• Nghệ thuật > Âm nhạc và múa

Làn điệu, bài bản hát trong vở Hộ sinh đàn của Đào Tấn

Tóm tắt: Đào Tấn, người có công đóng góp nhiều kịch bản Hát bội phổ biến ở Bình Định như: Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Đào Phi Phụng, Cổ thành... Hộ sinh đàn (HSĐ) là một trong những kịch bản hát bội của Đào Tấn được lưu truyền trong dân gian Bình Định, thể hiện phong cách hát bội Bình Định (HBBĐ). Tuy nhiên, qua thời gian, làn điệu, bài bản hát trong kịch bản này ngày càng trở nên mai một trong biểu diễn HBBĐ. Xác định làn điệu, bài bản hát trong vở HSĐ và nhận diện sự thay đổi trong thực tế biểu diễn vở HSĐ hiện nay ở Bình Định so với kịch bản của Đào Tấn là việc làm cấp bách, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị nghệ thuật của phong cách HBBĐ. Bài viết trình bày về các làn điệu, bài bản hát trong vở HSĐ, cụ thể: xác định số lượng, tỉ lệ các dạng làn điệu, bài bản hát của từng nhân vật trong vở diễn này với những giá trị nghệ thuật của chúng; sự thay đổi về làn điệu, bài bản hát trong thực tế biểu diễn vở HSĐ so với kịch bản của Đào Tấn.

Phụ nữ Việt Nam trong dòng ca khúc cách mạng

Tóm tắt: Bài viết tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong các ca khúc cách mạng, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hình ảnh người phụ nữ kiên cường, bất khuất, dũng cảm đối mặt với kẻ thù, vừa sản xuất, vừa chiến đấu được thể hiện qua nhiều ca khúc. Tình yêu quê hương đất nước, niềm tin vào Bác Hồ, vào cách mạng, sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam cũng được các nhạc sĩ khai thác và truyền tải qua những giai điệu và lời ca sâu sắc. Bài viết cũng đề cập đến những khó khăn, mất mát mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh. Đó là nỗi nhớ chồng con, là sự hy sinh tuổi thanh xuân, là những nỗi đau không thể bù đắp. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai, vào độc lập tự do của dân tộc.

Vở nhạc kịch La Bohème của Giacomo Puccini

Tóm tắt: La Bohème là một trong những vở nhạc kịch (opera) được yêu thích và trình diễn nhiều nhất của Giacomo Puccini. Vở opera gồm 4 màn, kể về câu chuyện diễn ra ở Paris vào những năm 1830. Mỗi màn tái hiện một giai đoạn trong mối tình của Rodolfo - một nhà văn trẻ với Mimì - một cô thợ may xinh đẹp nhưng yếu đuối và xoay quanh cuộc sống nghèo khó của 4 chàng nghệ sĩ: Rodolfo, Marcello, Schaunard và Colline. Vở nhạc kịch được viết lời bởi Giuseppe Giacosa và Luigi Illica, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Scènes de la Vie de Bohème (Cuộc sống của những người lưu đãng) của nhà văn người Pháp Henri Murger. Tác phẩm ra mắt lần đầu tại Teatro Regio ở Turin, Ý, vào ngày 1-2-1896. Vở opera này không chỉ nổi tiếng bởi cốt truyện cảm động mà còn bởi âm nhạc đầy màu sắc và tinh tế. Bài viết giúp chúng ta khám phá vở opera La Bohème từ các khía cạnh như: bối cảnh lịch sử, cấu trúc, giai điệu, hòa âm cho đến việc sử dụng dàn nhạc và vai trò của âm nhạc trong việc phát triển nhân vật.

Nhạc khí thân vang của người Xơ Đăng ở Quảng Ngãi

Tóm tắt: Bài viết đi sâu nghiên cứu về các loại cồng chiêng trong đời sống văn hóa của tộc người Xơ Đăng. Tộc Xơ Đăng, cư trú lâu đời bên triền Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc miền Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi sẽ trình bày về: bộ ching 3 chiếc; Bộ ching Can 4 chiếc; Bộ ching Năng 6 chiếc; Bộ ching 7 chiếc; Bộ ching H’lênh (gồm các biên chế: 8, 9, 10, 12-15 chiếc); Một số bài bản ching Xơ Đăng. Qua đó, bài viết làm sáng tỏ các vấn đề về nhạc khí học, các thông số khoa học về hình dáng, kích cỡ của từng bộ ching; cách đặt tên từng chiếc ching trong từng bộ ching; cũng như vấn đề chức năng, môi trường diễn xướng và bài bản của ching trong đời sống của cộng đồng Xơ Đăng.

Sự nối tiếp từ Nói Lối qua Hát Nam trong hát bội Bình Định

Tóm tắt: Trong biểu diễn hát bội, việc sử dụng các làn điệu hát tùy vào phong cách hát bội từng vùng miền. Tác giả kịch bản hát bội thường ghi chú tên từng loại làn điệu, bài bản hát trong kịch bản để diễn viên sử dụng khi biểu diễn. Với khả năng thấu hiểu nội dung, tình tiết trong vở diễn, đào/ kép hát bội chọn lựa từng dạng làn điệu, bài bản hát phù hợp với tình huống, tính chất, tâm trạng nhân vật. Khi sử dụng các làn điệu hát, sự tiếp nối từ điệu hát này sang điệu hát khác trong biểu diễn hát bội Bình Định (HBBĐ) góp phần thể hiện nét riêng về phong cách hát. Bài viết trình bày về sự tiếp nối phổ biến của hai điệu hát chính trong HBBĐ là Nói Lối và Hát Nam. Đây là sự kết hợp hai điệu hát có cùng tính chất, hơi và thể hiện tín hiệu giao lưu biểu diễn giữa diễn viên và nhạc công HBBĐ.

