Giáo dục pháp luật du lịch thông qua hoạt động ngoại khóa cho sinh viên ngành Du lịch

Giáo dục Luật Du lịch cho sinh viên

Luật Du lịch 2017 truyền tải những nội dung đúng đắn và mới mẻ theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn. Nội dung Luật đưa ra các quy định cần thiết mà sinh viên ngành Hướng dẫn du lịch cần nắm vững như sau:

Thứ nhất, Luật Du lịch 2017 quy định có ba đối tượng tham gia hướng dẫn du lịch, đó là: Hướng dẫn viên nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc); Hướng dẫn viên quốc tế (phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài); Hướng dẫn viên du lịch tại điểm (phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch). Hướng dẫn viên du lịch tại điểm thực chất là lực lượng thuyết minh viên du lịch được xác định tên mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, để tránh trùng lắp với lực lượng thuyết minh viên bảo tàng, đồng thời thể hiện rõ được vai trò và bản chất công việc của người hành nghề hướng dẫn du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch.

Thứ hai, Luật Du lịch 2017 kế thừa các quy định về điều kiện cấp thẻ chung cho cả 3 loại hướng dẫn viên của Luật Du lịch 2005, đó là: có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy. Luật Du lịch 2017 tiếp tục duy trì điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa: tốt nghiệp trung cấp trở lên. Luật Du lịch 2017 thay đổi điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế: Luật quy định người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Quy định đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa: người tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nghề trở lên đủ điều kiện về trình độ văn hóa để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Những người không học chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, thay vì quy định học các khóa 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng theo quy định của Luật Du lịch 2005. Luật Du lịch 2017 quy định người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế. Luật Du lịch không quy định yêu cầu về trình độ đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Để được cấp thẻ, người đề nghị phải đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức. Luật Du lịch tiếp tục trao quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Thứ ba, Luật Du lịch 2017 bổ sung quy định về điều kiện hành nghề để tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được tự do lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp). Cụ thể, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau: có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Thứ tư, Luật Du lịch 2017 quy định thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa có thời hạn 5 năm, thời hạn sử dụng dài hơn so với quy định của Luật Du lịch 2005 (3 năm). Khi hết hạn, hướng dẫn viên được đổi thẻ nếu có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đối với thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Luật Du lịch 2017 không quy định thời hạn sử dụng. Việc sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm tùy theo nhu cầu của cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Giáo dục Luật Du lịch cho sinh viên ngành Du lịch thông qua hoạt động ngoại khóa

Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động ngoại khóa cho sinh viên nhằm mục đích giúp sinh viên học tập hiệu quả, thực thi pháp luật và không bị nhàm chán trong mỗi buổi học. Ngoại khóa là hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp không trong phạm vi lớp học, tuy vậy trong quá trình dạy học giảng viên vẫn phải đảm bảo truyền đạt đầy đủ kiến thức cho sinh viên trong các giờ học. Việc tổ chức buổi ngoại khóa nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện tác phong “Sống, học tập, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” cho học sinh, sinh viên góp phần xây dựng văn hóa pháp lý trong nhà trường. Thông qua hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật.

Hoạt động giáo dục pháp luật thông qua hoạt động ngoại khóa đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, tăng cường giao lưu học hỏi của sinh viên. Hệ thống luật thường khó nhớ và khó tiếp thu, nội dung dài và nhiều quy định. Sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm vững hệ thống pháp luật nói chung và Luật Du lịch nói riêng đối với nghề nghiệp của mình. Để tuyên truyền nội dung pháp luật về du lịch thông qua hoạt động ngoại khóa, xin đề xuất một số phương án cụ thể sau:

Thứ nhất, thiết kế bài tập nhóm theo hình thức xử lý tình huống trong giờ học ngoại khóa của sinh viên ngành Du lịch

Trong thực tế, đối với giờ học ngoại khóa, sinh viên sẽ không hoạt động riêng lẻ mà hoạt động theo nhóm để giảng viên dễ dàng quản lý và giúp cho sinh viên có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Đặc biệt, để việc giáo dục Luật Du lịch cho sinh viên đạt hiệu quả cao, giảng viên cần đưa ra những bài tập tình huống trong giờ học ngoại khóa để sinh viên tự tư duy và giải quyết các tình huống. Khi học tập tại lớp, sinh viên được dạy theo các môn học riêng và nghe giảng viên thuyết trình lý thuyết nhiều hơn, ít có dịp luyện tập giống như trong thực tế, các năng lực đòi hỏi lồng ghép nhiều kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhiều vấn đề thực tiễn không giống như khi học, hoặc chưa có giải pháp khuôn mẫu, nên học viên sau tốt nghiệp thường lúng túng, nhất là trong việc ra quyết định xử lý tình huống. Hiện nay, có một số phương pháp dạy cho học viên năng lực xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, đang được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển, hiện đã bắt đầu được vận dụng ở một số cơ sở đào tạo trong nước, cụ thể là sinh viên làm bài tập nhóm theo hình thức xử lý tình huống. Nghiên cứu tình huống còn gọi là nghiên cứu trường hợp điển hình, là một trong những phương pháp dạy học chủ động, được sử dụng ngày càng phổ biến. Phương pháp này nhằm khắc phục tình trạng thực tế trong quá trình học tập, người học không được tự ra các quyết định; nên khi ra thực tiễn sẽ lúng túng, thiếu suy nghĩ, cân nhắc, không đề ra được quyết định hợp lý khi thực hiện nhiệm vụ theo chức trách đảm nhiệm. Có rất nhiều loại tình huống khác nhau và với nhiều mục đích khác nhau được đưa ra trong giờ học ngoại khóa.

