Nhìn về ngọn nguồn lịch sử hình thành cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, có thể nhận thấy, hệ thống các phong tục, tập quán, hình thức sinh hoạt, thực hành văn hóa… đã có quá trình tích lũy cô đọng thành kho tàng tri thức văn hóa bản địa khổng lồ của 54 dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, làm ăn và đánh giặc. Tất cả nguồn vốn văn hóa này chủ yếu dựa trên ý thức - tâm lý tri ân, sùng bái sức mạnh phù trợ của các lực lượng tự nhiên giúp cho con người bảo tồn sự sống (như đất, cây, nước, và các tài nguyên thiết yếu với cuộc sống khác) cùng lòng biết ơn và ngưỡng mộ của các thế hệ nối tiếp nhau đối với tiền thần, tiền nhân, xây kết nên những giá trị văn hóa mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Từ tâm thức hướng tâm và tâm lý sùng bái, tri ân hoặc tôn vinh quá khứ lịch sử đó, trong các cộng đồng dân tộc, tộc người đã hình thành/ sáng tạo nên “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (1). Trong đó, hiện tồn một cách sinh động các phong tục tập quán và vô vàn những cách thức thực hành nghi lễ, lễ hội, tín ngưỡng, thể hiện nhận thức cũng như quan điểm ứng xử của cộng đồng với môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn và môi trường văn hóa xã hội trong tiến trình lịch sử. Đó là “bệ đỡ” cho sự ra đời của hàng loạt các di tích lịch sử - văn hóa cùng hệ thống phong phú, đa dạng các hình thức thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên bản sắc và truyền thống văn hóa của một cộng đồng người nhất định, trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
Dõi theo dòng chảy của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, có thể nhận thấy, tâm lý và ý thức của trước hết là cộng đồng hai dân tộc Việt - Mường hướng về cội nguồn được thể hiện qua nhiều hình thức thực hành đa dạng, trong đó tín ngưỡng tôn sùng tổ tiên như một phần trong hệ thống sinh hoạt tín ngưỡng Việt Nam, được thể hiện qua phong tục thờ cúng nhân vật được coi là thủy tổ của một tộc người, một dân tộc hay một quốc gia - nhà nước với hiệu danh Quốc Tổ (chẳng hạn như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương), hay những người có công khai phá, tạo lập làng/ bản, lập nên các chiến công trong quá trình dựng nước hoặc giữ nước, đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ cộng đồng và mở mang bờ cõi, được vinh danh là thành hoàng làng, cho đến các bậc tổ tiên mỗi dòng họ, ông bà trong mỗi gia đình. Thực tế đó đã bồi đắp, tôn tạo qua các thế hệ để hình thành nên những hệ giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện một cách liền mạch tâm lý hướng tâm của cộng đồng nhỏ tạo cơ sở cho sự hình thành văn hóa làng bản, từ đó vươn tới một cộng đồng lớn (vùng - miền - quốc gia), trong hệ thống cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Tiếp bước các thế hệ tiền nhân của cộng đồng Việt Mường, hàng chục các dân tộc, tộc người tràn xuống từ phương Bắc hoặc ngược dòng hội tụ từ phương Nam đến cùng đồng tâm cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm để hướng tới sự đồng thuận trong quá trình cùng tồn tại, cùng gắn bó với vận mệnh của một quốc gia, một cộng đồng đa dân tộc. Từ đó, góp phần sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa và định hình/ xây đắp/ tôn tạo nên các giá trị văn hóa, làm cho hệ thống kho tàng văn hóa dân tộc ngày càng đa dạng, sinh động, dù rằng mỗi dân tộc, tộc người vẫn giữ gìn được những nét văn hóa mang tính bản sắc riêng của dân tộc mình.
Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa phi vật thể chắt đọng từ văn hóa dân gian như đã đề cập trên đây, kho tàng văn hóa phi vật thể Việt Nam còn hiện tồn phong phú, đa dạng các loại hình văn hóa ngôn từ thành văn và các loại hình nghệ thuật, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh hiện đại, các hình thức biểu đạt văn hóa khác nhau của cuộc sống đương đại. Sự hiện tồn song hành di sản văn hóa dân gian bên cạnh di sản văn hóa chính thống, thành văn và đặc biệt là sự nở rộ của kho tàng văn hóa phi vật thể đương đại đã làm cho nền văn hóa đa dạng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam càng thêm phong phú, khởi sắc, đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại những giá trị vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, tộc người, vừa đồng thuận hòa nhịp với giá trị văn hóa chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh giao lưu, hội nhập.
