Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến với bộ đội Trường Sa - ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển. Ra đời trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trưởng thành, phát triển trong thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, với những cống hiến cho nền báo chí cách mạng. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã khẳng định được vị thế, uy tín của cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật và gia đình. Hầu hết các bài viết, chuyên luận khoa học được rất nhiều chuyên ngành đào tạo ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ và một số hội đồng xét chức danh phó giáo sư, giáo sư của nhiều ngành, liên ngành khác nhau công nhận, cho điểm cao. Trong những năm vừa qua, các ấn phẩm của Tạp chí đã đến với bạn đọc một cách tự nhiên và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với độc giả, nhất là với những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Có thể khẳng định rằng, Tạp chí đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và truyền bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam trong suốt 50 năm qua.
Trong Nghị quyết số 33/NQ-TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (1). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) tiếp tục chỉ rõ: “…phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển” (2); đồng thời, “Phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên” (3). Đáng chú ý, khi phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa TK XXI” (4). Đây là những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra đối với tất cả lực lượng và những người làm công tác văn hóa, trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi Tạp chí phải tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong suốt 50 đã qua, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển Tạp chí thực sự là cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật. Đúng như tên của chủ đề Hội thảo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp; thiết nghĩ, nội dung Tạp chí sẽ phong phú, phản ánh toàn diện hơn hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên tất cả lĩnh vực, các ngành, các cấp, chúng tôi thấy rằng, Tạp chí rất cần bổ sung chuyên mục riêng bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân, bởi vì những lý do chủ yếu sau đây:
Một là, xuất phát từ vị trí, vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân, văn hóa, nghệ thuật là nội dung quan trọng trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày; là yếu tố tác động và nuôi dưỡng tâm hồn, niềm tin và ý chí của mọi quân nhân, trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị. Với tầm nhìn chiến lược, sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng nền văn học, nghệ thuật cách mạng, tạo động lực chính trị, tinh thần to lớn phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả dân tộc.
Bằng trải nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các văn, nghệ sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã sáng tạo nên một kho tàng vô giá các tác phẩm văn học, âm nhạc, tranh cổ động, điện ảnh... có tính nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng, chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần khắc họa đậm nét về sự anh dũng, kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của những người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, văn hóa, nghệ thuật, nhất là những ca khúc cách mạng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cổ vũ, động viên ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ra đời vào thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đã truyền lửa cho quân và dân ta chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, góp phần vào chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đến nay, văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, nghệ thuật cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể thấy rằng, trong cả thời chiến trước đây và thời bình hiện nay, văn hóa, nghệ thuật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do vậy, việc hình thành một chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân trên Tạp chí sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần vào xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.
Hai là, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân rất phong phú, đa dạng và có chất lượng cao
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, suốt quá trình ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, nhất là trong thời gian vừa qua, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo công tác văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, phong trào sáng tác và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang có truyền thống và thế mạnh trong sáng tác và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nhiều đồng chí đã trở thành những văn nghệ sĩ nổi tiếng, gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật. Không chỉ có các lực lượng, các nghệ sĩ hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, mà trong các cơ quan, đơn vị quân đội và công an còn có rất nhiều những cán bộ, chiến sĩ có tố chất và khả năng sáng tác, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Thông qua sinh hoạt hằng ngày, các hội diễn nghệ thuật quần chúng ở các đơn vị trong lực lượng vũ trang, nhiều công trình có giá trị cao, phản ánh muôn mặt đời sống văn hóa, nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã được ra đời, làm phong phú thêm diện mạo và sự đặc sắc nền văn hóa dân tộc.
Riêng đối với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch “Tổ chức hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021-2025”, nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ trong quân đội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong Quân đội trong những năm vừa qua đã được tiến hành rất phong phú, đa dạng và có chất lượng cao. Rất nhiều công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị trong quân đội thuộc các loại hình khác nhau đạt giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Đây là bộ phận không thể thiếu trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, việc bổ sung chuyên mục văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân trên Tạp chí sẽ góp phần loa tỏa những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân đến gần hơn với công chúng và bạn đọc.