Tình huống nêu ra vấn đề phải giải quyết trong buổi học ngoại khóa: việc đầu tiên, người học phải tìm ra vấn đề trong tình huống mà giảng viên đưa ra. Với loại tình huống nêu vấn đề, giảng viên sẽ chuẩn bị một bộ câu hỏi tình huống với nội dung là những quy định chế tài của Nhà nước thông qua sự việc cụ thể để sinh viên dễ hình dung. Thông thường, người học được chỉ định thực hành những vấn đề do tình huống đưa ra.

Tình huống đề cập tới một vụ việc cụ thể thông qua đóng vai trong hoạt động ngoại khóa: loại tình huống này có thể có nhiều hoặc ít thông tin, dữ kiện, nhưng luôn chứa đựng một khó khăn cấp thiết, khó giải quyết. Cuộc thảo luận tình huống loại này thường hướng về hậu quả của những giải pháp do sinh viên đề nghị. Mỗi nhóm sinh viên sẽ thảo luận và đưa ra một tình huống mà nhóm đó thấy khó khăn nếu gặp phải khi hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Mỗi nhóm sẽ đưa ra tình huống của mình và yêu cầu các nhóm còn lại giải quyết vấn đề đó. Sau khi các nhóm đưa ra ý kiến, giảng viên sẽ tổng kết lại cách xử lý tình huống đúng nhất và hợp lý nhất để sinh viên ghi nhớ. Dạy học liên quan đến tình huống đang được áp dụng phổ biến tại các cơ sở đào tạo. Đây là các bài tập tư duy nhằm hình thành năng lực phân tích, ra quyết định xử lý của người học. Việc kết hợp các tình huống với công cụ mô phỏng sẽ làm tăng tính thuyết phục và đẩy nhanh tốc độ hình thành năng lực nghề nghiệp của người học, giúp người học có cảm giác thực hành nghề nghiệp ngay tại nhà trường và có khả năng thích ứng với công việc ngay khi quá trình đào tạo kết thúc.

Thứ hai, vận dụng Luật Du lịch đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong việc tổ chức hoạt động ngoại khóa

Văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực khá sôi nổi và thích hợp đối với những sinh viên theo học ngành Du lịch. Vì vậy, trong hoạt động giảng dạy, giảng viên có thể đan xen nội dung cùng với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như tổ chức những chương trình hoạt động ngoại khóa gắn với văn hóa nghệ thuật có nội dung ứng dụng Luật Du lịch để sinh viên vừa tham gia sôi nổi, vừa có thể nhớ kiến thức và hoàn thành những yêu cầu của nội dung học phần.

Chương trình “Ấn tượng Du lịch” là một hoạt động ngoại khóa được tổ chức đã thu hút đông đảo sinh viên ngành Du lịch tham gia. Khi tham gia chương trình, sinh viên được rèn luyện sự tự tin, thể hiện năng khiếu vượt trội và đặc biệt bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực du lịch nói chung và pháp luật du lịch nói riêng. Đây còn là dịp để giảng viên và sinh viên cùng hòa vào những hoạt động tập thể, xóa đi khoảng cách giữa thày và trò mà đôi khi chính nó là rào cản khiến các em không dám gần gũi, trao đổi với thày cô về các vấn đề học tập.

Để chương trình thực hiện đúng hiệu quả đặt ra, nội dung chương trình cần đảm bảo có mục đích bồi dưỡng kiến thức về pháp luật du lịch cho sinh viên, tất cả các sinh viên du lịch phải tham gia dưới sự hướng dẫn của giảng viên, hình thức tổ chức phải đa dạng mà không quá tốn kém. Ví dụ trong chương trình sẽ có những nội dung như sau:

Nói chuyện về Luật Du lịch: giảng viên sẽ giới thiệu những nội dung chính trong Luật Du lịch qua slide trình chiếu, những video tư liệu hoặc hình ảnh minh họa cho sinh viên dễ dàng hình dung. Sau đó, giảng viên và sinh viên thảo luận, sinh viên đưa ra những câu hỏi để giảng viên trao đổi thêm về nội dung đó.

Hỏi nhanh đáp nhanh: phần thi này chủ yếu đánh giá khả năng ghi nhớ và phản xạ của sinh viên về các nội dung Luật Du lịch. Sinh viên được chia thành các đội, giảng viên sẽ đưa ra những câu hỏi cùng với 3 đáp án để lựa chọn, mỗi đội có 30 giây để đưa ra đáp án của đội mình.

Ấn tượng: mỗi đội trình bày một vở kịch, bài hát, đoạn thơ có nội dung về pháp luật du lịch. Phần thi này giúp những người tham gia vừa ghi nhớ nội dung kiến thức, vừa được thể hiện năng khiếu về văn hóa nghệ thuật.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về ứng dụng pháp luật du lịch trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là biện pháp hiệu quả giúp sinh viên ghi nhớ nội dung kiến thức lâu hơn với việc thể hiện năng khiếu của mỗi cá nhân.

Giáo dục pháp luật du lịch cho sinh viên ngành Du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần có những giải pháp đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để việc phổ biến pháp luật du lịch thiết thực, gần gũi, phù hợp với điều kiện, tình hình học tập của sinh viên. Giáo dục Luật Du lịch thông qua hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa đối với sinh viên Du lịch, những người tham gia công việc trong lĩnh vực du lịch giúp họ hiểu rõ về các quy định của Nhà nước để không nảy sinh ra các hành vi vi phạm pháp luật.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Trọng Rỹ, Một số vấn đề lý luận về phương tiện dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

2. Đỗ Ngọc Thanh, Giáo trình Lý luận dạy học, Nxb Hà Nội, 2006.

3. Mai Quang Huy, Tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

4. Trần Thị Tuyết Oanh, Giáo trình giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006.

Ths VÕ HỒNG NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;