Thực ra, hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa phi vật thể Việt Nam là một bộ phận đa dạng và cực kỳ phong phú của các dân tộc, tộc người đã bước vào quá trình giao lưu hội nhập từ rất sớm. Ngay từ chặng đường tiền sử ban đầu của quá trình hình thành nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng, giới khảo cổ học đã qua các di vật tìm thấy trong lòng đất cùng các bước so sánh sự hiện tồn của các nếp sống, phong tục tập quán, thực hành tín ngưỡng và tri thức địa phương đã từng khẳng định văn hóa Việt Mường từ cách nay trên dưới ba, bốn ngàn năm đã có sự giao lưu, hội nhập, thậm chí lan tỏa ra các vùng, miền thuộc phía nam sông Dương Tử của Bách Việt hoặc du nhập vào một số quốc gia phía nam Đông Nam Á. Đến những năm trước và sát sau Công nguyên, sự giao lưu , du nhập văn hóa giữa cư dân vùng đất Âu Lạc với ngoại bang càng lộ rõ. Đó trước hết là sự du nhập của văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ qua đường biển vào vùng đất Giao Châu (miền Bắc hiện nay) hoặc đồng thời là bước đường du nhập qua Trung Quốc trước khi vào Việt Nam bên cạnh sự du nhập của Đạo giáo với các hình thái vừa mới lạ, vừa hấp dẫn và có điều kiện hội nhập với văn hóa phi vật thể bản địa, đặc biệt là các thực hành tín ngưỡng ở các vùng, miền. Tuy nhiên, mặc dù phải nghênh đón sự tràn ngập của văn hóa ngoại lai nhưng với sự hiện tồn của thành lũy văn hóa làng và sau đó là văn hóa làng - bản, nền văn hóa mang bản sắc bản địa của dân tộc Kinh/ Việt cũng như của các dân tộc, tộc người anh em khác như Tày, Nùng, Thái… vẫn đủ sức đứng vững trước áp lực đồng hóa của văn hóa nghìn năm Bắc thuộc và sau đấy là 10 thế kỷ các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lấn. Sức mạnh mềm của nền văn hóa mang bản sắc dân tộc đã bảo tồn được giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam vốn được sáng tạo, trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ. Cho đến cuối TK XIX và nửa đầu TK XX, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tộc người Việt Nam đã lại đủ sức du nhập, hội nhập và tiếp biến để đón nhận những nét tích cực từ văn hóa phương Tây với sự hiện diện của chữ viết, báo chí, nếp sống đô thị và các sản phẩn văn hóa khác của quá trình công nghiệp hóa và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đến nửa sau TK XX là sự du nhập, hội nhập của văn hóa xã hội chủ nghĩa (trọng tâm là từ văn hóa Liên Xô và Trung Quốc hiện đại) và văn hóa phương Tây (từ Mỹ)
Trong khoảng trên dưới hai chục năm trở lại đây, văn hóa phi vật thể Việt Nam đã và đang hòa vào dòng chảy, từng bước hội nhập sâu rộng với nền văn hóa nhân loại, tạo đà ở mọi cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau để từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và văn hóa thế giới. Ở phạm vi kinh tế, Việt Nam đã hoàn tất và bắt tay thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với cộng đồng các nước châu Âu, là thành viên tham gia tích cực của Liên minh kinh tế Á - Âu… Song hành với quan hệ kinh tế mang tính toàn cầu, sự mở rộng quan hệ hợp tác văn hóa cũng đã và đang phát triển sâu rộng. Hàng loạt các hình thức tổ chức Tuần văn hóa song phương giữa các nước có quan hệ đối tác chiến lược hoặc quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam đã được tổ chức. Nhiều hiệp định quan hệ phát triển văn hóa và du lịch giữa Việt Nam với các nước đã được ký kết, thể hiện hiệu quả thực tiễn ở những chương trình quảng bá và giao lưu văn hóa nghệ thuật, thu hút khách du lịch Việt Nam đi các nước và ngược lại. Nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế về di sản văn hóa Việt Nam đã được tổ chức trong nước và một số nước có nền khoa học tiên tiến. Hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể của nhiều dân tộc, tộc người ở Việt Nam đã được UNESCO quan tâm xét duyệt và ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa của nhân loại.