Ba là, việc bổ sung chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân sẽ là cơ sở để Tạp chí có thêm lượng độc giả và cộng tác viên
Theo Điều 23, Luật Quốc phòng năm 2018, lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ. Trong Quân đội nhân dân lại bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, với rất nhiều các quân, binh chủng, lực lượng khác nhau… Như vậy, lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng rất đông đảo trong xã hội, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với thế mạnh về văn hóa, nghệ thuật như trên, nếu như Tạp chí của chúng ta mở thêm chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân, chắc chắn sẽ góp phần tăng thêm một lượng độc giả khá lớn đến với Tạp chí. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu bổ sung chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân, Tạp chí cần liên hệ với các cơ quan, đơn vị trong quân đội, công an, lực lượng dân quân tự vệ để bổ sung Tạp chí Văn nghệ Nghệ thuật vào danh mục báo, tạp chí được đặt mua và cấp phát đến đầu mối các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang. Có như vậy, các ấn phẩm của Tạp chí sẽ được cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân quan tâm, yêu thích và tìm đọc.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có hệ thống các học viện, trường đại học, trường sĩ quan và các viện nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khác nhau. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân khá đông đảo. Đặc biệt, đây là lực lượng được đào tạo cơ bản, có trình độ và kinh nghiệm trong công tác sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật. Nhiều giảng viên, nghiên cứu viên, nghệ sĩ trong lực lượng vũ trang được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú… Cùng với đó, rất nhiều học viện, nhà trường quân đội, công an đã, đang và tiếp tục đào tạo cán bộ các loại hình khác nhau từ trình độ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, nhu cầu đăng bài báo khoa học nhằm xã hội hóa kết quả nghiên cứu gắn với luận văn, luận án, đề tài khoa học các cấp trên các tạp chí có uy tín là rất cao.
Với trình độ và nhu cầu của đội ngũ cán bộ như vậy, nếu như Tạp chí bổ sung thêm chuyên mục văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân, chắc chắn sẽ thu hút được đội ngũ tác giả, cộng tác viên đã và đang công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân tham gia viết bài và gửi bài. Điều này sẽ làm tăng chất lượng, uy tín của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đến khi đó, Tạp chí không chỉ được đánh giá cao trong danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng giáo sư Nhà nước về ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao mà có thể sẽ được tính điểm cao trong các ngành, liên ngành khác nhau như: văn học, sử học, triết học, xã hội học, khoa học quân sự, khoa học an ninh…
Bốn là, trong thời gian vừa qua, số lượt bài viết về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân trên Tạp chí còn khiêm tốn
Mặc dù là một Tạp chí có uy tín, đã có nhiều chuyên mục hay và hấp dẫn người đọc; cùng với đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân rất phong phú, đa dạng và có chất lượng cao, nhưng trên thực tế trong thời gian vừa qua, qua nghiên cứu của chúng tôi, số lượng các bài viết về văn hóa, nghệ thuật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn khá khiêm tốn. Các bài viết của các tác giả công tác trong lực lượng vũ trang chủ yếu được đăng trong chuyên mục thông tin, nghiên cứu trao đổi hay tổng kết thực tiễn là chủ yếu. Qua theo dõi của chúng tôi, có khá nhiều bài viết có tính chuyên sâu, mang đậm dấu ấn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân vẫn đang tiếp cận và đăng ở nhiều tạp chí lý luận khác nhau; thậm chí có những tạp chí rất ít liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Với cách tiếp cận như trên, thiết nghĩ, nếu như chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân được bổ sung trên Tạp chí và được thông tin, giới thiệu rộng rãi, chắc chắn rằng sẽ làm tăng số lượng, chất lượng bài viết về văn hóa, nghệ thuật. Qua đó, những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân sẽ được phát huy rộng rãi hơn nữa đối với bạn đọc và toàn xã hội. Tất nhiên rằng, nếu bổ sung chuyên mục bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân, trong thời gian đầu, số lượng bài viết có thể chưa nhiều. Điều đó đòi hỏi các ban chuyên môn của Tạp chí phải làm tốt hơn việc giới thiệu, thông tin, quảng bá tới các tác giả, cộng tác viên và bạn đọc. Qua thời gian, số lượng và chất lượng các bài viết bàn về văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng vũ trang nhân dân trên Tạp chí sẽ từng bước được nâng cao.
50 năm là thời gian đủ dài để chúng ta nhìn lại quá khứ, khẳng định những thành tựu đã được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và quan trọng hơn nữa là cùng nhau đưa ra những giải pháp thiết thực để phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong giai đoạn mới. Những ý kiến nêu trên của chúng tôi với mong muốn đóng góp phần nào vào sự phát triển của Tạp chí, để Tạp chí của chúng ta vững bước đi tiếp, không chỉ xứng đáng là cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật và gia đình mà còn đa dạng về nội dung thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
__________________________
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn,
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.99.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33-34.
4. Toàn văn bài phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, vietnamnet.vn, 25-11-2021.
TS. NGUYỄN VĂN TRƯỜNG & Ths. VŨ VĂN LONG
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_______________
Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023