và là một điểm đến được đông đảo công chúng Việt Nam và du khách quốc tế quan tâm lựa chọn mỗi khi đến du lịch Hà Nội. Việc phát huy giá trị các tác phẩm, hiện vật trưng bày cần đặc biệt quan tâm hướng đến thế hệ trẻ Việt Nam, du khách nước ngoài, có giá trị rất quan trọng, không chỉ giúp nâng tầm bảo tàng, tạo lập thương hiệu, vị thế trong lòng công chúng, mà còn góp phần quảng bá vẻ đẹp, thẩm mỹ và tinh hoa nước nhà đến các thế hệ học sinh, sinh viên, du khách quốc tế.

Được biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu trong hai năm 2021-2022, trong đó không chỉ có học sinh, sinh viên mỹ thuật mà còn rất nhiều học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành Du lịch, Việt Nam học, khoa học xã hội nhân văn... Đây chính là nền tảng căn bản để gây dựng thương hiệu và xác lập vị thế bảo tàng trong lòng công chúng và tiến tới xây dựng môi trường du lịch văn hóa trong tương lai. Ngoài ra, cần xác lập vị thế của một bảo tàng mỹ thuật hàng đầu trong khu vực thông qua đánh giá, ghi nhận của giới chuyên môn mỹ thuật quốc tế, du khách quốc tế. Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nỗ lực xây dựng môi trường du lịch văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, tiếp cận thế hệ trẻ qua công nghệ, giáo dục trải nghiệm, truyền thông mạng xã hội, góp phần quan trọng để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo hậu COVID-19 với hàng trăm nghìn du khách nước ngoài mỗi năm cùng hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử. Bảo tàng Hồ Chí Minh dù gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn COVID, nhưng cũng đã coi việc xây dựng môi trường du lịch văn hóa trong thời đại công nghệ số là chủ trương cần hướng đến, cải tạo môi trường cảnh quan, cơ sở vật chất, bộ nhận diện thương hiệu nổi bật. Bên cạnh phát huy lợi thế là một MTVH gắn với các hiện vật, hình ảnh, tư liệu và những câu chuyện về Bác Hồ, Bảo tàng cũng đã tìm cách phát huy thế mạnh này để phát triển các sản phẩm phục vụ công chúng, giới trẻ và du khách.

Ngoài ra, việc đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo cả về nội dung và hình thức trưng bày các tác phẩm, hiện vật cũng rất quan trọng trong việc tạo lập môi trường du lịch văn hóa: các bảo tàng cần đẩy mạnh đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đổi mới công tác trưng bày hướng đến công chúng và song hành cùng xu hướng phát triển bảo tàng trên thế giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, tương tác, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến giá trị bảo tàng nói chung và du lịch nói riêng hằng năm.

Vấn đề nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật gắn với công nghệ cao phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu các tác phẩm, hiện vật, tăng cường quảng bá, truyền thông là cách thức quan trọng để xây dựng môi trường du lịch văn hóa cho các thiết chế văn hóa: Công tác cải tạo cảnh quan cơ sở vật chất, truyền thông, quảng bá ở mỗi bảo tàng là một trong hai công tác quan trọng nhất góp phần phát huy giá trị các tác phẩm, hiện vật, đồng thời góp phần tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho các bảo tàng, tạo giá trị cho việc xây dựng MTVH. Trang web, fanpage, Instagram cần đẩy mạnh và hướng tới quảng bá trên các trang mạng dịch vụ đặt chỗ du lịch lớn nhất thế giới (OTA) như booking.com, agoda.com, airbnb.com hay các trang tìm kiếm, đánh giá chất lượng du lịch điểm đến hàng đầu thế giới và khu vực như tripadvisor.com, ivivu.com

Cuối cùng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định mọi vấn đề nêu trên trong việc xây dựng MTVH và môi trường du lịch tại các bảo tàng. Tư duy của người đứng đầu về xây dựng MTVH, môi trường du lịch là yếu tố đầu tiên. Nguồn nhân lực của các bảo tàng được nâng cao về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ để đem tới sự hài lòng đối với khách tham quan. Đội ngũ bán vé, bảo vệ, trực tầng cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Suy cho cùng, dù công nghệ có hấp dẫn, trưng bày đổi mới, cảnh quan đẹp, cơ sở vật chất tốt, nhưng nhân sự không tốt thì sẽ không thể tạo dựng được một môi trường du lịch văn hóa tốt đẹp.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.

2. Trần Văn Bính, Xây dựng môi trường và hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa, Báo Nhân dân, 25-5-2019.

3. Mai Hải Oanh, Xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm văn hóa gia đình ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, 2017.

4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về môi trường văn hóa và đời sống văn hóa của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2022.

TS NGUYỄN ĐỨC THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;