Sôi động thị trường điện ảnh Việt Nam - Bài 1: Thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh chóng

Lời tòa soạn: Nhà báo Liz Shackleton được biết đến là một trong những nhà báo và biên tập viên uy tín, chuyên đưa tin về hoạt động kinh doanh ở Châu Á. Bà từng đăng tải hàng trăm bài viết độc quyền, xây dựng mạng lưới quan hệ rộng lớn và tham dự hầu hết các lễ hội quốc tế lớn ở châu Á. Bà gia nhập Deadline sau gần ba thập kỷ làm việc tại Screen International Vương quốc Anh, nơi bà giữ chức Biên tập viên Châu Á trong hơn 15 năm. Trước đó, bà theo học ngành Báo chí tại London (Anh), năm 2001 bà chuyển đến Hồng Kông và làm biên tập viên châu Á cho một tờ báo của Trung Quốc từ năm 2005. Bài viết này là nhận định của Liz Shackleton về thị trường điện ảnh Việt Nam so với thị trường điện ảnh châu Á, sau một thời gian dài quan sát. Bài viết được chia làm hai phần, tít bài do tòa soạn đặt.

Nhà báo Liz Shackleton

Phục hồi thần tốc sau đại dịch

Mùa phim Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm của các phòng vé tại một số nước châu Á, trong đó thị trường Việt Nam trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với sự cạnh tranh gay gắt giữa các tác phẩm từ phim Việt đến phim ngoại (Nhật Bản, Hollywood…) trong suốt kì nghỉ lễ kéo dài 1 tuần. Nhìn lại doanh thu của mùa phim Tết, bộ phim Mai lập kỷ lục với 520 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 2 là Gặp lại chị bầu với 92,7 tỷ đồng. Bộ phim hoạt hình Nhật Bản Spy X Family Code: White (Gia đình X Ðiệp viên mã: Trắng) đứng thứ ba về doanh thu, theo sau là hai bộ phim Hollywood Madame WebArgylle (Argylle Siêu điệp viên). Trước Tết, phim kinh dị Quỷ cẩu dẫn đầu phòng vé 6 tuần liên tiếp, thu về hơn 108 tỷ đồng (4,5 triệu USD). Phim cũng xác lập kỷ lục doanh thu của dòng phim kinh dị nội địa, dù tháng 1 thường là giai đoạn “trầm lắng” trước dịp Tết.

Lịch phát hành dày đặc cùng doanh thu kỷ lục đã cho thấy một thị trường sôi động với sự phục hồi thần tốc sau đại dịch - một số nhà chuyên môn nhận định tốc độ hồi phục của thị trường Việt nhanh thứ 2 châu Á, chỉ sau Ấn Ðộ - cùng với một nền công nghiệp nội địa trẻ trung, năng động. 

Cảnh phim Quỷ cẩu

Song, những “hiện tượng phòng vé” như trên đang ngày càng xuất hiện nhiều tại các rạp chiếu Việt. Thị trường điện ảnh còn non trẻ nhưng doanh thu hằng năm luôn tăng trưởng ổn định ở mức 10% trước đại dịch; vượt qua Thái Lan vốn có nền điện ảnh phát triển với bề dày lịch sử lâu dài hơn. Năm 2023, tổng doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD từ 1100 rạp chiếu, tương đương 90% trước đại dịch. Ðây là mức tương đối tốt nếu đặt trong bối cảnh năm 2010 Việt Nam mới chỉ có 90 rạp với doanh thu hàng năm dưới 15 triệu USD.

Yếu tố tăng trưởng

Có nhiều yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ấn tượng trên, song, nổi bật nhất là sự mở rộng hệ thống các rạp chiếu của các nhà phát hành CJ CGV và Lotte Cinema đến từ Hàn Quốc, cùng với đó là các cụm rạp nội như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Thời gian gần đây thị trường nội địa chứng kiến sự xuất hiện của các cụm rạp mới như Beta Cinemas hay Cinestar với giá vé dễ tiếp cận hơn cho học sinh, sinh viên và những người có thu nhập trung bình.

Cảnh phim Người vợ cuối cùng

Một động lực khác của thị trường là nền điện ảnh nội địa năng động sẵn sàng thử sức với đa dạng cả về thể loại hay số lượng các tác phẩm. Các nhà sản xuất Hàn Quốc như CJ ENM và Lotte cũng rất tích cực phối hợp trong quá trình sản xuất phim nội và cùng đầu tư sản xuất phim, trong số đó có những phim lập nên kỷ lục doanh thu.

