… Ai về Bình Ðịnh quê tôi, Trước xem hát bội, sau coi đi quyền… Dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đến duyên hải miền Trung Nam Bộ với nhiều rặng núi đâm ra biển. Trong đó, Bình Ðịnh có núi non trùng điệp, địa thế hiểm trở, những rặng núi phân chia từ dãy Trường Sơn đổ về phía biển Đông tạo nên địa thế Bình Ðịnh như một chiếc ngai vàng, tựa lưng vào núi, xoay mặt ra biển Đông.
Chân dung võ sư Diệp Trường Phát
Theo phong thủy, đây là một vùng địa linh nhân kiệt. Thực hư chưa rõ đúng hay sai nhưng sự thật vùng đất này đã sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ… và nhất là “Tây Sơn tam kiệt” gồm 3 anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Trong đó, Hồ Thơm - Nguyễn Huệ, tức vua Quang Trung là anh hùng dân tộc, người đã chỉ huy quân Tây Sơn đánh tan hai mươi chín vạn quân xâm lược nhà Thanh, đập tan giấc mộng xâm lăng bá quyền của đế quốc phong kiến Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Năm 1771, ba vị anh hùng áo vải Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng nhau khởi nghĩa đánh bại chúa Nguyễn. 5 năm sau (1776), Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, cho sửa sang thành Ðồ Bàn đặt làm thành Hoàng Đế.
Sau khi Vua Quang Trung băng hà, lực lượng quân đội Tây Sơn càng ngày càng yếu, trong khi đó, Nguyễn Ánh lại được người Pháp giúp đỡ. Năm 1801, Nguyễn Ánh dưới sự yểm trợ của thưc dân Pháp đánh chiếm phủ Quy Nhơn và đổi tên phủ Quy Nhơn thành phủ Bình Ðịnh. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long, chỉnh đốn việc cai trị, đổi phủ Bình Ðịnh thành trấn Bình Ðịnh (1810).
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua học theo cách tổ chức của Thanh triều bên Trung Hoa, đổi trấn thành tỉnh, Bình Ðịnh trấn thành tỉnh Bình Ðịnh từ đó (xem bản đồ tỉnh Bình Ðịnh).
Chuyện người học trò đa tình ở Bình Ðịnh ra Huế đi thi và rủ rê cô gái đất kinh đô bằng những câu thơ như một lời giới thiệu vùng đất “xứ nẫu” rằng:
Mải vui Hương Thủy Ngự Bình
Ai vô Bình Ðịnh với mình thì vô.
Chẳng lịch so bằng kinh đô
Bình Ðịnh không đồng khô cỏ cháy
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao…
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh…
Những câu thơ của người học trò thuở xa xưa đã mô tả một vùng đất Bình Ðịnh hữu tình và tuyệt đẹp với những dòng sông, những dãy núi cao, hàng chục ngôi tháp Chăm cổ, rồi đến danh thắng Hầm Hô, thành Ðồ Bàn, đầm Thị Nại…
Ðầm Thị Nại rất rộng nhờ bán đảo Phương Mai bao bọc bên ngoài với hai cửa Cát Thử và đất liền Quy Nhơn. Vào thế kỷ XVII, Bình Định không những là cửa ngõ giao thương với các địa phương trong nước và quốc tế và còn là một vị trí chiến lược hiểm yếu. Bình Ðịnh có đầy đủ thành phần kinh tế như nông, lâm, thủy sản. Ðặc sản lại có yến sào Quy Nhơn, trầm hương Bình Khê, nón ngựa Gò Găng, bột đậu xanh, bún Song thằng An Thái, nước mắm Gò Bồi, xoài tượng Phù Cát cùng với dừa Tam Quan ngọt ngào, tươi mát.
Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong.
Muốn ăn nhút thì về quê với bố.
Muốn ăn quít, ăn hồng,
Theo cha mày mà về ngoài đó,
Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ,
Muốn ăn bánh tét, bánh tổ,
Thì theo tao, ở mãi trong này…
(Thơ Xuân Diệu)
Người Bình Ðịnh là người xứ “Nẫu”. Trong giao tiếp hằng ngày, những chữ có âm “ôi” thường bị phát âm thành “âu” vì vậy mà có người trêu ghẹo rằng: “Trời tấu, tới nhà ông xã Ðậu, bị té sưng cái đầu gấu” (có nghĩa là Trời tối, tới nhà ông xã Dội, bị té sưng cái đầu gối”).