Quy tắc hát điệu hát Nam trong hát bội Bình Định

Hát điệu hát Nam căn cứ vào lời hát và tình huống sử dụng. Quy tắc hát từng dạng hát Nam được hình thành qua việc phân tích lời hát và tình huống sử dụng của từng dạng hát Nam, từ đó, phân chia câu, vế Trống, Mái và áp dụng cách ngắt hơi chừa chữ, luyến láy, sử dụng thang âm phù hợp với từng dạng hát Nam. Hiện nay, các làn điệu âm nhạc hát bội Bình Định (HBBĐ) nói chung và hát Nam ngày càng mai một bởi cách thức lưu truyền phổ biến truyền khẩu. Vì vậy, để góp phần bảo tồn âm nhạc HBBĐ, ngoài việc lưu giữ các video HBBĐ cần bổ sung cụ thể quy tắc hát bằng văn bản (như ký âm nốt nhạc). Bài viết trình bày chi tiết về quy tắc hát từng dạng với các bản ký âm nốt nhạc minh họa cho từng dạng của loại hình nghệ thuật diễn xướng này.

Âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then của người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh và vấn đề bảo tồn, khai thác

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu và mang đến nhiều ý nghĩa đặc biệt. Ca từ phản ánh cuộc sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của địa phương, với nhiều làn điệu đa dạng, phong phú, từ những làn điệu vui tươi, sôi động đến những làn điệu sâu lắng, trữ tình bài bản, rõ ràng. Bài viết đưa ra những đề xuất bước đầu liên quan đến việc bảo tồn, khai thác, phát huy âm nhạc trong diễn xướng nghi lễ lẩu Then Bình Liêu.

Hát xẩm trong không gian phố cổ Hà Nội hiện nay

Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân đang nỗ lực nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của xẩm trong đời sống đương đại. Bài viết đề cập đến biểu diễn hát xẩm góp phần lan tỏa giá trị di sản trong không gian phố cổ Hà Nội, cùng những nỗ lực đưa hát xẩm mang hơi thở mới của thời đại phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch đến với Hà Nội và đặt ra các vấn đề đối với biểu diễn xẩm trong phố cổ Hà Nội hiện nay.

Thực trạng tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc ở Việt Nam

Lễ tế đàn Xã Tắc đã có từ lâu đời dưới thời các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam. Theo Ðại Việt sử ký toàn thư thì đàn Xã Tắc đã có từ năm Mậu Tý (1048, dưới thời Vua Lý Thái Tông), là một trong những lễ Đại tự có vị trí quan trọng dưới thời các vua triều Nguyễn ở Huế (1802-1945). Bằng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu phi thực nghiệm và phương pháp chuyên gia, chúng tôi muốn cung cấp những dữ liệu về thực trạng tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc dưới các triều đại phong kiến Lý - Trần - Lê - Nguyễn, nguyên nhân suy thoái của nhạc lễ cung đình Việt Nam nói chung, nhạc lễ trong tế đàn Xã Tắc nói riêng, cũng như quá trình phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa, âm nhạc của lễ tế đàn Xã Tắc từ năm 2008 đến nay gắn với nhu cầu phục vụ du lịch và tham gia lễ hội Fetsival Quốc tế Huế hiện nay.

Nguồn lực nhân lực ngành Công nghiệp âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh

Âm nhạc là một bộ phận của văn hóa. Trong xu thế phát triển tất yếu của công nghiệp văn hóa những năm gần đây thì lĩnh vực biểu diễn âm nhạc cũng đang chứng kiến sự “trỗi dậy” nhanh chóng của những hiện tượng, trào lưu mới. TP.HCM được coi là trung tâm văn hóa giải trí lớn nhất cả nước. Sự cuốn hút, sôi động của ngành công nghiệp âm nhạc nơi đây được tạo nên bởi nhịp độ hiện đại hóa không ngừng, tính đa dạng của thị hiếu khán giả và quan trọng hơn cả đó là sự “dồi dào” cả về lượng và chất của nguồn nhân lực.

Một số hình thức đơn ca phổ biến trong Opera

Opera là một loại hình nghệ thuật sân khấu kết hợp âm nhạc, lời ca và diễn xuất để kể một câu chuyện. Nó có nguồn gốc từ Ý vào TK XVII và nhanh chóng trở nên phổ biến ở châu Âu. Vở opera được đánh giá cao bởi sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác, tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật đầy cảm xúc và mãn nhãn cho khán giả. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của opera là các tiết mục đơn ca, chúng góp phần quan trọng trong việc thể hiện nội dung, phát triển cốt truyện của vở opera. Bài viết tập trung nghiên cứu về những hình thức đơn ca phổ biến nhất trong opera.