Ranh giới giữa thực và ảo

Trong một loạt bom tấn mới xuất hiện gần đây, thật khó để phân biệt đâu là cảnh thực, đâu là công nghệ khi các kỹ thuật ngày càng biến những điều không thực trở nên sống động trên màn ảnh.

Cảnh trong phim Ex Machina (Người  máy trỗi dậy)

Ngoài loạt phim “bom tấn” mang tính chất khoa học viễn tưởng, CGI giờ ngày càng can thiệp trực tiếp vào việc xây dựng nhân vật, góp phần không nhỏ mang đến những vai diễn ấn tượng, khó quên trên màn ảnh 

Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Ex Machina (Người máy trỗi dậy), khán giả khá bất ngờ khi Eva được xây dựng với nửa người thật, nửa người máy. Ngoài thân hình gợi cảm, Eva còn có một khuôn mặt đẹp ẩn sau lớp da chế tạo... Sự kết hợp hoàn hảo giữa cơ thể Alicia Vikander và công nghệ CGI đã thật sự là điểm sáng của màn ảnh khi mọi ranh giới giữa thật và giả bị xóa nhòa.

Một trường hợp độc đáo khác là vai diễn của Jennifer Jason Leigh trong Anomalisa (Những mảnh ghép của nỗi cô đơn). Trên màn ảnh, nhân vật Lisa Hesselman được dựng lại hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nhóm kỹ thuật viên của bộ phim hoạt họa này đã tái tạo thành công hình dáng rất giống mẫu ngoài đời thực của Jennifer lên phim.

Cách đây hai năm, màn ảnh cũng chứng kiến đỉnh cao công nghệ khi xóa mất đôi chân của nữ minh tinh Marion Cotillard trong bộ phim tâm lý, tình cảm Rust and Bone (Đau đớn và hạnh phúc). Ngoài hiệu ứng về diễn xuất, hình ảnh một nữ huấn luyện viên tật nguyền được thể hiện chân thực trên màn ảnh đã khiến nhân vật trở nên sống động và thuyết phục hơn.

Cảnh phim The Terminator (Kẻ huỷ)

Trong lịch sử điện ảnh đầy tranh cãi của mình, Hollywood luôn là kẻ tiên phong trong cách làm phim, họ lần lượt sử dụng công nghệ để xây dựng những nhân vật huyền thoại, từ kẻ hủy diệt trong The Terminator (phim Kẻ huỷ diệt) đến mỹ nhân Mystique gợi cảm của X-Men hay Neytiri với “bom tấn” 3D Avatar...

Đạo diễn James Cameron đã từng chia sẻ rằng công nghệ chính là bước tiến của Hollywood, điều này có thể còn có những tranh cãi nhưng lại hoàn toàn đúng. Khả năng sáng tạo của các chuyên viên cộng với nỗ lực của diễn viên đã tạo ra chất xúc tác hấp dẫn người xem thay vì ngồi đó và chờ đợi một kịch bản thông minh và mới lạ.

Hiện, CGI được đánh giá là một công nghệ tối ưu, đặc biệt về mặt kinh phí thực hiện. Về chi phí, CGI rẻ hơn cách làm “truyền thống” như tạo ra các mô hình thật có độ phức tạp cao hay hóa trang diễn viên đòi hỏi sự tỉ mỉ cầu kì. Bên cạnh đó, CGI còn giúp các bộ phim giải quyết các cảnh quay khó, không an toàn cho diễn viên một cách dễ dàng hoặc tạo ra những khung cảnh không có thật. Từ đó làm cho các bộ phim điện ảnh trở nên hấp dẫn hơn bởi những hình ảnh được tạo ra không giới hạn về sức sáng tạo và khả năng thực hiện. 

