Ra đời sau những ngành nghệ thuật khác nhưng phim ảnh đã biết tận dụng, vay mượn thành tựu từ những ngành nghệ thuật trước nó để làm giầu cho mình. Đã có không ít những thành công mà phim ảnh thu được nhờ sự đi tắt, chiết ghép từ những thành tựu của người anh văn học.
Phim Long Thành cầm giả ca
Nhiều thế kỷ lên ngôi trong sự chào đón của độc giả, không hiếm tác phẩm văn học có sức sống đi xuyên thời gian, trở thành vật gối đầu giường của nhiều thế hệ bạn đọc. Từng có những tiểu thuyết được nhiều thế hệ yêu thích như Nhà thờ Ðức bà Paris, Anna Katerina, Ðồi gió hú…Trong cõi mông lung, bất tận của trí tưởng tượng phong phú, nhiều nhân vật, bối cảnh, câu chuyện đã được hình dung, vẽ lại tùy theo sự thêm bớt và trí tưởng tượng phong phú tiếp dẫn từ tác giả tới người đọc.
Và khi ánh chớp của khoa học công nghệ mang tới nghệ thuật phim ảnh gia nhập vào các bộ môn nghệ thuật thì nhiều câu chuyện, nhân vật điển hình ủ sẵn từ bao thế kỷ qua những trang sách được lần lượt trỗi dậy hiện diện sinh động qua các bộ phim. Hàng loạt bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học như Những người khốn khổ, Anna Katerina, Chiến tranh và hòa bình, Không gia đình… Không chỉ các phim chiếu rạp, nơi con người tạm bứt khỏi dòng đời ồn ã để đắm chìm trong bối cảnh, không gian của câu chuyện, nhiều bộ phim truyền hình cũng tựa vào văn học để tìm kiếm thêm công chúng cho mình. Hàng loạt bộ phim như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Sông Ðông êm đềm… đã chuyển hóa những con chữ trong văn học thành những hình tượng sống động trên màn ảnh. Nhiều bộ phim ngoài thu hút lượng fan sẵn có từ tác phẩm văn học còn lôi kéo thêm một lượng khán giả mới. Một số khán giả trẻ còn biết tới phim trước khi đọc tác phẩm và từ những gì phim ảnh gợi ý họ tìm lại văn học để lý giải vì sao cha Jan yêu Chúa hơn yêu Mergi trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai hay những người phụ nữ Codắc đã sống và yêu mãnh liệt ra sao trong Sông Ðông êm đềm. Nàng Scarlet trong Cuốn theo chiều gió đã đánh mất tình yêu với Red Burtle ra sao?… Dùng những ưu thế vượt trội về hình và tiếng, tận dụng tối đa các thủ pháp cắt dựng, tiết tấu, nhịp điệu, đồng hiện, song tuyến… phim ảnh đã biến những hình bóng, câu chuyện qua mỗi câu chữ thành những biểu tượng sống động trên màn ảnh.
Phim Những người thợ xẻ chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Từng làm thổn thức bao trái tim độc giả, những nhân vật, câu chuyện bước ra từ trang sách lại tiếp tục mê hoặc khán giả bằng những hình hài, biểu tượng cụ thể trên màn ảnh. Những nữ hoàng Cleopatre, chiến binh vĩ đại Asin hay nàng Côdet đáng thương trong Những người khốn khổ, rồi mối tình thằng gù Quasimodo trong Nhà thờ Ðức Bà Paris... những nhân vật cao cả, đáng thương, sang trọng hay thấp hèn lừng lững trên màn ảnh tạo nên làn sóng ngưỡng mộ cuồng nhiệt với sức lan tỏa không gì cưỡng nổi. Và nếu văn học mở toang cánh cửa để tạo nên hàng trăm, hàng nghìn những Natasa, nữ hoàng Cleopatre hay bà Bovary khác nhau tùy theo trí tưởng tượng bay bổng khác nhau của mỗi độc giả thì phim ảnh lại định hướng, ghim khán giả vào trong những hình tượng có thật qua hóa thân của các diễn viên. Những cảm nhận khác nhau của từng nghệ sĩ, từng êkip sản xuất cũng như sự làm tới hoặc chưa tới của những tác phẩm chuyển thể cũng là nguyên nhân nhiều tác phẩm nổi tiếng được làm đi làm lại bởi nhiều êkip, trong những thời điểm khác nhau và cả ở các nền điện ảnh khác nhau. Cá biệt, mỗi nghệ sĩ lại cảm thụ, khai thác tác phẩm tùy theo cảm nhận của cá nhân mình dẫn đến một tác phẩm văn học nhưng lại có hai, ba bộ phim khác nhau khi mỗi nghệ sĩ mang theo cảm nhận của riêng mình để chuyển thể từ văn học sang phim. Ðó là lý do lâu lâu lại có một dự án phim mới của một êkip mới làm về nữ hoàng Cleopatre, Anna Katerina hay HecQuyn… Ðơn giản bởi từ chất liệu văn học sẵn có những thế hệ đi sau vẫn tiếp tục giải mã những bí ẩn nấp sau nhân vật, sự kiện, các chi tiết, tình huống mà nhà văn đã dầy công quan sát, chiêm nghiệm và mô tả.
