Tranh dân gian Đông Hồ tiếp cận từ góc độ vùng văn hóa
Tranh dân gian Đông Hồ được coi là một trong những sản phẩm văn hóa tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, không chỉ có vai trò là vật phẩm trang trí ngôi nhà vào dịp Tết cổ truyền, mà còn thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tính cách và khí chất, cùng những ước vọng của con người Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài, tranh Tết dân gian Đông Hồ dường như bị rơi vào quên lãng, nhưng bằng nỗ lực của Chính phủ, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và học giả, đến năm 2013, tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào Danh mục Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó đến nay, tranh Đông Hồ lại được thổi một luồng gió mới, làm sống dậy những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Với sự quan tâm đặc biệt của các học giả, tranh Đông Hồ được nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau như: lịch sử hình thành, tính mỹ thuật, phong tục, nội hàm văn hóa và các giá trị văn hóa, thực trạng và giải pháp để tranh Đông Hồ được hồi sinh.