Dưới góc độ khoa học công nghệ, cũng trong vòng trên dưới hai chục năm qua, Việt Nam đã có sự chủ động trong sự nghiệp đào tạo chuyên sâu cả trong nước và ở nhiều nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, tạo ra nguồn nhân lực ngày một tăng, góp phần chuyển dịch tích cực trong công nghệ thông tin, điện toán đám mây, doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp. Cho đến nay, theo Báo cáo Việt Nam Digital do We are social và Hootsuite thống kê, tính đến thời điểm tháng 1-2021, Việt Nam đã có 68,72 triệu người dùng internet trên tổng số 97,8 triệu người (2). Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), do Trường Đại học Cornell và Viện Nghiên cứu Instead công bố, Việt Nam được xếp hạng 47/127 về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm 2016. Trong ASEAN, Việt Nam đứng trên Thái Lan, được đánh giá có thế mạnh về đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/ đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/ đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục… (3). Trên đà giao lưu và hội nhập văn hóa, trong bối cảnh sôi động và phức tạp đó của môi trường văn hóa toàn cầu, văn hóa phi vật thể Việt Nam đã và đang là nguồn lực và năng lượng quan trọng giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong nước cũng như tạo nên “sức mạnh mềm” thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch ở hầu khắp các tỉnh thành. Có thể nói, trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay. Nhưng đồng thời cũng phải khách quan để nhận thấy rằng, Việt Nam ta cũng chưa bao giờ chứa đựng nhiều mối nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và chịu sự tác động của không ít loại văn hóa tiêu cực đến môi trường văn hóa của/ ở các vùng miền trong điều kiện phát triển xã hội đương đại và hội nhập quốc tế!
Hơn hai chục năm qua, từ con số không đến con số xấp xỉ 70 triệu người dùng internet, Việt Nam đã hình thành một cách rộng rãi không gian văn hóa mạng, tạo nên một môi trường văn hóa vừa đa dạng sinh động, vừa phức tạp, rắc rối, gây ra những biểu hiện hai mặt của sản phẩm đầu ra của tri thức và công nghệ này trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cũng từ đây, mạng xã hội với những hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, chia sẻ và trao đổi lượng thông tin cực kỳ phong phú, động chạm đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, lịch sử dân tộc cùng những tri thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn… Nhờ mạng xã hội, với khả năng công nghệ ở mức sơ đẳng, mỗi cá nhân đều có thể tiếp cận bằng chính khả năng của mình hoặc thông qua dịch vụ để tạo trang thông tin điện tử cá nhân, tham gia các diễn đàn tranh luận hoặc trao đổi và trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh hoặc các hình thức dịch vụ khác với nhau. Trong điều kiện phát triển ngày một sâu rộng của mạng xã hội, nhu cầu hội nhập và quảng bá giá trị di sản văn hóa của các vùng miền đã đón gặp những thuận lợi vừa đa dạng, vừa đáp ứng lợi ích và nhu cầu của người sử dụng của những Facebook, Zalo, YouTube, Messenger, Viber, Tiktok, Google+, Twiter… Có thể nói, không gian văn hóa mạng đã tạo nên một môi trường văn hóa không giới hạn, đáp ứng được hầu như mọi nhu cầu giao tiếp, ứng xử, giới thiệu, trao đổi, đón nhận thông tin về kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa của nhân loại nói chung, đáp ứng nhu cầu quảng bá, giao lưu giá trị di sản văn hóa của một vùng quê hay một dân tộc nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, văn hóa phi vật thể Việt Nam luôn trở thành một trong những yếu tố quan trọng của giao lưu văn hóa và sức mạnh mềm để thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Cũng nhờ đó, thông qua giao lưu và hợp tác văn hóa mà Việt Nam tiếp thu, nắm bắt được những thành tựu văn minh, những tinh hoa văn hóa của nhân loại để hướng tới mục tiêu “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, bình đẳng và cùng có lợi, tự chủ, tự quyết, phù hợp với lợi ích và luật pháp quốc tế. