Huyện Kim Thành (Hải Dương) với phong trào xây dựng Làng văn hóa

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng Làng văn hóa nói riêng trên địa bàn huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã phát triển sâu rộng, toàn diện và trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trong huyện.

Cũng giống như nhiều địa phương khác, khi triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa, huyện Kim Thành đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là lối sống, tập quán sinh hoạt, làm ăn, hủ tục lạc hậu của một bộ phận dân cư; là “chủ nghĩa” kinh nghiệm, bảo thủ, trì trệ, không ít trường hợp mâu thuẫn dẫn đến mất đoàn kết giữa các làng xã, dòng họ... Thực trạng trên đã đặt ra vấn đề bức thiết là phải xây dựng đời sống văn hóa mới, gắn với diện mạo nông thôn mới văn hóa - văn minh. Chính vì lẽ đó, sự ra đời, nhân rộng và kết quả mà phong trào xây dựng “Làng văn hóa” đạt được hơn hai thập kỷ đã thực sự thổi một làn gió tươi mới vào đời sống nông thôn Kim Thành.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện được thành lập, có nghị quyết và chương trình hành động cụ thể, xuyên suốt từ huyện đến cơ sở. Ban Chỉ đạo các cấp được củng cố, kiện toàn, đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung của phong trào đến các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và nhân dân. Cấp huyện thành lập một số tổ công tác kiểm tra chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương và cơ quan, đơn vị, qua đó kịp thời biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích, những cách làm hay, việc làm mới trong xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời khắc phục hạn chế nảy sinh.

Vinh dự cho Kim Thành, ngay từ năm 1997, làng Giữa, xã Cổ Dũng và làng Đại Đồng, xã Đồng Cẩm (Đồng Gia cũ) là hai làng đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu Làng văn hóa. Về làng Giữa, xã Cổ Dũng những ngày cuối năm, chứng kiến diện mạo nông thôn khang trang, với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường bê tông đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thẳng tắp, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ nét của một vùng quê. Ông Nguyễn Văn Hoan, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cho biết: “Trong suốt hơn 20 năm được công nhận là Làng văn hóa, người dân nơi đây luôn ý thức việc giữ gìn, phát huy danh hiệu, nhiều năm liền thôn không xảy ra tệ nạn xã hội, không có người sinh con thứ ba, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, công tác vệ sinh môi trường thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ, phong quang, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp... Toàn làng hiện có hơn 600 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, thu nhập bình quân đạt 60 triệu/người/năm. Qua bình xét, tỷ lệ Gia đình văn hóa hằng năm luôn đạt từ 90% - 95%... Làng Giữa được công nhận là Làng văn hóa đầu tiên của Kim Thành, sau đó trở thành cái nôi của phong trào này trên phạm vi toàn huyện” .

Từ hai mô hình đầu tiên, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, đến nay toàn huyện có 91/91 (tỷ lệ 100%) làng, KDC đạt danh hiệu văn hóa. Năm 2019, Làng Bồ Nông (xã Tuấn Việt) là đơn vị cuối cùng trong huyện được công nhận danh hiệu Làng văn hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Phặm Văn Đăng, công chức Văn hóa - Xã hội xã Tuấn Việt cho biết: làng Bồ Nông hiện có gần 60 hộ dân, với gần 185 nhân khẩu, những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa được cán bộ và nhân dân quan tâm thực hiện. Cán bộ và nhân dân trong thôn đã thực hiện quyên góp xây dựng Nhà văn hóa thôn có diện tích 80m2 với tổng kinh phí trên 420 triệu đồng, làm nơi sinh hoạt tập trung của nhân dân trong làng. Vốn là một làng nằm xa trung tâm, được sự quan tâm của xã, cán bộ và nhân dân trong thôn luôn đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tích cực phát triển nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, đời sống của người dân Bồ Nông ngày càng phát triển. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng, 100% số hộ có ba công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, làng đã thành lập được tổ thu gom rác thải hoạt động thường xuyên, đảm bảo đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp, 100% các tuyến đường được bê tông hóa… Tỉ lệ hộ khá tăng, hộ nghèo giảm chỉ còn 0,1%. Tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm luôn được đảm bảo…

Làng Bồ Nông - Lễ đón nhận danh hiệu Làng văn hóa

 

Hơn 20 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, nhiều thôn, làng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chú ý những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao. Kinh tế các làng, khu dân cư văn hóa đều phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, trung bình đạt 50 - 55 triệu đồng/người/năm, có làng đạt 65 triệu đồng/người/năm; 100% hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm được trải bê tông, trải nhựa và vật liệu cứng. Đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao, 100% các làng - khu dân cư đều có đội văn nghệ, hệ thống loa truyền thanh, tủ sách; toàn huyện có 158 câu lạc bộ TDTT, tỷ lệ số người luyện tập TDTT thường xuyên tăng hằng năm, tính đến hết năm 2021 là 32%, số gia đình thể thao là 28,5%. Số các CLB, điểm nhóm hoạt động TDTT cũng tăng dần về số lượng cũng như chất lượng với 134 điểm, nhóm tập luyện TDTT thường xuyên; 100% học sinh hoạt động ngoại khóa TDTT. Công tác y tế, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không để dịch bệnh xảy ra.

Huyện Kim Thành đã phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh khá, giỏi nâng lên rõ rệt, công tác khuyến học được quan tâm. 100% xã, thị trấn có quy định cụ thể và bước đầu thực hiện tốt, lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, lễ hội; công tác quản lý, tổ chức các lễ hội ở các làng, khu dân cư diễn ra theo đúng quy định, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phong phú, trang trọng cả về phần lễ và phần hội. Tình hình an ninh trật tự ở các làng, khu dân cư văn hóa đảm bảo, thực hiện tốt công tác hòa giải được thực hiện tốt, không có án hình sự nghiêm trọng xảy ra. Số gia đình được công nhận đạt danh hiệu Gia đình văn hóa hằng năm đều tăng. Ước tính năm 2021, toàn huyện có 39.908/44.996 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 87,4%), tăng 0,03% so với năm 2020.

Có được những kết quả trên, phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của địa phương, đặc biệt việc thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Lê Văn Nên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện thường xuyên được kiện toàn và hướng dẫn kiện toàn Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn nhằm đảm bảo cơ cấu, thành phần, trong đó phát huy tốt vai trò của Trưởng ban, Phó ban Thường trực - nòng cốt là ngành VHTTDL, Ủy ban MTTQ và Liên đoàn Lao động. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch phát triển các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, Thư viện, sân vận động, sân chơi, bãi tập... Các xã, thị trấn đã kế thừa có chọn lọc tinh hoa các bản hương ước cổ và sửa đổi, bổ sung những quy định mới thành quy ước nếp sống văn hóa lành mạnh được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong thực hiện xây dựng Làng văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia, gương mẫu chấp hành các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh”.

Công cuộc xây dựng làng, KDC văn hóa ở Kim Thành đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các cộng đồng dân cư ổn định về chính trị, từng bước phát triển về kinh tế xã hội. Lễ đón nhận bằng công nhận làng, KDC văn hóa trở thành ngày hội văn hóa, là niềm tự hào của các cộng đồng dân cư. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Kim Thành tập trung nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng. Triển khai đồng bộ và nâng cao hiệu quả của công tác thi đua - khen thưởng, lấy chỉ tiêu duy trì, phát huy danh hiệu Làng văn hóa ở các xã, thị trấn là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại tổ chức Đảng, chính quyền nhằm tạo động lực phát triển phong trào.

Một góc làng Giữa ngày nay

 

THANH TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;