Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt là nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đặt ra sau khi cán đích Nông thôn mới.
Với quan điểm “Lấy sức dân lo cuộc sống cho dân”, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Long Đức đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, các tiêu chí cơ bản ổn định và bền vững. Tuy nhiên, một số tiêu chí: môi trường, thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo… vẫn đang được chính quyền xã nỗ lực duy trì và từng bước nâng cao. Do đó, xã đã và đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua xây dựng NTM đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Long Đức cho biết: “Mặc dù trong điều kiện kinh tế của tỉnh và huyện còn nhiều khó khăn, xã vẫn chủ động xây dựng các giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới. Hiện nay, xã đang tập trung thực hiện tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Chúng tôi xác định đây là tiêu chí có tính chất quyết định, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vì khi lao động có việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định mới tính đến việc nâng cao các tiêu chí như: nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập…”
Theo đó, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền cũng như lồng ghép các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cánh đồng mẫu, dự án xây dựng mô hình trồng mận xanh đường phủ lưới ứng dụng công nghệ tưới phun gốc, điều khiển bằng thiết bị di động. Mô hình đang phát triển tốt, các hộ dân tham gia mô hình rất phấn khởi, tích cực chăm sóc và quản lý vườn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng bắp làm thức ăn nuôi bò với quy mô 1ha tại Hợp tác xã chăn nuôi Long Hưng. Đặc biệt, các chương trình, dự án trên cây lúa đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người dân, từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang áp dụng tiến bộ, kỹ thuật như: Quy trình 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; nông dân sử dụng giống lúa xác nhận các giống đặc sản để sản xuất, gắn với tiêu thụ ngày càng được nhân rộng. Điển hình như Hợp tác xã Hưng Lợi với diện tích canh tác gần 40ha các giống lúa đặc sản được chứng nhận VietGap. Mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa quy mô 50ha với 32 hộ nông dân sản xuất giống lúa OM 18 của Hợp tác xã Hưng Lợi. Mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo bền vững đạt các tiêu chí của Dự án VnSAT, theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị giữa nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi và doanh nghiệp với quy mô 40ha của 37 hộ nông dân, bước đầu phát huy hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Huỳnh Văn Dai, thành viên Hợp tác xã Hưng Lợi, ấp An Hưng, xã Long Đức cho biết: “Việc áp dụng các chương trình học vào đồng ruộng rất là hay và hiệu quả cho nông dân, từ khi tham gia vào Hợp tác xã đến nay, chúng tôi đều áp dụng quy trình 3 giảm, 3 tăng, giảm được nhiều loại phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Người ta sản xuất ở bên ngoài một công lợi nhuận tối đa khoảng 1 triệu đồng, còn Hợp tác xã mỗi công lợi nhuận từ hơn 1 triệu đến 2 triệu đồng. Mỗi năm Hợp tác xã đều ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa của các thành viên, với giá cao hơn bên ngoài từ 500 – 1.000 đồng nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Từ đầu năm đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp -Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp chăn nuôi cho bà con nông dân, toàn xã hiện có 7.126 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 6.126 lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 93%. Địa phương tiếp tục duy trì lao động có việc làm thường xuyên đạt tiêu chí từ bằng đến hơn 90%. Xã thực hiện tốt chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thường xuyên tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký cam kết và thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường. Thành lập các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, hướng dẫn người dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, hướng dẫn người dân xây dựng lò đốt, hố chôn rác tại gia đình, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trồng cây xanh xung quanh nhà, thường xuyên dọn cỏ, tổ chức Hội thi tuyến đường nông thôn năm 2021, trồng cây, hoa kiểng, phát hoang vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn xã. Ông Trần Văn Thiện chia sẻ thêm: Tiêu chí môi trường đang được xã tập trung tuyên truyền và huy động nhân lực nhiều nhất. Bởi công tác vệ sinh được thực hiện thường xuyên nhưng còn một bộ phận người dân vẫn ít quan tâm thực hiện. Do đó, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống các ấp phối hợp với các chi bộ ấp tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường đảm bảo 3 sạch: “sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ”. Hiện 100% hộ trên địa bàn xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đã cam kết bảo vệ môi trường, đường ngõ xóm đảm bảo xanh - sạch -đẹp, không có cơ sở sản xuất xả chất thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội ngày một tăng. Hệ thống chính trị được kiện toàn và không ngừng nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần đoàn kết trong tập thể cơ quan, nhân dân trong xã được duy trì và tăng cường, góp phần tích cực vào xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh. An ninh trật tự, an toàn xã hội đảm bảo ổn định. Tệ nạn xã hội được đẩy lùi và giảm nhiều so với các năm trước.
Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng xã Long Đức ngày càng phát triển.
SÓC CA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022