Người Bình Ðịnh vốn dĩ chất phác, từ tốn, đôn hậu và rất hiếu khách, vì vậy xứ sở Bình Định còn được dân gian gọi với cái tên rất thân thương là “xứ Nẫu”. Tuy nhiên, người Bình Định xưa dù trai hay gái, già hay trẻ đều rất ham thích học võ nên đã sản sinh ra nhiều người giỏi võ. Vì vậy đất Bình Định còn được gọi là “đất võ”…
Võ Tây Sơn
Khi nói đến võ Tây Sơn, chúng ta thường có cảm nhận đó là một bộ môn võ thuật quen thuộc và có đôi chút tự hào về những đóng góp của môn võ cổ truyền này trong công cuộc giữ gìn đất nước của tổ tiên. Chúng ta có cảm giác thân thương với võ Tây Sơn Bình Định vì những câu chuyện về các võ nhân, võ sư đã trở thành các vị anh hùng dân tộc. Ngày nay, với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, chiến tranh giữa các nước, không còn dùng đến võ thuật như là một phương pháp quyết định thắng bại nên bộ môn võ nghệ không còn được chú trọng như trước nữa. Võ Tây Sơn ngày xưa vừa có tính bình dân lại vừa có tính uyên bác.
Võ Bình Định - võ bình dân
Ngày xưa võ Tây Sơn rất phổ thông trong dân gian. Nhà nhà luyện võ, trong mỗi gia đình thường ít nhiều cũng có người biết võ, luyện võ: một anh nông phu chân lấm tay bùn hay một thiếu nữ lam lũ, một chàng Nho sinh hay một cụ già. Võ Bình Định vừa là môn thể dục cường thân mẫn trí và một nghệ thuật sống, vừa là kỹ thuật để giữ làng, giữ nước. Khác với các môn phái võ thuật ngày xưa ở bên Tàu như Thiếu Lâm, Võ Ðang có chưởng môn, có vùng đất để cai quản, có một hệ thống truyền dạy, võ Việt cổ truyền nói chung và võ Tây Sơn Bình Ðịnh nói riêng lại hoàn toàn khác. Từ làng tới xã đến huyện, đâu đâu cũng có thầy dạy võ, người biết nhiều, kẻ biết ít, cha dạy con, vợ học chồng. Vì vậy, võ Bình Định được truyền thụ trực tiếp từ những nguời thân thích trong gia đình, họ hàng bà con thân quyến như những lời ca điệu hát dân gian đã đi vào tâm thức người Việt từ khi còn tuổi ấu thơ.
Và Tiến sĩ, Cử nhân võ
Suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, nước ta có rất nhiều vị anh hùng hào kiệt văn tài võ lược nhưng rất ít người viết sách về võ thuật lưu truyền cho hậu thế. Võ Tây Sơn không có sách vỡ lưu truyền. Nhưng cách truyền dạy trực tiếp nói trên đã giúp võ Tây Sơn - Bình Định sống mãi đến ngày nay. Bên cạnh đó, võ Tây Sơn còn có những bài “Thiệu”. “Thiệu” là thơ của võ học Việt Nam, Bài “Thiệu” được viết bằng nhiều thể loại khác nhau, là những bí kíp võ công, chỉ dẫn những chiêu thức võ thuật và tư tưởng luyện tập cũng như sự hun đúc chí khí cho người luyện võ.
Khác với ca dao, tục ngữ, dễ đọc dễ hiểu, những bài “Thiệu” của võ Tây Sơn lại dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích và chuyên chở triết lý Việt - Nho.
Ca dao Việt Nam rất dễ thuộc, dễ hiểu ví dụ như câu ca:
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen…
Còn bài “Thiệu” thì dùng toàn nghĩa Hán cổ nên rất khó thuộc, khó hiểu:
Ngọc trản ngân đài,
Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Luyện diệp liên ba, tả sát túc...
(Bài thiệu Ngọc Trản thần công)
Triết lý trong võ Tây Sơn - Bình Định:
Nước ta thời xưa có câu ca:
Văn quan cầm bút an thiên hạ
Võ tướng đề đao định thái bình.
Nghĩa là muốn đất nước được thái bình thịnh trị, triều đình phải có một quốc sách đối nội nhân hòa và đối ngoại khôn khéo. Quốc sách ấy phải nâng cao trình độ dân trí, mưu cầu phúc lợi cho dân, tu chính luật pháp nghiêm minh…
Võ cũng như văn, đều dạy con người sống cho phải đạo, mọi việc hành xử phải thuận lòng người, hợp với lẽ của tạo hóa, theo tam giáo đồng nguyên và đạo thờ cúng ông bà. Ba tính chất khác biệt của tam giáo bổ sung cho nhau thành nền móng tư tưởng đạo lý truyền thống Việt nam. Hệ tư tưởng này cũng giàn trải trong các bài thiệu của võ học Tây Sơn ngày xưa.
Những dòng võ Tây Sơn
Trước tiên chúng ta xác định rõ hơn những danh xưng như: võ Tây Sơn, võ Bình Ðịnh và võ Tây Sơn Bình Ðịnh. Ba cách nói đó có ý nghĩa khác nhau.