Ðại diện Phân phối của CJ HK Nguyễn Tuấn Linh cho hay: “Tệp khán giả Việt hiện nay rất trẻ, theo thống kê 80% dưới 29 tuổi. Vì vậy nhóm tuổi đó về cơ bản đang quyết định thị hiếu của thị trường: thể loại lãng mạn, hài và kinh dị với phim nội, các phim ngoại được ưa chuộng đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia.” Ông Justin Kim - Trưởng phòng Sản xuất phim quốc tế CJ ENM, bổ sung: “Những khán giả này rất năng động trên mạng xã hội, nhất là Tiktok và Instagram, họ sẽ phản ứng rất nhanh chóng nếu họ cho rằng bộ phim mình vừa xem tốt hay không.”

Hiện nay, thị hiếu khán giả Việt có vẻ thiên về phim nội hơn là các tác phẩm Hollywood. Top 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2023 chỉ có 2 bộ phim Mỹ - Fast X (Quá nhanh, quá nguy hiểm 10)Elemental (Xứ sở các nguyên tố) lọt vào. Cũng trong danh sách trên có đến 6 phim Việt: Nhà bà Nữ, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Ðất rừng phương Nam, Siêu lừa gặp siêu lầy, Chị chị em em 2, Người vợ cuối cùng. Hai bộ phim hoạt hình Nhật Bản đến từ những series đình đám như Thám tử lừng danh ConanDoraemon cũng góp mặt trong top 10.

 Phim Kẻ ăn hồn

Kết quả này phản ánh xu hướng lớn của thị trường châu Á hậu đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phim Mỹ bị ảnh hưởng bởi tác động kép từ đại dịch COVID-19 và các cuộc đình công ở Hollywood. Ðồng thời các khán giả Gen Z đang mong muốn có nhiều hơn những nội dung gần gũi với nền văn hóa nội địa, bắt kịp xu hướng với những gương mặt tên tuổi trong làng điện ảnh châu Á.

Đâu là thị hiếu của khán giả Việt?

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung của CJ CGV Việt Nam cho biết: “Trong số các phim Hollywood, chúng tôi nhận thấy rằng các series nhượng quyền đưa ưa chuộng nhất. Trường hợp tương tự với phim hoạt hình Nhật Bản. Trong thời kỳ đại dịch, các khán giả đã quen thuộc với các nhân vật trong các loạt phim nổi tiếng của Nhật Bản thông qua các nền tảng OTT, vì vậy họ rất hứng thú đến rạp khi phiên bản điện ảnh của các loạt phim này được ra mắt.”

Về các phim điện ảnh quốc tế, các tác phẩm đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia hiện đang được yêu thích nhất. 

Cho dù điện ảnh châu Âu vẫn còn ít phổ biến trong thị trường phim chiếu rạp, phim hoạt hình của Pháp vẫn đang được đón nhận tương đối tốt. Ông Phong Dương - Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của nhà phân phối Mockingbird Pictures (hãng gần đây đã thành công với phim kinh dị Thái Lan Tee Yod - Quỷ ăn tạng) cho biết: “Giá trị sản xuất, chiến lược tiếp thị và cốt truyện là những yếu tố quyết định thành công của một bộ phim ở Việt Nam. Phim Hàn Quốc rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở thể loại lãng mạn và hài, nhưng không phải phim Hàn nào cũng có doanh thu tốt.”. 

Phim Nhà bà Nữ dẫn đầu phòng vé năm 2023

Tuy nhiên hiện tại phim nội mới đang “làm chủ cuộc chơi” tại thị trường Việt Nam. Giám đốc điều hành của ProductionQ Nguyễn Hoàng Quân, người cùng với đạo diễn Trần Hữu Tấn đứng đằng sau những bộ phim kinh dị Việt gây tiếng vang lớn cuối năm 2023, cho biết: “Công ty ProductionQ thành công nhất với những cốt truyện được truyền cảm hứng từ văn hóa và truyền thống dân gian địa phương, cũng như chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn trẻ có lượng độc giả gen Z đông đảo”.

Bộ phim điện ảnh Kẻ ăn hồn “làm mưa làm gió” thời gian gần đây của ProductionQ là ví dụ hoàn hảo cho điều này. Ðược biết đến là phim kinh dị cổ trang đầu tiên của điện ảnh Việt, phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách Tết ở làng địa ngục của nhà văn Thảo Trang. ProductionQ cũng đã sản xuất phiên bản phim dài tập cùng tên, chuyển thể từ cuốn sách trên, phát trên nền tảng K+ và được Netflix mua lại bản quyền trình chiếu tại Ðông Nam Á.

Ông Nguyễn Hoàng Quân tiết lộ: “Có khán giả chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất thích loạt phim Kingdom của Hàn Quốc và mong muốn một loạt phim Việt Nam có bối cảnh tương tự và được đầu tư sản xuất với kinh phí lớn. Câu chuyện có thể bắt nguồn từ cuộc sống làng quê ngày xưa, nhưng cũng phải đề cập đến những chủ đề của thời hiện đại, ví dụ như chuyện bắt nạt…”.           

(Theo Deadline ngày 23/2/2024)

HÀ VŨ KHOA BẢO dịch

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;