Ngày nay, việc tạo hình ảnh bằng công nghệ CGI bắt đầu từ việc lên ý tưởng, những phương pháp kỹ thuật hiệu ứng để có thể tập trung vào phần mềm dựng hình phù hợp. Các nhà làm phim sử dụng một kỹ thuật gọi là compositing- kỹ thuật phông xanh. Các cảnh phim thường được quay với phông xanh đằng sau và trong quá trình chỉnh sửa hậu kỳ sẽ tạo kết cấu cho mẫu 3D và làm nguồn tham khảo cho các yếu tố khác như ánh sáng, kích thước đối tượng.

Phim Venom

Hình ảnh được tạo ra từ CGI có thể là ảnh tĩnh hoặc ảnh động, hay còn được gọi là hoạt hình máy tính. CGI có thể tạo ra hình ảnh hai chiều 2D và ba chiều 3D nhưng nó phổ biến và được nổi tiếng nhất ở việc vẽ ra hình ảnh 3D để tạo nên các nhân vật, cảnh tượng và hiệu ứng trong các bộ phim điện ảnh nổi tiếng.

Theo thống kê, bộ phim đầu tiên trong lịch sử sử dụng CGI được biết đến là Westworld (Thế giới Viễn Tây) vào năm 1973 của đạo diễn Michael Crichton. Tiếp theo đó, các bộ phim nổi tiếng khác như Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao - 1977), Tron (Trò chơi ảo giác - 1982), The Last Starfighter (1984)… Danh sách này ngày một kéo dài theo sự phát triển của CGI dẫn đến sự ra đời của kỹ thuật quay phim ảo vào năm 1990, đưa ngành công nghiệp làm phim đến với những bước tiến mới với các bộ phim có chất lượng đồ họa tuyệt vời đưa người xem đắm chìm trong thế giới ảo huyền bí và hấp dẫn.

Trước khi có công nghệ CGI, các hiệu ứng đặc biệt trong phim thường được tạo ra bằng cách làm các hiệu ứng có thật, dẫn đến chi phí rất cao vì làm hư hại đến nhiều tài sản, đặc biệt trong các phim về đua xe hay có cảnh cháy nổ. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ này, những bộ phim điện ảnh đã có thể tiết kiệm chi phí hơn. Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ mà CGI đã trở nên phổ biến từ những bộ phim có kinh phí trung bình cho đến những bom tấn điện ảnh toàn cầu. Năm 1993, bộ phim Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) về đề tài khủng long nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử điện ảnh của đạo diễn Steven Spielberg là một bước ngoặt của công nghệ CGI. Trong phim, các cảnh quay về khủng long, đặc biệt là khủng long bạo chúa velociraptor đã áp dụng CGI khiến cho các chuyển động, kết cấu da và mô được tái tạo chân thực.

Phim Công viên kỷ Jura 4

Năm 2009, phim Avatar có doanh thu cao nhất lịch sử của đạo diễn James Cameron sử dụng công nghệ 3D và CGI một cách tuyệt vời. Toàn bộ thế giới, cảnh vật, các sinh vật và con người sinh sống trong đó được sử dụng các mô hình phức tạp và cực kỳ chi tiết. Bộ phim đã đưa khán giả đắm chìm trong thế giới Pandora nhiều màu sắc và đẹp đẽ, ấn tượng. Đây có lẽ là một trong những bộ phim có CGI xuất sắc nhất trong lịch sử.

Năm 1995, phim Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) do John Lasseter làm đạo diễn là phim truyện dài đầu tiên được làm hoàn toàn bằng hoạt hình CGI. Bộ phim này đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp phim hoạt hình ngày nay.

Phim Avatar

Ngày nay, công nghệ CGI đã trở nên phổ biến, được sử dụng trong hầu hết các bộ phim bom tấn và ngày càng tiên tiến hơn. Nó cũng giúp kéo gần ranh giới giữa thực và ảo giúp nghệ thuật thứ bảy như được chắp thêm đôi cánh trong sáng tạo.

NGUYỄN XUÂN BÁCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;