Võ Tây Sơn là võ Việt Nam bắt nguồn từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ hàng nghìn năm trước, từ thời đại vua Hùng lập quốc, Thánh Gióng nhổ bụi tre làm vũ khí quét sạch giặc Ân đến Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo và hoàng đế Quang Trung. Võ Tây Sơn này còn có cả kỹ thuật chiến đấu của người Banar và Rade trên cao nguyên trung phần.
Võ Bình Ðịnh là dòng võ của những di dân mới sau khi Quy Nhơn đổi thành Bình Ðịnh và do những đợt di dân mới trong đó có cả người Minh Hương (gốc Hoa) cư ngụ tại tỉnh Bình Ðịnh.
Võ Tây Sơn Bình Ðịnh là cách gọi chung các dòng võ Việt Nam, Trung Hoa và Việt - Hoa giao thoa từ vài thế kỷ trước đến nay. Phải nhìn nhận một sư thật, mặc dù võ Việt cổ truyền đã tiến tới trình độ siêu việt nhưng khi có võ thuật của người Hoa (võ Tàu) và võ của người Minh Hương (phối hợp với võ Việt và Hoa như dòng máu Hoa - Việt của họ) thì võ thuật Tây Sơn Bình Ðịnh ngày càng khởi sắc hơn, được cải đổi theo môi trường địa lý và đời sống kinh tế xã hội nhờ có sự giao tiếp, tranh đua và tầm nhìn rộng rãi hơn.
Ðã về Bình Ðịnh thăm miền đất võ thì phải đến An Thái, An Vinh và Thuận Truyền vì đó là ba cái nôi võ học ở vùng này từ giữa thế kỷ XVIII tới nay.
Roi Thuận Truyền, quyền An Thái
Trai An Thái, gái An Vinh
Sau khi thăm điện thờ “Tây Sơn tam kiệt” và xem đánh nhạc võ tại Bảo tàng Quang Trung, ta hãy đi theo hướng tả ngạn sông Côn về phía Đông khoảng chừng năm bảy cây số thì đến làng Thuận Truyền thuộc thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Thuận Truyền nổi tiếng về roi. Người đứng đầu roi Bình Ðịnh là Hồ Nhu, sinh năm 1891 nhưng người đời vẫn quen gọi là Hồ Ngạnh, đây là tên người con trai duy nhất của cụ (ở Bình Ðịnh có tục người ta hay gọi tên của con đầu thay cho tên cha).
Hồ Nhu học võ với song thân (cha là ông Ðốc Năm, mẹ là Nguyễn Thị Quyến) và ngoại tổ từ lúc còn nhỏ, lớn lên lại thụ huấn với danh sư Ba Ðề và Ðội Sẻ. Về sau lại được chân truyền về môn võ côn pháp và tiên pháp của Tạo sĩ Hồ Khiêm (Tạo sĩ là Tiến sĩ võ) bà con với ông Ðốc Năm, từng là Giáo đầu của vệ sĩ cấm thành Huế, vì có liên can đến phong trào Cần Vương nên phải vào Bình Ðịnh lẩn tránh.
Gần cả năm trời cư trú nhà ông Ðốc Năm, Tạo sĩ Hồ Khiêm ngày đọc sách, tối lại truyền thụ võ thuật cho Hồ Nhu. Sau khi thầy từ biệt, cụ Hồ Nhu càng mải mê thao luyện những đường roi đã học, nên roi của cụ xuất quỷ nhập thần, uyển chuyển mà vững chắc, tiếng tăm càng ngày càng vang xa. Hàng đệ tử gồm có: Hồ Ngạnh, Hồ Cường, Nguyễn Châu. Các vị võ nhân này đã mất trước cả Hồ Nhu. Ông tạ thế vào năm 1976, thọ 85 tuổi, mai táng tại thôn Thuận Truyền, trên phần mộ của ông có ghi hai câu:
Môn đồ trên ân đức
Thao lược thế lưu danh
Ðệ tử và cháu chắt của Hồ Nhu đã lưu truyền đường roi Thuận Truyền độc đáo như Hồ Sừng, Hồ Bửu và Ðinh Văn Tuấn.