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà, khi nhắc lại sự hiện tồn của các hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11-2021), đã nhấn mạnh: “Việt Nam là một đất nước với mấy nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của Dân tộc, làm nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại” (4); và yêu cầu mọi người muốn hướng đến một dân tộc xứng danh có văn hóa cần phải chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; xây tạo và phát triển “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia muôn đời bền vững! Bên cạnh sự nghiệp xây dựng môi trường văn hóa trong điều kiện phát triển xã hội đương đại (5), nhìn theo mối tương tác giữa môi trường văn hóa mạng với nhu cầu chuyển tải, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam ra thế giới và đón nhận những giá trị của văn hóa nhân loại để góp phần nâng cao tri thức và nhận biết của người Việt Nam, tạo điều kiện tiếp thu tri thức hiện đại, văn minh nhân loại thông qua các kỹ năng, kỹ thuật và tri thức khoa học hiện đại từ các nước có trình độ khoa học tiến tiến và nền văn hóa văn minh, có thể thấy rằng, dường như, môi trường văn hóa mạng ở Việt Nam đã và đang có phần phát triển tự phát, thiếu một cơ chế chính sách mang tính chủ động để định hướng, điều chỉnh, quy tụ sức mạnh vô hình từ các trữ lượng tri thức và tài nguyên văn hóa khổng lồ của cộng đồng dân tộc. Điều đó có nghĩa rằng, bên cạnh việc phát triển của khoa học công nghệ và trình độ đào tạo nguồn nhân lực tương xứng với yêu cầu cần có để làm chủ công nghệ, ngành chức năng quản lý nhà nước về văn hóa cần thiết và cấp thiết xây dựng chiến lược xây dựng môi trường văn hóa mạng, đặc biệt là các phương thức và cách thức xây dựng các nội dung mang tính khai mở, tiên phong về các tiêu đề có khả năng quy tụ, khêu gợi trí tuệ và tình cảm của các nguồn nhân lực đang tham gia vào hoạt động của cộng đồng mạng, hướng đến những chủ đề quảng bá di sản văn hóa một cách tích cực và hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch quốc tế và nội địa, phát triển kinh tế và bảo vệ di sản các dân tộc ở các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Một trong những biện pháp thiết thực để ngành chức năng vừa xây dựng môi trường văn hóa mạng để góp phần phát triển văn hóa một cách tích cực nói chung và quảng bá di sản trong điều kiện hội nhập quốc tế nói riêng, đó là chủ động xây tạo các chủ đề, cuộc thi hoặc diễn đàn văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó xác định các chủ đề khác nhau (chẳng hạn chủ đề giới thiệu cảnh quan danh lam thắng cảnh quê hương; giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa của dân tộc; giới thiệu nét đặc sắc của mỹ thuật truyền thống; cảm nhận về di sản của một vùng quê…) thông qua văn chương ngôn từ hoặc nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh… và tạo thành nhóm cuộc thi hay diễn đàn phù hợp trên các nền tảng mạng xã hội. Theo đó là nguồn kinh phí dành cho giải thưởng một cách thích đáng, đủ sức/ khả năng thu hút sự tham gia của quảng đại cộng đồng mạng, trong khoảng thời gian nhất định, theo các tiêu chí tham dự, dự thi nhất định. Với các hình thức hoạt động văn hóa có định hướng này, ngành chức năng vừa góp phần xây dựng môi trường văn hóa mạng một cách chủ động, tích cực, có định hướng về mặt nội dung và tư tưởng, vừa tăng cường được các hình thức, hình thái quảng bá di sản văn hóa các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam ra thế giới và đương nhiên, góp phần giảm thiểu các hoạt động tự phát với các nội dung không phù hợp của cộng đồng mạng trong và ngoài nước trong điều kiện phát triển xã hội và hội nhập quốc tế. Triển khai tích cực để từng bước thực hiện một cách chủ động nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa mạng trong mối quan hệ tương tác với nhiệm vụ đưa di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam hội nhập tích cực với kho tàng di sản của nhân loại cũng chính là góp phần để khắc phục một trong những hạn chế của hoạt động văn hóa ở trong nước đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: “Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)” (6).
______________
1. Điều 01 của Luật Di sản văn hóa sửa đổi, 2009.
2. Báo cáo Việt Nam Digital năm 2021, digitalvn.vi.
3. Nguyễn Mại, Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam, baodautu.vn, 23-2-2018.
4, 6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, in trong sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.159, 167.
5. Bùi Quang Thanh, Môi trường văn hóa đối với sự phát triển con người, xã hội và một số vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 957, 1-2021, tr.64-71.
GS, TS BÙI QUANG THANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023