Phim Mê Thảo thời vang bóng chuyển thể từ tiểu thuyết Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân
Dù là môn nghệ thuật sinh sau nhưng phim ảnh nhanh chóng hút về một lượng khán giả khổng lồ bởi những ưu thế mà loại hình mang lại. Trong thời công nghệ số, khán giả không cần đến rạp mà chỉ với chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh họ có thể xem phim mọi lúc, mọi nơi. Sự tiện lợi cùng những hấp dẫn của hình ảnh, âm thanh, công nghệ, kỹ xảo… đã mang tới những phút giây giải trí tuyệt vời cho khán giả. Cũng chính bởi sự hấp dẫn đó mà lượng khán giả tìm đến, yêu thích phim ảnh ngày càng nhiều góp phần hình thành nên cả một nền công nghiệp điện ảnh có doanh thu lớn tại những nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến như Hollywood, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Phim Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Trong hàng loạt bộ phim thành công với doanh số khủng gấp từ chục đến vài chục lần chi phí sản xuất, nhiều bộ phim đã chọn cách đi tắt khi chuyển thể, lấy sẵn câu chuyện, nhân vật đã nổi tiếng từ văn học. Trong sự tiếp nối, hợp duyên giữa văn chương và điện ảnh có nhiều bộ phim lấy sự trung thành với nguyên tác làm kim chỉ nam khi chuyển thể từ văn học sang phim. Có tác phẩm lại được phóng tác trên nền một cốt truyện văn học, cái mà bộ phim còn giữ lại chỉ là thần thái, hồn cốt của tác phẩm. Có phim được chuyển thể từ một tác phẩm, lại có những bộ phim là sự kết hợp của hai, ba tác phẩm hay truyện ngắn cộng lại. Ðiện ảnh Việt Nam từng có những bộ phim như thế. Phim Làng Vũ Ðại ngày ấy được khai thác từ ba truyện là Cái lò gạch (Chí Phèo - Thị Nở), Lão Hạc, Sống mòn. Trong hành trình vay mượn cốt truyện, nhân vật, những xung đột, tình tiết từ người anh đi trước có muôn hình vạn trạng những cách cộng sinh, hợp duyên, chiết ghép từ văn học sang điện ảnh. Có tác phẩm chỉ lấy một số ý, một số nhân vật, tình tiết trong cả một thiên tiểu thuyết trường kỳ để làm thành một bộ phim truyện có một, hai tiếng trên màn ảnh. Có phim chọn trung thành với nguyên tác. Trong khi đó nhiều bộ phim truyện dài lại chỉ dựa trên một truyện rất ngắn và nhà làm phim phải thêm thắt, phát triển thêm nhiều tuyến nhân vật để làm dầy cho bộ phim. Có những trường hợp chỉ từ một gợi ý của một bài thơ đã có thể xây dựng thành cả một bộ phim như trường hợp của bộ phim Long Thành cầm giả ca. Từ một bài thơ của Nguyễn Du, cố biên kịch Văn Lê rồi tiếp đến đạo diễn Ðào Bá Sơn đã làm nên cả một bộ phim về người ca kỹ sống dưới thời vua Lê suy tàn, nhà Tây Sơn lên rồi thời thế biến chuyển khi nhà Tây Sơn suy vong... Nghiệm ra, khi các nghệ sĩ (biên kịch, đạo diễn...) đã nắm chắc ngôn ngữ điện ảnh với tình tiết, xung đột, những cao trào trong câu truyện, đặc biệt là nắm được cái thần làm nên sức hấp dẫn của nhân vật thì đôi khi chỉ một gợi ý từ câu chữ (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết...) cũng có thể làm nên một bộ phim. Và tùy theo vốn sống, sự trải nghiệm, style của từng biên kịch, đạo diễn mà câu chuyện, nhân vật được tô đậm hay làm nhạt bớt. Câu chuyện này đặc biệt ứng dụng với các bộ phim làm về danh nhân hay nhân vật lịch sử. Cùng một nhân vật nhưng phim thì khắc họa tài trị quốc, an dân. Có phim lại chỉ xoáy sâu vào những mối tình, những bóng hồng đã đi qua đời các vĩ nhân, vua chúa với những dấu ấn đậm, mờ, khác biệt...
Phim Thằng Bờm
Tuy không thể nói tất cả các tác phẩm chuyển thể đều thành công nhưng khi quyết định chọn tác phẩm để chuyển thể, các nhà làm phim đã chọn cho mình một con đường tắt. Con đường đó có sẵn những yếu tố hấp dẫn từ cốt truyện, nhân vật và cả lượng fan khổng lồ. Vấn đề là từ những yếu tố thuận lợi ấy, êkip làm phim đi được bao xa và có gặt hái thêm những thành công mới hay không. Hàng trăm năm trước đã vậy và chắc cả ngàn năm sau vẫn thế. Với những tác phẩm điện ảnh, truyền hình chuyển thể từ văn học, những người chọn con đường này đã xác định: Ðứng trên vai người khác để đi tắt tới thành công.
NGÔ MINH NGUYỆT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024