Đến thôn An Vinh, xã Bình An, cũng nằm trong huyện Tây Sơn. Gần cả trăm năm trước, người đứng đầu thôn An Vinh là võ nhân Nguyễn Nghĩa, không rõ năm sinh, chỉ biết ông lớn hơn Hồ Nhu độ năm ba tuổi, tục danh là võ sư Năm Nghĩa. Cụ có hai nguời con, một trai tên là Nguyễn Hải, mà người đời thường gọi là võ sư Hộ Hải và người con gái kế là bà Hai Cảo, cả hai đều xuất sắc về võ thuật trong nửa thập niên đầu của thế kỷ 20. Kế đến là võ sư Ðoàn Phong, chuyên về đánh rìu và thích hát bội, ông thích đóng vai Tiết Cương cầm rìu đánh võ. Ngoài ra, còn có võ sư Hương mục Ngạc, có con là võ sư Bảy Lụt và bà Tám Cảng. Tương truyền ngày trước bà có tài cỡi ngựa không cần yên cương mà có thể nhảy lên nhảy xuống dù ngựa đang phi. Còn cố võ sư Phan Thọ cũng là đệ tử ruột của võ sư Bảy Lụt mở lò dạy võ tại Bình Nghi - Tây Sơn.
Trong ba làng võ An Thái, An Vinh và Thuận Truyền thì An Thái tương đối nhiều nhà giàu có hơn, vì ngoài nghề nông, An Thái là một vùng thị tứ sầm uất, nơi có nhiều giao thương, buôn bán như trầu nguồn, măng le, thuốc Bắc, trầm hương… Nhờ vậy mà con trai An Thái tương truyền vừa giỏi võ lại vừa hào hoa; còn con gái An Vinh vừa sắc sảo mặn mà vừa có võ nghệ cao cường như các bà Hai Cảo và Tám Cảng.
Từ Phú Phong sang biên bờ kia của dòng sông Côn là giáp với địa phận làng An Thái, xã Nhơn Phúc, An Nhơn. Làng An Thái nằm giữa hữu ngạn sông Côn và quốc lộ 19 chạy song song với dòng sông Côn, bên phía hữu ngạn. Người đứng đầu của võ thuật An Thái thời bấy giờ là Võ Sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh là Tàu Sáu, cụ là người gốc Hoa Minh Hương, sinh năm 1896 tại làng An Thái, An Nhơn - Bình Định. Năm 13 tuổi, cụ được cha mẹ cho về quê tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Hoa) học tập cả văn lẫn võ. Sau 10 năm, cụ luyện được Long Hổ quyền với võ sư Nam phái Thiếu Lâm và sang Hồng Kông thụ huấn thêm với danh sư Hồng Hà Diệp về Hầu quyền (võ khỉ) và Xà quyền (võ rắn) rồi trở về lại quê ở làng An Thái.
Vốn là người yêu võ thuật, cụ lại nghiên cứu, rút tỉa thêm những tinh hoa võ thuật nơi chôn nhau cắt rốn bên Tàu và bắt đầu truyền bá cho người thân và bà con trong làng An Thái. Bấy giờ, cụ Tàu Sáu mới 28 tuổi, võ phái An Thái xuất hiện với nhiều đệ tử nổi danh như Ba Phùng, Chín Kỳ, Phó Tuần Chẩn, Diệp Bảo Sơn, Diệp Bảo Sanh... Nhiều vị võ sư đến thử tài như Năm Nghĩa, Ðoàn Phong; người Hoa có Ông Beo, Khách Nhét đều công nhận cụ Tàu Sáu là người có chân tài võ thuật. Cụ Hồ Nhu, tục danh Hồ Ngạnh và đệ tử Hồ Cường cũng từng đến An Thái trao đổi võ thuật với cụ Tàu Sáu. Sau trận thư hùng, vì ngưỡng mộ tài nghệ lẫn nhau cả hai cụ đọc mỗi người một câu tặng người kia. Cụ Tàu Sáu đọc: “Côn Thuận Truyền duy hữu chủ”. Cụ Hồ Ngạnh đáp lời: “Vũ An Thái ngã vô song”. Ngoài những môn đồ về võ thuật, cụ Thoại Chi còn đào tạo thêm năm vị lương y xuất sắc cả tài lẫn đức như: Bồ Lang, Diệp Bảo Sơn, Diệp Bảo Sanh, Trịnh Thế Anh và Huỳnh Quốc Hưng. Người địa phương còn truyền lại hai câu thơ:
Trường Phát tôn sư, danh võ thuật
Thúc Mậu Lâm gia, thị văn chương.
An Thái còn có một vị giỏi cả thập bát ban võ nghệ là võ sư họ Tạ, tục danh Tám Kỉa nhưng cụ chỉ truyền thụ cho bà con trong dòng họ, nếu không phải là người của giới võ lâm thì không biết võ sư Tạ là ai, ông cụ mất vào năm 1982.
Phía người Hoa (Minh Hương) cùng thời có võ sư tên Beo xuất sắc về hổ trảo công, có người học trò tên là Thuần, sau nầy là một võ sư tài ba. Võ sư Khách Nhét có biệt tài về đao và kiếm. Cả hai vị này đều cùng quê ở Ðồng Phó, tức khu vực dân cư dưới chân đèo An Khê, cách thị trấn Phú Phong, Tây Sơn khoảng năm cây số…
SÔNG CÔN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025